Xã hội

Rớt nước mắt những 'trụ cột' trên dưới 50 tuổi đã đổ gục vì bệnh tật

Mỗi lúc bệnh nặng đến nỗi ù cả tai, lồi cả mắt nhưng trước mặt người bệnh vẫn chập chờn hình dáng của những chủ nợ, của quyển sổ nợ ghi một danh sách dài như bất tận.

Nạp vào người 24.000 viên thuốc và...

Anh Hà Văn Giới ở xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến một ngày mình phải đi bằng đôi ghế gỗ thay cho đôi chân vì vốn rất khỏe mạnh, làm ruộng hay vác gạch cứ nhẹ như không. Ngoài 30 tuổi, khi bắt đầu thấy đau dọc sống lưng vì bệnh thoát vị đĩa đệm, chủ quan nên anh chỉ nhờ người đến tiêm cho một liều thuốc giảm đau rồi lại lao vào công việc tiếp. Nhưng chỉ đỡ được vài tuần rồi chứng đau lại tái phát. Lần sau nặng hơn lần trước, tháng sau nặng hơn tháng trước, năm sau nặng hơn năm trước, phải tăng liều giảm đau liên tục từ vài tuần 1 lọ đến mỗi ngày 2 lọ.

Anh Giới bên nỗi buồn vì bệnh tật

Nông thôn vùng sâu, vùng xa như quê anh đất đai rẻ như bùn nhưng vẫn phải bán đi để có hơn 100 triệu đồng mà chữa bệnh. Mỗi ngày đều đặn uống 6 viên thuốc, ròng rã trong 10 năm nạp vào cơ thể trên 24.000 viên (chưa kể các đợt điều trị cấp cứu), hóa chất tính ra cân còn nặng hơn cả người rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Lúc đầu anh còn cố chống đỡ số phận bằng cách tì 2 tay vào đầu gối đi khòng, nhúc nhắc chăn bò được. Rốt cuộc rồi cũng phải chấp nhận bò lê trên 2 cái ghế gỗ như hiện tại.

Buồn chán, vợ chồng anh đành ly thân. Nhà ngang vợ con ở còn nhà trên anh ở. Vì chồng không thể với tay lên được tới bàn thờ mà thắp hương nên chỉ ngày rằm, mồng một vợ anh mới chịu lên còn không chẳng bao giờ thấy bóng. Gần mặt mà đã cách lòng là thế! Giờ đây khi bước vào tuổi 54, cái thân thể co quắp vì bệnh tật của anh cũng không thể chứa đựng hết nỗi buồn mênh mông ở thẳm sâu trong tâm hồn. Nỗi buồn hiện rõ lên trên khuôn mặt, trên nụ cười, trên ánh mắt của anh.

Mỗi tháng anh Giới nhận được 570.000đ hỗ trợ tàn tật, trừ thuốc thang, số tiền còn lại chẳng được là bao. Nhưng có ăn no, chẳng có thì ăn đói, có ăn thịt, chẳng có thì ăn rau, sự tự ái của một người đàn ông không thể làm trụ cột cho gia đình khiến cho anh không muốn nhờ vả bất cứ một ai. Tự mình làm lấy tất cả, từ nấu cơm, quét dọn đến cả những việc khó như thay quần áo anh cũng miệng ngậm đồ sạch còn tay cầm đồ bẩn.

Trong những ngày mưa gió tầm tã, quãng đường đất từ nhà ra ngõ vẫn một bóng người bé nhỏ, lọc cọc trên đôi ghế gỗ lần mò đi về. Có lúc thân mình ngã nhào, mặt cắm vào bùn đất lẫn phân trâu phân bò nhưng rồi anh lại lồm cồm dậy để bò tiếp cho hết đoạn đời còn lại, cho nỗi trống trải khỏi xâm chiếm đầu óc.

Thương anh phải sống cảnh dột ướt những khi mưa gió người em trai mua cho một miếng vải bạt đủ để che kín trên cái đỉnh màn. Còn ngôi nhà nát, xà cột mối xông thì đành chịu chẳng có tiền để sửa. Ngày này qua ngày khác anh Giới chỉ còn biết mỗi một cách là lấy dao cạy, chọc cho đám mối khỏi bò lên trên và bất lực nhìn những con đã bò cao hơn 1 m, ngoài tầm với của tay mình.

Chỉ đi viện khi đã gần... quy tiên

Lao động cực khổ, môi trường độc hại (hóa chất, thuốc trừ sâu), ăn uống vô chừng nên bệnh tật thường bắt đầu quật ngã người nông dân khi họ ngấp nghé độ tuổi trên dưới 50. Tâm lý phổ biến là không thể chịu đựng được nữa mới chịu đi viện nên lúc phát hiện ra thường đã quá muộn màng. Bệnh nhẹ mà hóa nặng ngay cả với những loại thường gặp nhất như xương khớp, hô hấp hay chuyển hóa.

Không mấy ai còn có thể nhận ra một anh cửu vạn khỏe mạnh chuyên đội đất, đào móng, phá dỡ công trình ở chợ người Long Biên (Hà Nội) ngày nào giờ đây lại tiều tụy như một chiếc bóng đến vậy. Anh là Trần Văn Sinh 47 tuổi ở xã Đồng Ích (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Như thói lệ ở quê, khi sinh liên tiếp 3 đứa đầu là gái anh động viên vợ đẻ cố thêm một nữa.

Anh Sinh đang được bác sĩ khám bệnh

Từ hồi có được thằng cu chống gậy là Trần Quang Trưởng (năm nay mới chỉ hơn 2 tuổi), anh bốc vác gần như không thấy mệt, cố chắt bóp từng đồng từng cắc để gửi về quê mua sữa cho con. Một mái nhà tạm, chồng cửu vạn, vợ làm nông, hạnh phúc tưởng chỉ giản đơn như vậy có ai ngờ, Tết vừa rồi bệnh tật bỗng dưng gõ cửa với các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu không còn muốn động tay vào bất cứ công việc gì.

Chưa bao giờ đi khám, anh liều đến Trạm y tế xã, bác sĩ ở đây chẩn đoán bị chảy máu dạ dày nhưng cho thuốc mãi mà không thấy khỏi. Lên bệnh viện đa khoa tỉnh được phán là giãn dây thực quản nên bên trong máu chảy rỉ rả cả ngày như một cái vòi nước hỏng. Mổ nội soi để xử lý chỗ giãn thực quản thì giờ lại có thêm biểu hiện xơ gan, lách to, thiếu máu, hồng cầu tụt.

Lúc gặp tôi ở Trung tâm y tế huyện Tam Dương mặt anh Sinh nhợt nhạt như một người chết đuối còn bụng thì trướng lên vừa ỏng lại vừa vàng. Yếu như vậy nhưng đến khi biết phải chuyển lên tuyến trên để điều trị, trưa đó anh vẫn vội nhảo về nhà cách xa hàng chục cây số chỉ để vay mượn thêm được 4 triệu bởi trong túi chỉ có mấy trăm ngàn.

Anh phân bua, làm ăn cả năm dành ra được 10 triệu mang về xây cái bờ rào và tiêu Tết là vừa hết. Từ đầu năm đến giờ chạy chữa tốn kém đến hơn 30 triệu, toàn phải huy động từ 5 anh em trong nhà chứ gia đình mình không có đồng nào. Cũng vẫn là mấy anh em cắt cử trông nom anh mỗi khi đi viện để người vợ ở nhà mà lo cho đàn con nhỏ cùng với 4 sào ruộng cấy.

Mỗi lần anh Vương Văn Triển, 50 tuổi ở An Hòa (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vào viện thì chẳng biết đến khoa nào trước vì quá nhiều bệnh nào phổi tắc nghẽn, nào đa hồng cầu, nào suy tim, suy tạng. Lượng thuốc cấp theo chu kỳ của anh nhiều như một cửa hàng dược thu nhỏ gồm đủ loại thuốc bệnh, thuốc bổ.

Bệnh này phá ra bệnh khác khiến cho tháng nào vợ anh Triển cũng lóc cóc chở chồng đi gần 100 km về Thủ đô bằng xe máy để chạy chữa. Ô tô khách chị chỉ dám dùng mỗi khi anh suy yếu đến nỗi không thể ngồi vững được bởi tiếc tiền vé cho cả hai là 300.000 đ trong khi xe máy chỉ mất 50.000đ tiền xăng. Hành trang họ mang theo là cơm nắm, muối vừng, lúc nào nhỡ nhàng lắm mới dám ra ăn tạm củ khoai, nắm xôi giá không quá 5.000đ cho qua cơn đói.

Cầm cự khi nào anh giãn được phế quản, dễ thở được tí là lại về vì đã cạn tiền. Để giờ đây là cả một cơ thể rệu rã, suy tim độ 2 không có khả năng phục hồi, suy đa tạng lại thêm chứng phổi tắc nghẽn khiến cho anh phải gắn với cái máy khí rung như hình với bóng. Mỗi lúc bệnh nặng đến nỗi ù cả tai, lồi cả mắt nhưng trước mặt anh vẫn chập chờn hình dáng của những chủ nợ, của quyển sổ nợ ghi một danh sách dài như bất tận.

Nhiều lần khi anh Triển đi viện, ở nhà người thân đã dựng rạp chuẩn bị lo… đám ma. Nợ nần tứ tung đến hơn 70 triệu nên anh không thể muốn đi khám lúc nào cũng được. Có lúc nặng đến mức nôn cả ra máu, động mạch bên trong đã phồng lên hết chỉ chậm tí là vỡ, là tai biến não mới chịu đi cấp cứu. Có lúc máu trong người anh đã bị nhiễm khuẩn, đặc quánh lại khám xong cái lên giường một mạch hơn chục ngày hút ra hơn cả 1 người máu độc (3 lít) mới thoát chết.

Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: bệnh tật , ung thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP