Trong nước

Sai phạm hơn 2.300 tỉ đồng ở Phú Quốc: Nhiều cán bộ sai phạm chỉ rút kinh nghiệm

Tổng số tiền sai phạm phải thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 2.312 tỉ đồng nhưng đến nay mới thu hồi được hơn 900 tỉ đồng. Hàng chục cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh Kiên Giang dính sai phạm chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi (trái) và Phạm Vũ Hồng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm - Ảnh: KHOA NAM

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay ngày 24-8, chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh này về tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017, chủ yếu tập trung vào sai phạm ở huyện Phú Quốc.

Giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định

Thanh tra Chính phủ kết luận: giai đoạn 2011-2017, chủ đầu tư các dự án, các tổ chức sai phạm về tài chính liên quan tới đất đai và bảo vệ môi trường tổng số tiền lên tới trên 741,59 tỉ đồng, chủ yếu là giao đất, ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định. Số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lên tới hơn 1.570 tỉ đồng. Ngoài ra còn phải thu hàng chục tỉ đồng tiền nợ thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Từ năm 2011-2017, huyện Phú Quốc và Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc. Chưa kể còn có hàng trăm vụ vi phạm về xây dựng đô thị, bao chiếm đất rừng tràn lan. Trong đó, có rất nhiều thửa đất nông nghiệp được tách với diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định đất ở 36m2.

Có một số người được duyệt tách hàng chục thửa đất trong thời gian ngắn như: ông Chu Huy Hùng được tách 3.006,1m2 đất tại khu phố 5, thị trấn Dương Đông thành 21 thửa đất, thửa nhỏ nhất diện tích 21,6m2; bà La Tuyết Mai được duyệt tách 6.831,9m2 đất tại ấp 4, xã Cửa Cạn thành 63 thửa đất, trong đó có 2 thửa diện tích 24m2 và 16m2...

Những sai phạm nêu trên không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng mà còn để lại nhiều hậu quả rất khó khắc phục, thậm chí có những sai phạm gần như không thể khắc phục được.

Theo Thanh tra tỉnh Kiên Giang, về tài chính, đến thời điểm này các cơ quan có liên quan đã tiến hành thu hồi được hơn 900 tỉ trong tổng số tiền hơn 2.300 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, thu nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được hơn 822,6 tỉ đồng, truy thu thuế tài nguyên và nợ đọng khoảng 5 tỉ đồng... Có khoảng 40 tỉ đồng không thể thu hồi do doanh nghiệp phá sản hoặc không triển khai dự án bị thu hồi chủ trương.

Kết quả kiểm điểm các cá nhân, tập thể sẽ được báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ngành và Chính phủ. Trường hợp trung ương thấy chưa được thì sẽ tính tiếp.

Bà Đặng Tuyết Em (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang)

Yêu cầu xử lý nghiêm nhưng chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm

Mặc dù kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu: "Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm", nhưng kết quả xử lý cán bộ của tỉnh Kiên Giang gần như chỉ có kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Cụ thể, trong số hàng chục cá nhân, tập thể có liên quan tới các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ có 16 cán bộ cấp phòng và xã, thị trấn của huyện Phú Quốc bị kỷ luật hình thức cảnh cáo và khiển trách. Còn lại các lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang phải kiểm điểm rút kinh nghiệm gồm: 2 nguyên chủ tịch UBND tỉnh là Lê Văn Thi, Phạm Vũ Hồng (cả 2 người đã nghỉ hưu); các phó chủ tịch gồm: Lê Khắc Ghi, Mai Anh Nhịn (đã nghỉ hưu), Lâm Hoàng Sa (hiện là trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy)...

Ngoài ra còn có 6 thành viên UBND tỉnh kiểm điểm rút kinh nghiệm là: ông Nguyễn Xuân Lộc - nguyên giám đốc Sở TN-MT (đã nghỉ hưu); ông Lê Quốc Anh - giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Thống Nhất - nguyên trưởng Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc, hiện là giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư; ông Nguyễn Đức Chín - nguyên giám đốc Sở Tài chính, hiện là phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT; ông Nguyễn Văn Tiệp - giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc.

Các sở, ngành có lãnh đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm gồm: Sở Tài chính kiểm điểm 1 lãnh đạo sở, 1 lãnh đạo phòng và tập thể phòng quản lý giá và công sản; Sở Xây dựng kiểm điểm 3 lãnh đạo sở, 1 lãnh đạo phòng; Sở NN&PTNT kiểm điểm 1 lãnh đạo sở, 2 lãnh đạo Hạt kiểm lâm Phú Quốc, 1 lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Phú Quốc; Sở TN-MT kiểm điểm 3 lãnh đạo sở, 1 lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai, 3 lãnh đạo Chi cục Quản lý đất đai và khoáng sản, tập thể Thanh tra sở và ban giám đốc giai đoạn 2011-2017.

Cục Thuế tỉnh Kiên Giang (là nơi để thất thoát trên 1.500 tỉ đồng tiền ưu đãi khi giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất...) kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với: ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên cục trưởng, hiện là chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng), ông Trần Văn Điện (phó cục trưởng). Ngoài ra còn kiểm điểm 4 lãnh đạo cấp phòng, 3 chuyên viên...

Tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp

Theo ông Huỳnh Long Hải - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phú Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, Hạt kiểm lâm huyện và Vườn quốc gia Phú Quốc cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét, xử lý các điểm nóng lấn chiếm, phá rừng. Kiểm lâm huyện đã phát hiện 74 vụ vi phạm lâm luật...

Ông Hải cho biết tình hình phá rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng và cháy rừng vẫn còn diễn ra và ngày càng phức tạp. Các đối tượng khi thực hiện các hành vi vi phạm luôn cho người canh đường, theo dõi bất kể thời gian nào. Điều này khiến cơ quan chức năng rất khó phát hiện vi phạm quả tang và điều tra truy tìm đối tượng vi phạm.

Đơn cử, Hạt kiểm lâm Phú Quốc hiện đang điều tra vụ bao chiếm 23ha rừng phòng hộ tại tỉnh lộ 46 thuộc xã Dương Tơ, gần sân bay quốc tế. Khi cơ quan chức năng lập biên bản thì chỉ có người trông coi. Người này khai bà N. - chủ đất - đang sinh sống tại Anh. Đất được mua lại của một nhóm người đến từ phía Bắc, giá 23 tỉ đồng. Do người mua đất ở nước ngoài nên việc điều tra đang gặp khó khăn.

Báo cáo kết quả kiểm điểm, chờ ý kiến trung ương

Chiều 24-8, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc xử lý, tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan tới những khuyết điểm, sai phạm theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, bà Đặng Tuyết Em - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang - cho biết đây mới chỉ là xử lý ở cấp tỉnh.

Bà Tuyết Em khẳng định hiện tại Tỉnh ủy Kiên Giang chưa có ý kiến chính thức về việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tập thể theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả xử lý kiểm điểm chung thì cũng đã nắm khá đầy đủ. "Kết quả kiểm điểm các cá nhân, tập thể sẽ được báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ngành và Chính phủ. Trường hợp trung ương thấy chưa được sẽ tính tiếp" - bà Tuyết Em nói.

Tác giả: K.NAM - H.T.DŨNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP