Xã hội

Rước cây bồ đề do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng

Ngày 22/7, tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ rước và trồng cây Bồ Đề do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng.

Đây là cây Bồ Đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka. Cây Bồ Đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay (2.250 tuổi) và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka.

Đây là cây Bồ Đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka

Theo sử sách, năm 247 (trước công nguyên), Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía nam của cây Bồ Đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka.

Vào ngày 20/7/2018, phái đoàn từ Việt Nam do Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó Trụ trì thường trực chùa Bái Đính làm trưởng đoàn đã qua Sri Lanka để chiêm bái và cung đón cây Bồ Đề linh thiêng về Việt Nam.

Đến sáng ngày 22/7/2018, cây Bồ Đề linh thiêng đã được đoàn cung đón về đến sân bay Nội Bài và đi thẳng đến Điện Tam Thế chùa Tam Chúc làm lễ sái tịnh khu đất và lễ trồng cây.

Cây bồ đề được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho chùa Tam Chúc

Cùng đi với đoàn có Thượng tọa Pallegama Siriniwasa Nayaka Thera – Trụ trì cai quản cây Bồ Đề tổ Maha Bodhi và chùa Atamasthanadipathi ở Thánh tích Anuradhapura; Thượng tọa Ihala Halmilewe Rathanapala Nayaka Thera – Trụ trì chùa Jethawana Maha Viharaya; bà Hasanthi Urugodanatte Dissanayaka – Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam.

Về phía đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam); Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng lão hòa thượng Thích Thanh Đàm.

Ngoài ra, còn đại diện chính quyền địa phương như bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hà Nam; ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Đây là ngôi chùa rất đặc biệt, với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạc, hậu thất tinh (mặt trước có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống, Hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm).

Sáng ngày 22/7/2018, cây Bồ Đề linh thiêng đã được đoàn cung đón về đến sân bay Nội Bài và đi thẳng đến Điện Tam Thế chùa Tam Chúc làm lễ sái tịnh khu đất và lễ trồng cây.

Một điều đặc biệt nữa, ngôi chùa này do rất nhiều thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo tổ chức thi công. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận chùa Tam Chúc có niên đại trên 1.000 năm. Trải qua năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1 m, những xà đá, cột đá rất lớn mà chúng ta chưa thể hiểu được ông cha ta trước kia dựng chùa bằng cách nào với kích thước lớn như vậy.

Chùa Tam Chúc đang được đầu tư xây dựng lại với 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn. Quần thể khu du lịch Tam Chúc đã được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2013. Chùa Tam Chúc sẽ là nơi đăng cai Đại Lễ Veskas 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5/2018. Đây cũng là thời gian khánh thành chùa giai đoạn I.

Tác giả: Đức Văn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP