Địa Chí Hà Tĩnh

Săn ong rừng nơi biên giới Hương khê (Hà Tĩnh)

8 giờ, khi rừng biên Việt-Lào được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời của ngày mới thì cũng là lúc những người thợ săn ong rừng ở các xã Hương Lâm, Hương Trà, Hương Xuân, Phú Gia, thuộc H. Hương Khê (Hà Tĩnh) bắt đầu công việc của mình. Để có được thành quả một đàn ong rừng đưa về nhà thuần nuôi lấy mật, đòi hỏi người thợ săn ong phải bỏ nhiều công sức, kiên nhẫn và phải có kinh nghiệm nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Xuân (65 tuổi, trú xã Hương Xuân), người đã có 7 năm “thâm niên” trong nghề săn ong rừng, cho biết: từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau (dương lịch), thời tiết lạnh lẽo nên ong mật hoang dã thường “di cư” từ trong hang đá, rừng sâu ra khu vực bìa rừng để trú đông. Biết được quy luật này, người dân vùng biên giới hương Hương Khê thường tìm cách săn ong rừng đưa về nhà thuần nuôi lấy mật.

Dụng cụ mà người thợ săn ong rừng dùng cũng khá đơn giản, đó là một hoặc nhiều cái chang (chang được làm từ thân cây to khoét rỗng ruột, dài khoảng 50-60cm, hai đầu bịt kín, giữa hoặc một đầu được đục một số lỗ nhỏ vừa đủ để ong chui ra, chui vào làm tổ-P.V); vợt dùng để bắt ong soi (ong tìm tổ cho cả đàn) bỏ vào chang; thang, dây thừng (dùng để trèo cao); nhang thơm (xông khói để hạn chế ong cắn) cùng một ít đồ ăn, nước uống dùng trong quá trình săn ong. Để “dụ” được ong về chang, người thợ săn phải có kinh nghiệm, đặc biệt là phải hiểu được những đặc tính, “sở thích” và hướng bay của đàn ong mật di cư từ rừng ra.

Có kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn ong rừng, ông Phan Thanh Toàn (60 tuổi, trú xã Phú Gia), cho biết, có nhiều cách để bắt ong rừng đưa về nuôi, nhưng 2 cách cơ bản nhất mà thợ săn ở H. Hương Khê thường dùng đó treo chang lên cột điện (loại cột điện hình trụ đứng, rỗng ở giữa, có nhiều lỗ xung quanh) hoặc một nơi nào đó có ánh nắng ấm áp để chờ ong soi bay đến “thăm” chang. “Khi con ong soi chui vào chang mà “ưng cái bụng” thì một lúc sau, con ong này sẽ “thông báo” cho nhóm ong soi hàng trăm con khác đến cùng “thăm” chang. Nếu nhóm ong soi mà “ưng cái bụng” thì y như rằng, khoảng 15 phút sau, ong soi sẽ “đưa đường” cho cả tổ ong bay về chang. Thế là xong, việc còn lại là người thợ chỉ đưa chang chứa đầy ong về nhà nuôi lấy mật” – ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Thanh Xuân với những cái chang đầy ong rừng vừa săn được.

Còn cách thứ 2, theo ông Trịnh Xuân Đào (83 tuổi, một thợ săn ong ở xã Hương Xuân) thì: Vì có lúc người thợ săn phải đợi cả ngày nhưng cũng không có một con ong soi nào bay về “thăm” chang; thậm chí có lúc nhiều con ong soi bay đến lượn lòng vòng quanh chang nhưng chúng lại không chịu chui vào “thăm”. “Lúc đó, để tiếp tục, người thợ săn phải thấp thỏm đợi chờ, mắt tinh tường dõi theo đàn ong soi rồi dùng vợt bắt chúng bỏ vào chang để chúng “thăm” tổ. Tiếp đó người thợ săn phải lập tức bịt kín Chang chừng 5 phút rồi sau đó mở ra. Nếu ong soi mà ưng chang là có hy vọng, không thì mất toi cả ngày công” – ông Đào cho biết thêm.

Nhiều thợ săn ong rừng ở H. Hương Khê cho biết, nghề săn ong mật hoang đưa về thuần nuôi lấy mật cũng mang lại thu nhập đáng kể: nếu may mắn và có kinh nghiệm nghề nghiệp, mỗi thợ săn ong cũng bắt được 1-2 tổ ong/ngày, nếu bán luôn tại chỗ cho người khác đưa về nuôi thì thu nhập khoảng 500 – 1 triệu đồng/ngày; nhưng không gặp may thì dù lăn lộn rừng núi cả tháng cũng không kiếm được đồng nào. Trong trường hợp người thợ săn ong đưa về nhà tự thuần nuôi lấy mật thì cho thu nhập mỗi năm 5-10 triệu đồng/đàn ong (chang ong); càng nhiều đàn ong thì thu nhập người nuôi càng cao.

“Mùa này ong rừng thường di cư nhiều, dễ bắt, nên mỗi ngày có gần 100 người, thường ở độ tuổi 60 trở lên, từ các xã vùng biên giới Việt – Lào đi săn ong rừng, nhờ đó mà cuộc sống của nhiều hộ dân ở vùng biên giới này bớt đi khó khăn, thiếu thốn. Nhưng đổi lại, đây cũng là nghề gian nan, vất vả, thậm chí cả tháng trời “nằm rừng” săn ong nhưng thợ vẫn không “săn” được tổ ong nào. “Phần vì thú vui, phần vì kinh tế khó khăn mà phải theo nghề thôi chú ạ! Chứ thực ra nghề này cũng bạc lắm, không dễ kiếm cơm như người ta vẫn nghĩ đâu” – ông Phan Văn Bường (71 tuổi, một thợ săn ở xã Hương Xuân) chia sẻ.

Bài, ảnh: Nguyễn Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP