Di tích - Thắng cảnh

Rủ nhau ngắm cảnh Chân Tiên Tự…

Dọc theo bờ biển, nơi có tuyến tỉnh lộ 22/12 chạy qua nối Lộc Hà với huyện Nghi Xuân, Thịnh Lộc được biết đến là 1 địa danh được thiên nhiên và tạo hóa ưu ái, với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Trải qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, Thịnh Lộc là nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng tuấn kiệt như: Ninh quận công Trịnh Toàn, tướng Trần Giao, Lê Hiến v.v… Đặc biệt nơi đây còn được biết đến bởi 1 di tích lịch sử văn hóa lâu đời được nhiều thế hệ ngưỡng vọng, đó chính là Chân Tiên Tự ( Chùa Chân Tiên).

Đường lên Chùa Chân Tiên

Nằm trên núi Am Tiên, một trong hệ thống 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là “Am Tiên đệ nhất danh lam” nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ hùng vỹ – sự ra đời của chùa Chân Tiên được gắn với những câu chuyện mang màu sắc huyền bí về truyền thuyết Tiên giáng trần được dân gian truyền tụng từ xưa. Để rồi từ ngàn đời xưa lại nay, nhân dân Thịnh Lộc chuyên sống bằng nghề nông và nghề biển vẫn không thôi tự hào và bảo tồn gìn giữ về những giá trị nhân văn của ông cha để lại. Họ tôn thờ ngôi chùa và quý trọng những báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây. Đứng trên đỉnh nhìn xuống xung quanh là rừng thông mọc tự nhiên trùng điệp bốn mùa xanh tươi. Theo các bậc cao niên ở đây kể lại, thời đó có một nàng Tiên khi bị cha ép lấy chồng không chịu lấy nên bỏ xứ sở thần tiên ra đi. Khi đi nàng lấy một cây mai làm gậy. Nàng đi mãi, đi mãi rồi sau đó rơi xuống núi Am Tiên. Khi đặt chân xuống đây, nàng vùi cây Mai xuống đất và nó đã mọc thành một bụi Mai rậm rạp, xanh tốt. Hiện tại bụi Mai này vẫn quanh năm xanh tốt không kể mùa hè nắng nóng hay mùa đông lạnh giá. Có câu chuyện khác lại được truyền miệng trong dân gian rằng, hồi đó ở địa phương có ông Đùng (ông khổng lồ) sức khỏe phi thường, có tài chuyển núi, dời non. Một ngày nọ, ông vần tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình năm con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng…. Một lần ông Đùng gánh 2 quả núi thì gãy đòn gánh nên bị ngã. Hai quả núi rơi xuống được người đời đặt tên là núi Am Tiên và Rú Bờng (hay còn gọi là núi Bằng Sơn ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà ngày nay). Đòn gánh mà ông Đùng gánh hai quả núi kia tạo thành một dải cát vàng nối liền và là ranh giới giữa hai huyện Lộc Hà và Can Lộc. Tương truyền, thời vua An Dương Vương mở nước từng đặt chân đến nơi này. Không chỉ là nơi có “tiên giáng trần” mà xung quanh ngọn núi này còn mang nhiều câu chuyện đậm chất li kỳ khác. Theo dân gian truyền lại thì do có phong cảnh hữu tình nên núi Am Tiên là nơi có nhiều thần tiên từng đặt chân chu du chốn này. Hiện vẫn còn nhiều dấu tích để lại mà người dân ở đây cho rằng đó những là gì còn sót lại của các vị tiên đặt chân đến như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người… nhiều hang đá xưa có tiếng như: Đá Bắt Chí, đá Giả Gạo, đá Cối Xay, Hang 12 cửa… Nhưng thể hiện rõ nhất để minh chứng cho việc các thần tiên từng đặt chân đến đây đó là: Dấu chân ông Bành Tổ, Vết chân Tiên nữ, Vó ngựa, suối Ngọc hay Bàu Tiên, bàn cờ Tiên, giếng Tiên, thạch kim quy… Mỗi dấu tích nơi đây đều gắn với một câu chuyện rất kì bí. Và theo thời gian, có vô số câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền về chốn thần tiên mang màu sắc huyền bí này. Dù chỉ là truyền thuyết nhưng mỗi sự vật hiện tượng được thiên nhiên lưu tác nơi đây luôn mang đến cho du khách gần xa sức hấp dẫn, thích thú về sự trùng lặp các dấu tích Tiên mà cho đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.

Tọa lạc giữa rừng thông xanh vu vút quanh năm reo ca, Chùa Chân Tiên u linh nằm ẩn mình tồn tại hàng trăm năm tuổi. Chùa được xem là xây dựng vào thời nhà Trần (Thế kỷ XIII). Đây là một ngôi chùa khá đẹp với kiến trúc hài hòa, cân đối và thoáng mát. Trong quá trình biến thiên của lịch sử, chùa đã được tu sửa 3 lần. Hiện gồm hai nhà: nhà bên trái (chùa thứ nhất) và nhà bên phải (chùa thứ hai). Nhà bên trái thờ Phật Tổ, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiến trúc tứ trụ, có 3 gian, xung quanh có tường bao bọc. Chùa được lợp ngói vảy, hai bên hiên chùa thờ hai vị: quan Văn (bên trái) và quan Võ (bên phải). Trước cửa có 4 câu đối:

                          “Tùng sơn địa thắng lưu tiên tích
Hồ Thủy Thiên Quang ánh phật đường
Sa môn bất tử đường như dẫn
Thạch thất do tuyên Hán dĩ lai”

Nhà bên phải thờ Thánh Mẫu bao gồm các công trình như nhà Thượng điện, kiệu Long đình và nhà Bái đường với diện tích 56m2… Các công trình này đều được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo như hình rồng, hình mặt trăng, hoa lá v.v… Trong chùa Chân Tiên hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật thờ tự quý hiếm như: các pho tượng Phật, lư hương, trống, hương án, cờ Phật… Đứng trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp trải dài trên 99 đỉnh non Hồng. Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chùa Chân Tiên còn là một di tích lịch sử cách mạng. Trong phong trào Văn thân Cần Vương (1885-1896), xã Thịnh Lộc có nhiều người con tham gia vào nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng như: Trần Quang Tụ, Nguyễn Đăng Thiện, Phạm Môn…Chùa Chân Tiên lúc bấy giờ đã trở thành một trong những căn cứ luyện tập của nghĩa quân. Khi phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 nổ ra và lan về Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hằng Chi đã chọn vùng này làm nơi tập trung nho sỹ đi biểu tình… Năm 1928, Đại tổ Tân Việt huyện Can Lộc tổ chức họp tại chùa Chân Tiên. Các đồng chí: Võ Quế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Trần Châu, Trần Hoặc, Trần Xu, sư Bảy…đã ngụy trang bằng màn cầu tiên để che mắt địch. Sang năm 1929, tổ chức Tân Việt phát triển nhanh chóng. Tiểu tổ Tân Việt ở Thịnh Lộc được thành lập, đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình cách mạng của địa phương. Với vị trí thuận lợi, chùa Chân Tiên đã trở thành địa điểm quan trọng góp phần vào thắng lợi của nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: Ngày 25/4/1930, dưới sự chủ trì của các đồng chí Phan Gần (Tỉnh ủy viên), Hoàng Liệu, Nguyễn Cứ, Nguyễn Trạc (đại diện cho Huyện ủy và Tổng bộ) đã tổ chức Đại hội thành lập Chi bộ Đảng Yên Điềm tại chùa. Không chỉ là nơi hội họp, liên lạc của các tổ chức, cơ sở Đảng, chùa Chân Tiên còn là nơi in ấn, cất dấu truyền đơn, tài liệu rất an toàn của Tổng bộ và Chi bộ Đảng ở vùng Hạ Can Lộc. Công việc in ấn tài liệu, truyền đơn của Tổng bộ do đồng chí Lê Lụa phụ trách. Khi in xong, tài liệu được cất dấu trong tượng Phật và ở khe đá 12 cửa, cách chùa 10 m về phía Đông.  Ngày 28/7/1930, tại chùa đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch hành động kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc với sự tham gia của các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Liêu, Phan Gần. Sáng ngày 1/8/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Can Lộc và Chi bộ Đảng Yên Điềm, 350 nông dân xã Thịnh Lộc cùng các xã lân cận đã tập trung đi biểu tình. Đoàn biểu tình kéo đến Truông gió Hồng Lộc nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc diễn thuyết rồi nhập với đoàn biểu tình của Thượng Can tiến thẳng vào huyện lỵ. Khí thế của đoàn biểu tình khiến cho tri huyện Trần Mạnh Đàn và bọn nha lại hoảng sợ phải cúi đầu nhận bản yêu sách của quần chúng nhân dân.  Chiều ngày 5/11/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Liêu và Trần Xu, Trần Huê, Nguyễn Trạc…cuộc họp bàn kế hoạch ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga và tiến hành đợt đấu tranh mới của huyện ủy Can Lộc được tổ chức tại chùa Chân Tiên. Sáng ngày 6/11/1930, cuộc biểu tình diễn ra ở chợ Vùn với sự tham gia của 2000 nhân dân Thịnh Lộc kết thúc thắng lợi khiến cho tri huyện, cường hào vô cùng hoảng sợ. Khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Thịnh Lộc đã làm cho bộ máy quyền lực của thực dân – phong kiến ở đây tê liệt. Xã bộ nông, Thôn bộ nông đứng ra giải quyết mọi công việc trong làng và đã đạt được nhiều thành quả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa – xã hội…

Giếng Tiên

Theo thời gian, chùa Chân Tiên trở thành danh thắng, 1 điểm tham quan lý tưởng, bởi không chỉ cảnh trí đẹp thu hút du khách tới thưởng ngoạn mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa -Thể thao công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, vào ngày 3/3 Âm lịch bà con nhân dân, các vị tăng ni phật tử, du khách và đạo hữu gần xa lại về lễ chùa vãn cảnh, cầu nguyện và trở thành ngày hội truyền thống của nhân dân địa phương. Nét đẹp của lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Thịnh Lộc và trong vùng biển cửa này.

Nếu bạn là 1 du khách yêu non xanh nước biếc, biết nâng niu những giá trị tinh thần thì đừng chần chờ thêm nữa – hãy cùng nhau ngắm cảnh Chân Tiên. Bắt đầu từ lễ hội Chân Tiên tự, rồi cứ để bước chân phiêu du của mình khi xuôi về với núi Bằng Sơn, cùng hòa mình trong lễ hội chùa Xuân Đài – Kim Dung, đến địa danh núi Long Ngâm – Cửa Sót với đền thờ chiêu trưng đại vương Lê Khôi… Bạn sẽ biết được đất và người của vùng quê biển Lộc Hà ân tình chan chứa thế nào. Và Hà Tĩnh quê mình đẹp và quí giá biết bao….

Trâm Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP