Hà Tĩnh ngày nay

Rác thải thành phố Hà Tĩnh đi đâu về đâu?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: có thể nói hiện nay môi trường sống tại các đô thị ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, rác thải và nước thải gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và tốc độ phát triển kinh tế, xã hội. Việc đảm bảo hạ tầng cơ sở nói chung và hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là trách nhiệm của nhà nước và nhân dân.

TP Hà Tĩnh nguy cơ rác tồn đọng


Theo thống kê của Cty quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh, khối lượng chất thải rắn phát sinh tại TP Hà Tĩnh, các khu vực sản xuất CN, TTCN và các vùng lân cận năm 2006 có khoảng 79 tấn/ngày, nay tăng lên trên 120 tấn/ngày.


TP Hà Tĩnh hiện có 170 ngàn người, lượng rác thải dự báo mỗi ngày 12 kg/người (theo dự tính lượng rác thải đối với các đô thị loại 3 trong chiến lược quản lý chất thải rắn thì đến năm 2010 lượng chất thải rắn của TP Hà Tĩnh vào khoảng 150 tấn/ngày, năm 2015 khoảng gần 200 tấn/ngày. Vì thế, khi chưa lên đô thị loại 3 Hà Tĩnh cũng đã có một tầm nhìn chiến lược xây dựng bãi rác để tập trung tất cả rác thải của TP, các huyện lân cận (Thạch Hà, Cẩm Xuyên) quy về một điểm bảo đảm môi trường sinh thái; bởi vấn đề này là tác nhân gân nên hậu hoạ đối với sự sống con người.


Cho nên năm 2003 Hà Tĩnh phê duyệt, thiết kế xây dựng bãi rác Đồng Chùa – xã Thạch Yên – Thạch Hà (nay là phường Văn Yên – TP Hà Tĩnh) với quy mô 2 ha để tập kết, chôn lấp rác thải trên toàn TP Hà Tĩnh. Tháng 6/2003, công trình được đưa vào sử dụng, theo thiết kế ban đầu, bãi rác này đủ chứa lượng rác thải của thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) trong vòng 10 năm. Kể từ khi xây dựng và tập kết rác thải đến nay nhờ làm tốt môi trường vệ sinh xung quanh nên được người dân trong vùng đồng tình và ủng hộ; tuy họ vẫn biết rằng khu tập kết rác thải nằm trong khu vực TP, đặc biệt ở trong một phường dân cư đông đúc nhưng mỗi người dân ở đây đều có tinh thần, trách nhiệm cao nên môi trường xung quanh bãi rác vẫn luôn đảm bảo an toàn.


Hiện tại do chưa có nhà máy xử lý rác quy mô nên bãi rác Văn Yên đang được mở rộng thêm diện tích 2.000 m2 nữa, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Trong các kỳ đại hội đảng bộ TP, HĐND TP, đều đưa vào chương trình nghị sự cần phải có một NM xử lý rác và chế biến rác có quy mô lớn hơn, sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý triệt để khối lượng rác thải ngày càng tăng, nhằm phù hợp với quy chuẩn Việt Nam, đảm bảo thiêu đốt được khối lượng lớn rác thải, vừa tách lọc từ rác ra phân hữu cơ.


Nói tóm lại TP Hà Tĩnh cấp thiết phải có NM xử lý rác được 90% khối lượng, trong đó bao gồm chất hữu cơ ra phân bón là chủ yếu, số còn lại thuộc chất rắn thải công nghiệp thiêu đốt triệt để. Có như vậy mới bảo đảm được tính chất an toàn trong khu vực TP và khu vực đặt hệ thống NM xử lý rác.


Dân chống chuyện đặt NM rác


Theo một số nhà khoa học trong nước cho biết: do bức xúc về vấn đề xử lý rác ở trong nước nên dự án ODA đã chuyển giao công nghệ xử lý rác vào Việt Nam được chế tạo ở một số nước với giá thành rất cao nhưng ngược lại, các công nghệ này chỉ xử lý được có 10% còn lại 90% phải chôn lấp, điển hình như dự án ở các tỉnh Bình Định, Quy Nhơn, Hà Nam, Cầu Diễn – Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng…. đầu tư hàng triệu USD nhưng đến khi khánh thành cho máy chạy thử thì máy lại không hoạt động được, phải “đắp chiếu ngủ”; nếu có chạy được thì cũng chẳng đưa lại hiệu quả là bao; lượng rác đưa về cứ đống nọ chồng lên đống kia, người dân nhìn thấy mà ngao ngán vì rác.


Vì thế, dân ở các vùng không thể đồng tình khi đưa NM rác thải về chỉ xử lý được 10% còn lại 90% phải chôn lấp, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đầu năm 2008, tỉnh Hà Tĩnh và UBND TP Hà Tĩnh quyết định xây dựng NM rác thải tại khu vực xã Thạch Hội thuộc huyện Thạch Hà, cách TP khoảng hơn chục cây số, sát bờ biển ngang Thạch Hà, vùng đất này là vùng cát bạch sa từ xưa tới nay cây cỏ khó mọc lên được, vả lại diện tích hoang mạc hàng trăm ha; nếu tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về trách nhiệm cần có một NM xử lý rác quy mô tiên tiến, hiện đại, xử lý rác triệt để, hạn chế tối đa khối lượng rác thải chôn lấp thì chắc rằng người dân sẽ đồng tình cao hơn.


Thế nhưng, vấn đề bất cập ở đây vẫn là xu thế chôn lấp nhiều hơn chế biến, nên dân phần nào không đồng tình, ít nhiều vẫn có cơ sở, dẫn đến chuyện xây dựng NM xử lý rác ở Thạch Hội không thực hiện được. Và ngày 21/12/2009, qua một thời gian tìm hiểu về địa hình, địa lý, môi sinh môi trường, các nhà khoa học ở Hà Tĩnh có sự phối hợp của một số nhà khoa học trong nước nghiên cứu đặt NM xử lý rác tại khu vực xã Ngọc Sơn – Thạch Hà. Đây là xã miền núi cách TP Hà Tĩnh khoảng 15km về hướng Tây Bắc. Khi các nhà khoa học và lãnh đạo các cấp họp dân để thông qua phương án đặt NM xử lý rác trên địa bàn, lại một lần nữa dân trong vùng phản ứng kịch liệt, trong đó có nhiều ý kiến thiếu đóng góp xây dựng, họ cho rằng đưa NM xử lý rác về đây sẽ gây ô nhiễm từ đầu nguồn nước; gây ô nhiễm về không khí bởi khu vực tập kết rác nằm trên độ cao 450, lại đúng với luồng gió Lào đổ về, khói NM và mùi hôi thối của bãi rác sẽ bốc lên gây ô nhiễm nặng nề cho khu vực dân cư sống gần NM.


Còn theo các nhà khoa học thì ngược lại, việc xây dựng NM xử lý rác tại xã Ngọc Sơn là hoàn toàn đúng với quy hoạch, bởi khu vực này tuy có độ cao nhưng cũng được xem như nằm giữa một thung lũng. NM sẽ được quy hoạch khép kín trên tổng diện tích 244.241 m2 (tương đương 24,4 ha). Đặc biệt, các nhà khoa học cho rằng, xây dựng NM xử lý rác ở đây phù hợp với dây chuyền công nghệ, tiết kiệm diện tích sử dụng đất, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng các công trình, phù hợp với điều kiện tự nhiên về khí hậu, môi trường, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư. Thế nhưng nhiều ý kiến của người dân lại bảo thủ cho ý kiến của họ là đúng, thiếu tính xây dựng. Với cách nhìn nhận trên của một số người dân như thế, nếu các biện pháp của các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh không cứng rắn, kiên quyết thì e rằng biết đến bao giờ Hà Tĩnh mới có được NM xử lý rác, rác thải Hà Tĩnh rồi sẽ không biết đi đâu về đâu.

NN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP