Giáo dục

Sau Tết, giáo viên lại đến từng nhà vận động học sinh đến trường

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019, ngày 11/2 nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức cho học sinh tựu trường. Thế nhưng, để sĩ số lớp học ổn định, thì trước đó mấy ngày, các thầy cô giáo đã phải lặn lội vào từng nhà, thông báo, vận động học trò đến lớp đúng ngày.

Trường Tiểu học Vừ A Dính nằm sâu trong bản Tân Lập (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông), là một trong những bản nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông. Trường có hơn 600 học sinh, chiếm đa phần là đồng bào Mông. Mùa xuân đến, những đứa trẻ theo chân người lớn trong nhà đi chơi hội hoặc về quê đón Tết, có khi quên cả việc học. Chính vì thế, giống như mọi năm, cứ chuẩn bị đi học lại, các thầy cô phải có mặt trước ngày tựu trường 2-3 ngày, vừa để dọn dẹp vệ sinh, vừa đến nhà thông báo cho các em ngày quay lại trường.

Cô giáo đến tận nhà để vận động học sinh đến trường.

Thế nhưng, ngày đầu tiên đi học trở lại, cả điểm trường bản Đoàn Kết có 280 học sinh thì chỉ khoảng một nửa có mặt. Ngay sau khi kết thúc buổi sáng, các thầy cô đã chia nhau đi từng ngóc ngách, tìm đến tận nhà các trò để vận động các em đến trường.

“Ngay sau Tết, đồng bào Mông thường tổ chức các lễ hội, trẻ em trong bản thấy người lớn chơi đi hội cũng đi chơi theo nên không muốn đến trường. Chúng tôi phải nhờ cán bộ thôn, trưởng bản cùng đi vận động, các cháu mới chịu quay lại trường”, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên điểm trường Đào Kết cho hay.

Để sĩ số lớp ổn định đầu năm học, nhiều trường phải cho thầy cô giáo đi "gọi" học sinh

Thầy Hoàng Văn Quyết, Hiệu phó phụ trách trường Tiểu học Vừ A Dính tâm sự, so với ngày học đầu tiên thì ngày 12/2, sĩ số các lớp học đã ổn định hơn. Thế nhưng, hôm nay một số em học sinh vẫn chưa tới trường. Thay vì ngồi chờ đợi, sốt ruột thì nhà trường đã huy động các thầy cô giáo tiếp tục chủ động tìm đến nhà học trò để tìm hiểu nguyên nhân, vận động phụ huynh cho các em đến lớp.

“Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đi “gọi” học sinh. Hết hè, hết tết một số em “ngại” quay lại trường nên giáo viên cùng cán bộ địa phương phải vận động, thuyết phục các em. Chính vì thế, trước ngày tựu trường, giáo viên đã phải có mặt tại điểm trường để đi vận động trước. Thế nhưng, sau dịp Tết, việc vận động các em đến lớp gặp nhiều khó khăn vì các em còn phụ giúp việc nương rẫy cho gia đình, đường sá đi lại xa xôi”, thầy Quyết chia sẻ thêm.

Một học sinh địu cả em đến lớp học sau nghỉ Tết vì bố mẹ bận đi làm

Tương tự, ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, gần một nửa số học sinh của Trường mầm non Hoa Ngọc Lan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vẫn còn chưa đến trường. Phần lớn học sinh của trường mầm non này cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số, theo cha mẹ đi nương đi rẫy ngay sau khi hết tết.

“Mặc dù trước khi nghỉ Tết, các giáo viên đã nhắc đi nhắc lại ngày đi học, thế nhưng ngày 11/2, cả trường mới có mấy chục cháu đi học. Đến trưa, giáo viên đến từng nhà để thông báo lại cho phụ huynh, để bố mẹ đưa các cháu đến trường. Nguyên nhân là do người dân sống rải rác và làm nhà ngay trên đất sản xuất của gia đình, cách trường cả chục km, không có người đưa đón trong khi đang là mùa thu hoạch hồ tiêu”, cô giáo Phan Thị Thương, Phó hiệu trưởng Trưởng mầm non Hoa Ngọc Lan tâm sự.

Giáo viên trường Hoa Ngọc Lan đến vận động phụ huynh đưa con đến lớp. (Ảnh: GVCC)

Trường THCS bán trú Đắk R’măng (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long) có gần 90% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù là mô hình trường bán trú, nhưng phần lớn học sinh của trường lại ở nội trú do các em ở đây đều có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở xa từ 7-30 km. Dịp Tết, các em được trở về nhà sau một thời gian dài học tập ở trường, nên đến ngày tựu trường, nhiều em “nản chí”.

Thầy Trần Văn Hạnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, điều các thầy cô giáo trong trường lo sợ nhất là ngày Tết kéo dài, học sinh đi chơi xuân mà quên luôn đường về; lo lắng hơn là những em cuối cấp, bị bố mẹ bắt ở nhà cưới vợ, cưới chồng mà không thể tiếp tục đến trường nữa.

bắt đầu từ ngày 11/2, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức dạy và học lại

“Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín, học thức trong bản tổ chức vận động các gia đình cho các cháu đi học ngay sau kỳ nghỉ tết, tuyệt đối không được kết hôn sớm, tảo hôn. Nhiều năm nay, nhờ “đi trước đón đầu” mà nhà trường hạn chế được tình trạng học sinh ở nhà lập gia đình và sinh con sớm”, thầy hiệu trưởng chia sẻ thêm.

Được biết, bắt đầu từ ngày 11/2, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức dạy và học bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của địa phương này, so ngày đầu tiên đi học, vào ngày học thứ hai, toàn tỉnh chỉ có vài em chưa đến trường.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP