Thế giới

Quan hệ Mỹ - Trung ra sao khi bà Mạnh Vãn Châu được thả?

Một số chuyên gia cho rằng sau khi bà Mạnh Vãn Châu được thả tự do, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ được cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây căng thẳng.

Việc bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, được thả tự do hôm 25/9 đã loại bỏ một trong những rào cản lớn trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo căng thẳng có thể sẽ tiếp tục leo thang ở các lĩnh vực khác, theo South China Morning Post.

Bà Mạnh là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei Technologies. Bà được thả từ Canada trở về Trung Quốc sau khi Huawei đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ hôm 24/9, khép lại hơn hai năm đấu tranh pháp lý. Thỏa thuận này cũng chấm dứt cuộc chiến nhằm đòi dẫn độ bà về Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Châu vẫy chào người dân Trung Quốc khi bước ra khỏi máy bay vào tối 25/9. Ảnh: Xinhua.


Ngay sau khi Mỹ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo rằng hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig, những người bị giam giữ ở Trung Quốc ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, cũng sẽ được thả tự do.

Dù giới quan sát đều coi vụ bắt giữ hai công dân Canada này là hành động trả đũa của Trung Quốc, cả Bắc Kinh và Ottawa đều không công khai liên hệ hai vụ việc này với nhau trong tuyên bố hôm 24/9.

Cánh cửa hợp tác Mỹ - Trung sẽ sớm mở lại

Huang Jing, giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, cho biết: “Đây là vụ việc liên quan đến chính trị và nó được giải quyết vì Trung Quốc và Mỹ đã có sự thỏa hiệp chính trị. Vì vậy, kết quả của vụ việc đương nhiên sẽ có tác động tích cực đến mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada".

Ông Huang cho biết thỏa thuận đạt được giữa phía bà Mạnh và giới chức Mỹ cho thấy dù có tranh chấp gay gắt trong những năm gần đây, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn có chỗ trống cho hợp tác.

"Điều này cũng cho thấy rằng thay vì đối đầu với nhau, hai quốc gia sẵn sàng trao đổi về những vấn đề có vẻ như ăn miếng trả miếng", chuyên gia Huang nói thêm.

Song Luzheng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết sự trở lại của bà Mạnh đã loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Trung Quốc và Mỹ, mở đường cho sự hợp tác hơn nữa trong các vấn đề khác, bao gồm cả dỡ bỏ lệnh trừng phạt về thuế quan do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt vào năm 2018.

Bà Mạnh Vãn Châu xuất hiện trước công chúng sau khi rời nhà riêng ở Vancouver, Canada ngày 24/9. Ảnh: Reuters.


Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Nhà Trắng vẫn đang tiến hành “đánh giá chiến lược kỹ lưỡng để xây dựng chính sách thương mại linh hoạt”.

Các nhóm doanh nghiệp ở Mỹ cũng đang kêu gọi dỡ bỏ chính sách thuế quan nói trên, vì họ cho rằng điều này tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Song dự đoán cánh cửa dẫn tới đàm phán "xóa bỏ hoặc gỡ bỏ một phần thuế quan" sẽ sớm mở lại, sớm nhất là vào cuối tháng 10 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể trực tiếp tham dự và hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại hội nghị này hay không.

"Chính quyền Biden ủng hộ giải phóng thương mại, trong khi thuế quan cũng không tốt cho Mỹ. Không có cơ hội nào như hội nghị này vào năm 2022 do ảnh hưởng của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ", ông Song nhận định.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát dự đoán cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng khác, bao gồm công nghệ và 5G, có khả năng tiếp tục và thậm chí leo thang.

Một giáo sư giấu tên ở Bắc Kinh cho rằng việc bà Mạnh thừa nhận hành vi sai trái nhằm "lách luật" lệnh cấm vận của Mỹ có thể sẽ được sử dụng làm bằng chứng trong một vụ việc khác. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ buộc tội Huawei và các công ty con có hành vi gian lận, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ.

“Đây có thể là một chiến thắng đơn lẻ nằm trong cuộc chiến ngoại giao nói chung, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ Mỹ sẽ không từ bỏ việc kiềm chế Trung Quốc", giáo sư này nhận định.

Ông Song cũng có đồng quan điểm này: “Có ba vấn đề chính trong quan hệ Trung - Mỹ, bao gồm vụ việc của bà Mạnh, 5G và thuế quan. Dù thuế quan có thể được dỡ bỏ, vẫn không có khả năng Mỹ sẽ thỏa hiệp về các vấn đề như 5G và chất bán dẫn".

Cảnh báo về sự quyết liệt của Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cũng tỏ ra thận trọng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc rất hạn chế đề cập đến việc thả tự do cho hai công dân Canada, và coi việc bà Mạnh được thả tự do là minh chứng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tờ Global Times thuộc quản lý của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng cái kết của vụ việc này minh chứng cho công lý và đã "bảo vệ phẩm giá" của bà Mạnh cũng như Huawei.

“Kết quả của vụ việc cũng góp phần đề cao danh dự quốc gia của Trung Quốc", tờ này viết trong bài bình luận đăng tải hôm 25/9.

Trả lời Global Times hôm 25/9, Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy Mỹ giải quyết vấn đề này, bao gồm cả thái độ nhất quán của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc giục Mỹ và Canada thả bà Mạnh.

Ngoài ra, Canada cũng không muốn quan hệ với Trung Quốc rơi vào tình thế không thể cứu vãn, chuyên gia Lu nhận định.

Global Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận này cũng có thể giúp Canada xoa dịu quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.

He Weiwen, cựu quan chức thương mại cấp cao của Trung Quốc, cho biết Canada nên thực hiện bước tiến xa hơn nếu muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. "Ví dụ, nước này nên thể hiện thái độ tích cực trong việc Trung Quốc tham gia CPTPP", quan chức này nhận định.

Michael Kovrig, một trong hai công dân Canada bị bắt ở Trung Quốc, đến sân bay quốc tế Pearson ở Toronto, Canada hôm 25/9 sau khi được thả tự do. Ảnh: Reuters.


Trong bài đăng hôm 25/9, kênh tin tức CTV News của Canada dẫn lời Jeremy Kinsman - cựu đại sứ Canada tại Nga và Anh - cho biết kết quả của vụ việc này là để cả hai phía Canada và Trung Quốc đều được lợi, vì "nếu hai phía đều không phải là người chiến thắng, thì cũng không để ai thua cuộc".

Hơn nữa, cái kết này cũng là để giữ thể diện cho Trung Quốc, ông Kinsman nhận định.

Trích dẫn kết quả thăm dò dân ý trong năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Pew, New York Times cho biết hơn 70% người Canada tham gia khảo sát không có thiện cảm về Trung Quốc. Họ cũng ngày càng chần chừ, không muốn sử dụng các thiết bị của Huawei.

New York Times dẫn lời Donald C. Clarke, giáo sư luật chuyên về Trung Quốc tại Trường Luật Đại học George Washington, cho biết thỏa thuận về vụ việc của bà Mạnh là lời cảnh báo tới các quốc gia khác, rằng chính phủ Trung Quốc có thể mạnh dạn giao dịch bằng công dân nước ngoài.

“Theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc đã củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán tương lai. Họ muốn nói rằng nếu bạn cung cấp cho họ những gì họ muốn, Trung Quốc sẽ làm theo thỏa thuận", ông Clarke nhận định.

Nói với CTV News, Scott McKnight - chuyên gia thuộc Đại học Toronto - cho rằng Canada nên tỉnh táo hơn đối với những kỳ vọng về Trung Quốc trong tương lai.

"Chúng ta cũng nên nhận ra ở đây bài học lớn hơn rằng đây là một Trung Quốc quyết đoán hơn, một Trung Quốc không ngại sử dụng nhiều công cụ khác nhau - kể cả công cụ tử tế hay không tử tế - để đạt được các mục tiêu chính sách của họ", ông McKnight cảnh báo.

Tác giả: Hương Ly

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP