Giáo dục - Đào tạo

Quản lý bằng thi đua, bệnh thành tích khiến giáo dục thiếu tính dân chủ

“Làm thế nào để đưa tư tưởng dân chủ vào được trường học? Quản lý giáo dục của Việt Nam chủ yếu bằng thi đua mà thi đua rất hình thức, dẫn đến bệnh thành tích nên dân chủ không thể “cập bến”. Để trường học thực sự dân chủ thì vấn đề tự chủ phải đặt ra trong mọi nhà trường…”.

Đây là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội hội nghị về quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo của Chính phủ, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 24/3.

Hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền của lãnh đạo trường – Cách nào?

Tại hội nghị, một vấn đề “bất thường” được chỉ ra, Luật Giáo dục đã quy định việc lập Hội đồng trường như một cơ chế để kiểm soát, chống độc đoán, chuyên quyền, thúc đẩy tinh thần dân chủ trong trường học nhưng không được chào đón.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Tính riêng số trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo quản lý, mới chỉ 18/36 trường thành lập hội đồng trường nhưng hoạt động cũng khá hình thức (như nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa). Khối trường trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng mới chỉ 30% có hội đồng trường. Chưa một trường cao đẳng chuyên nghiệp nào có hội đồng trường trước khi được Bộ Giáo dục bàn giao sang cho Bộ Lao động…

“Đó là những con số biết nói. Việc thành lập hội đồng trường là chỉ số cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở đại học, cao đẳng, nhưng đại diện các Bộ cũng nắm không đầy đủ. Số liệu có được thì số trường có hội đồng trường không nhiều, dù luật quy định. Đây là ví dụ cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường đang ở mức nào” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.

Tham gia ý kiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phân tích thêm, hội đồng trường là một cơ chế kiểm soát quan trọng như vậy nhưng qua giám sát, cơ quan của Quốc hội chưa thấy rõ vai trò của thiết chế này trong trường học. Bà Minh nghi vấn, nếu thực sự là quan trọng thì đáng ra không thể thiếu vắng ở các trường nhiều như vậy?

Trao đổi về ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ băn khoăn, ông từng đặt câu hỏi với nhiều lãnh đạo các trường thì được biết lý do trường không lập hội đồng trường vì tổ chức này rất “hình thức”.

“Nhưng nếu chỉ là hình thức, vô thưởng vô phạt như thế thì sao các trường không lập cho xong, cho đúng quy định. Phải chăng vì hội đồng trường thực sự là yếu tố quan trọng mà khi lập ra sẽ hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền của lãnh đạo nên các trường ngại lập?” – Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Cơ quan quản lý “cầm tay chỉ việc”, trường không thể tự chủ

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm: Mất dân chủ trong trường học không chỉ diễn ra ở bậc đại học mà càng “trầm trọng” hơn ở các bậc học dưới, “nặng” nhất chính là bậc mầm non, tiểu học.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm: “Mất dân chủ trong trường học không chỉ diễn ra ở bậc đại học mà càng “trầm trọng” hơn ở các bậc học dưới, “nặng” nhất chính là bậc mầm non, tiểu học”.
Phát biểu tại hội nghị, TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mất dân chủ trong trường học không chỉ diễn ra ở bậc đại học mà càng “trầm trọng” hơn ở các bậc học dưới, “nặng” nhất chính là bậc mầm non, tiểu học.

“Làm thế nào để đưa tư tưởng dân chủ vào được trường học? Quản lý giáo dục của Việt Nam chủ yếu bằng thi đua mà thi đua rất hình thức, dẫn đến bệnh thành tích nên dân chủ không thể “cập bến” – TS.Lâm nhận định.

Theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, không phải cứ chăm chăm vào chữ dân chủ là có thể dân chủ. Việc trước hết cần làm để mở đường đưa dân chủ vào học đường là đổi mới thực sự phương pháp giáo dục, triết lý giáo dục phải vì học trò, dựa vào học trò, phải vì mong muốn, phát triển từng cá nhân người học chứ không phải là áp đặt hàng loạt.

Sau nữa, theo ông Lâm, để trường học thực sự dân chủ thì vấn đề tự chủ phải đặt ra với mọi nhà trường, từ bậc học mầm non trở lên.

“Nếu nhà trường không tự chủ, không tự chịu trách nhiệm về kết quả sản phẩm đào tạo ra của mình thì chưa thay đổi được cục diện. Các cơ quan cấp trên quản lý nhiều quá dẫn đến nhà trường không thể sáng tạo, không dân chủ được. Hãy để các trường tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo trước xã hội” – ông Lâm khuyến cáo.

Ngoài ra, theo ông Lâm, mỗi trường học cần đề cao vai trò người đứng đầu, các đoàn thể phải phát huy vai trò giám sát, đánh giá dân chủ một cách khách quan.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần xem lại cơ chế giám sát dân chủ.

“Chúng ta cần có cơ chế giám sát đo đếm được, chứ không chỉ làm một cách chung chung. Phải tăng cường đánh giá dân chủ trực tiếp, phải gạt bỏ được tâm lý ngại của nhiều người” – Phó Thủ tướng đề nghị đưa công nghệ vào hỗ trợ để việc đánh giá được khách quan khi người đánh giá hoàn toàn có thể ẩn danh.

Chia sẻ về tinh thần tự chủ các đại biểu trao đổi, kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhấn mạnh đến tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối trường đại học, cao đẳng, bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc,” áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, và đặc biệt là về nhân sự.

“Nơi nào quyền lực tập trung hoàn toàn vào một người sẽ dễ dẫn đến bị tha hóa. Cần thiết phải xây dựng có cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được”, Phó Thủ tướng chốt lại.

P.Thảo/Theo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP