Tại hội thảo quyền của người tiêu dùng hôm 12/3 ở Hà Nội, nhiều đại biểu nói rằng, quyền của nhiều đối tượng đang bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng phần lớn người tiêu dùng ngại tốn thời gian, tiền bạc, cũng như không tin tưởng cơ chế khiếu kiện…
Nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại sức khỏe, tiền bạc... nhưng ngại “làm đến cùng” vì không tin cơ chế khiếu kiện. Ảnh: Như Ý. Nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại sức khỏe, tiền bạc… nhưng ngại “làm đến cùng” vì không tin cơ chế khiếu kiện. Ảnh: Như Ý.

Bên lề hội thảo, có ý kiến cho rằng, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam bị thiệt hại rất nhiều khi chưa sử dụng hết quyền của mình, trong đó có quyền tẩy chay sản phẩm. Đa số người dân khi mua phải sản phẩm kém chất lượng, bị lừa dối đều im lặng cho xong, và đó là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng “móc túi” NTD. Cuối năm 2014, một người Việt Nam “mắc bẫy” một cửa hàng điện thoại ở Singapore, lập tức cộng đồng người Singapore đã lên tiếng tẩy chay, phản đối buộc cửa hàng phải đóng cửa, trong khi ở Việt Nam chưa có vụ việc tương tự.

Ngay tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố kết quả cuộc khảo sát với trên 1.200 người ở mọi độ tuổi, trình độ, vùng miền liên quan các vấn đề quyền của NTD. Kết quả cho thấy, một tỷ lệ lớn NTD đang bị thiệt thòi quyền lợi. Các vấn đề họ gặp phải thường khá nghiêm trọng như bị quấy rối, chèo kéo bởi tiếp thị, mua phải hàng kém chất lượng, không được cung cấp giấy tờ, hóa đơn liên quan giao dịch, không được bồi thường khi quyền lợi bị xâm hại… Cụ thể, có tới 46% số người mua phải hàng kém chất lượng so với quảng cáo, 40% người mua phải hàng có nguồn gốc không rõ ràng. Có 1/3 số người được khảo sát nói rằng, họ mua phải thực phẩm ôi, hỏng, hết hạn sử dụng, hàng giả và gần 28% cho rằng “thượng đế” đang bị đối xử không tốt.

Rất ít người trong số họ khiếu kiện khi gặp vấn đề. Lý do họ đưa ra là sợ mất thời gian, tốn tiền và cảm thấy mình đơn độc.

Tháng 1, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng chục tấn hàng nhái, hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: N.H.

Chưa chủ động bảo vệLuật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ tháng 7/2011. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã có cơ sở ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã mở đường dây nóng 18006838 tiếp nhận thông tin để có giải pháp xử lý, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi NTD.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Vinastas, hằng năm, đơn vị chỉ tiếp nhận trên dưới 1.000 vụ khiếu nại của NTD, trong đó khoảng 80% số vụ việc được đơn vị hỗ trợ xử lý thành công. Số còn lại không xử lý được, do thông tin không rõ ràng, không có chứng cứ…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vinastas, thừa nhận, con số trên là khá nhỏ so với các nước khác. Ví dụ, Hàn Quốc mỗi năm tiếp nhận, xử lý khoảng 800.000 vụ việc.

“Ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan… nhà nước tạo cơ chế bảo vệ NTD rất tốt như dùng quỹ phúc lợi từ thuế thu nhập đặc biệt, lập tòa án chuyên trách giải quyết các vấn đề của NTD, thành lập nhiều tổ chức có chuyên môn… đảm bảo quyền lợi NTD triệt để nhất”.

Bà Phạm Quế Anh – giám đốc Tổ chức tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng, đối tượng trẻ em sử dụng dịch vụ y tế cũng chưa được bảo vệ quyền lợi một cách đầy đủ. Trong khi Bộ Y tế liên tục kêu gọi sử dụng chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều bậc phụ huynh vẫn “cắn răng” chờ cho con em mình được tiêm dịch vụ. “Tiêm dịch vụ mất tiền, thậm chí nhiều tiền, họ vẫn xếp hàng cả đêm. Tại sao? Vì có người nghi ngờ chất lượng tiêm chủng mở rộng, họ mất lòng tin. Vì đã có trẻ em chết nghi ngờ liên quan vắc-xin, dù ngành y tế nói vô can”, bác sĩ An nói.Cũng theo bác sĩ An, chính người trong Bộ Y tế lấy máu mình gửi đi kiểm nghiệm tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội và họ cho ra 5 kết quả khác nhau. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc theo kết quả trên, bệnh nhân gánh hậu quả, ai chịu trách nhiệm? Theo bác sĩ An, về quản lý, hiện có sự chồng chéo giữa các cơ quan là Bộ Y tế và Bộ Công Thương, nên khi có vấn đề, NTD khó đòi quyền lợi, trong đó lỗi một phần do luật thiếu hướng dẫn cụ thể. “Quyền của NTD bị vi phạm, không chỉ khiến mất mát về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, nên cần có cơ quan giám sát độc lập”, bác sĩ An kiến nghị.

Sữa chua kém chất lượng có thể ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Ảnh: N.H.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, cho rằng, NTD đang được bảo vệ một cách thụ động. Nghĩa là, chỉ khi sự việc xảy ra mới khiếu kiện, khiếu nại, trong khi cơ quan nhà nước có thể chủ động bảo vệ NTD bằng cách buộc doanh nghiệp phải thông tin rõ ràng, minh bạch trên sản phẩm. “Chỉ khi có đủ thông tin, họ mới có sự lựa chọn đúng, quyền lợi NTD cũng ít bị xâm phạm nữa”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, bảo vệ quyền lợi NTD cũng chính là bảo vệ quyền của con người. Con người có quyền được cung cấp, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tốt, an toàn, không tổn hại sức khỏe. “Tuy nhiên, quyền lợi NTD chưa được bảo vệ tốt một phần do lỗi của NTD. Theo khảo sát, khi mua hàng hóa, NTD quan tâm đến bao bì, xuất xứ, giá cả, khuyến mãi, hạn sử dụng mà ít quan tâm đến chế độ hậu mãi”, ông Bình nói.

Có tới 90% số người trả lời không biết đến bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rất ít người biết và sử dụng quyền khiếu kiện, khiếu nại. Chỉ có 2,24% số người nói rằng, họ rất hài lòng và hơn 70% số người không hài lòng với cơ chế khiếu kiện hiện tại. (Nguồn: iSEE)