Trong nước

‘Quan chức có thể ‘mất mặt’ nhưng quyết không… mất chức’

– Dư luận hết sức bất bình khi Chánh thanh tra sở Y tế Kon Tum bị tố cáo, dùng cuốc đánh vào đầu người dân khi xảy ra  xô xát, phó giám đốc sở TN-MT Hà Tĩnh đã dửng dưng đút tay túi áo đứng nhìn một người đi xe máy bị ô tô đâm rồi lên xe bỏ đi… Ông đánh giá sao về hình ảnh của các vị quan chức ở trên?

“Việc “đánh lén” nhau bằng ngôn từ, blog của một vị đại biểu Quốc hội vừa qua cũng không thể gọi là cách ứng xử văn minh, văn hóa cao được”, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Chuyên viên cao cấp, vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, ban Tổ chức Trung ương, nói.
Hình ảnh, hành vi dưới chuẩn

– Không chỉ có hành động, thái độ ứng xử, mà cả những phát ngôn khó hiểu của quan chức cũng có thể làm xấu hình ảnh của họ. Các vị quan chức đó, dù ở chức vụ gì thì họ cũng là một người cán bộ, công chức Nhà nước. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì cán bộ, công chức, không chỉ phải là một công dân tốt mà còn là “tấm gương trong”, người dẫn đường cho quần chúng. Đảng và Nhà nước ta hiện nay đã ban hành nhiều văn bản quy định về đạo đức, lối sống và sự gương mẫu của cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo và “chính khách” từ trên xuống dưới. Các hành vi của quan chức ở trên là sự lệch chuẩn hoặc dưới chuẩn của cán bộ, công chức.

– Nguyên nhân của những hành vi lệch chuẩn như trên bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

– Đây không chỉ là vấn đề đạo đức công vụ mà thuộc về một phạm trù rộng hơn- nhân cách, tư cách của con người. Tôi nhớ, ngay từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, phát biểu trong lễ khai giảng của trường Đảng Trung ương, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ – học viên rằng: “Phải học để làm người, học để làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.

Đáng tiếc là trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay còn một bộ phận không nhỏ chưa học thuộc bài đạo đức làm người đã được bố trí làm cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp tỉnh, cấp cao hơn… Hoặc trước đây, họ đã từng là người tốt nhưng do có quyền chức, lợi ích riêng, họ “bị tha hóa, bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” như cách gọi của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Ở nước ngoài, khi các vụ việc liên quan xấu đến hình ảnh của chính trị gia, hoặc có bê bối trong ngành do họ quản lý, dù chưa điều tra nhưng họ cũng đứng ra xin lỗi, thậm chí xin từ chức, trong khi đó ở Việt Nam thì lại khó tìm thấy hành động này ở một quan chức.

Chánh thanh tra sở Y tế Kon Tum dùng cuốc bổ vào đầu người dân vì chuyện mâu thuẫn đất đai.

rất hiếm cán bộ muốn từ chức

– Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đó?

– Ở nước ta đã có nhiều cán bộ, công chức dám nhận lỗi khi sai nhưng đúng là cái “văn hóa xin lỗi”, hơn thế là “văn hóa từ chức” thì còn rất lâu nữa mới có. Lâu nay, trong họp hành, sinh hoạt chính trị chúng ta đã để cho những thói quen xấu phát triển thành thứ “văn hóa xấu/văn hóa dưới chuẩn” là khi mắc sai lầm, khuyết điểm thuộc thẩm quyền của mình, thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì lại né tránh, đổ tội cho tập thể lãnh đạo, cho cơ chế.

Rất hiếm cán bộ muốn từ chức, cho dù bị kỷ luật, giáng chức, họ vẫn cố chạy sang chức khác hoặc chức thấp hơn một tý. Vì sao như vậy? Vì chức quyền hiện nay sinh ra quyền lực, bổng lộc và vẫn như ngày xưa “một người làm quan cả họ được nhờ”; chịu “mất mặt”, thậm chí mất nhiều thứ mà còn chức thì vẫn hơn? Thêm một lý do nữa là nhiều cán bộ, công chức của ta hiện nay đang ở tuổi làm việc, nếu bị mất chức quyền, không được làm quan thì về nhà không làm dân thường được. Họ có học để làm người công dân đâu; ngoài việc đi họp, viết báo cáo hay chỉ đạo ra thì không biết làm công việc khác; những kỹ năng, thủ đoạn  giỏi kiếm ăn được khi làm quan thì nếu bị thành dân là “hết đất dụng võ”. Nên, họ có thái độ, lối sống say mê, khao khát quyền lực và chức vụ là vậy.

Không qua được mắt nhân dân

– Như chia sẻ của ông thì người có chức có quyền sẵn sàng “mất mặt”, mất nhiều thứ nhưng quyết không mất chức. Tuy nhiên, việc “mất mặt” lại chỉ xảy ra ở các lợi ích liên quan đến cá nhân. Ông nghĩ sao về điều này?

– Theo tôi, cán bộ, công chức nước ta không nên học kiểu sinh hoạt dân chủ, tự do “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau như một số nghị sỹ nước ngoài. Nhưng việc “đánh lén” nhau bằng ngôn từ, blog như nghị sỹ Hoàng Hữu Phước đã làm với nghị sỹ Dương Trung Quốc cũng không thể gọi là cách ứng xử văn minh, văn hóa cao.

Đúng là bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết của các cán bộ, công chức nước ta cần thể hiện rõ nét hơn, quyết liệt hơn trong “lời nói đi đôi với việc làm” vì dân, vì nước một cách chính trực, công khai, minh bạch và nhân văn. Xem các quan chức, đại biểu Quốc hội nước ta phát biểu trên nghị trường, người dân nhận thấy số có trí tuệ, khẩu khí và phong cách như ông Dương Trung Quốc không nhiều, vẫn còn nhiều đại biểu khi đặt một câu hỏi phải đọc cả một vài trang giấy; vẫn còn những “câu hỏi mồi”, cách trả lời vòng vo, “câu giờ”, không một cái tên người, một địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm… Người dân thấy buồn, thất vọng vì một số đại biểu, cán bộ lãnh đạo của họ lại có lời nói, việc làm và cách ứng xử kém hơn họ hoặc trái với quan điểm, lợi ích của họ.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Chuyên viên Cao cấp, Vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung Ương.

– Theo ông, cần làm gì để tạo ra một đội ngũ công chức chức, chính trị gia xuất sắc ở nước ta?

– Làm nghề gì, công việc gì cho tốt cũng cần phải được giáo dục, đào tạo bài bản và tự học tập, rèn luyện thường xuyên. Tấm gương về nhân cách, phong cách xử thế và giao tiếp cán bộ, công chức chúng ta nên học tập không ở đâu xa, chính là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là người lãnh đạo, chính khách đã kết hợp được những cái tinh hoa của dân tộc và thời đại, của Đông – Tây, kim cổ; đã sống và làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”, cống hiến hết mình vì dân, vì nước.

Nhân dân ta rất thông minh, sống trọng nghĩa tình và lịch sử rất công bằng. Quốc tang bác Giáp vừa qua là bằng chứng rõ nét về điều này. Không chỉ hình ảnh, phong cách mà cả công lao, nhân cách của mỗi cán bộ lãnh đạo, chính khách sẽ được nhân dân nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng.

Muốn làm một cán bộ, công chức tốt đẹp, họ phải không ngừng học tập, rèn luyện quan điểm, thái độ, kiến thức, kỹ năng thực hiện công việc, nghề nghiệp của mình. Đầu tiên, họ cần có thái độ trọng dân, gần dân, học hỏi dân và thương yêu nhân dân. Những cán bộ, công chức cầm quyền có thái độ, phong cách quan liêu, tham nhũng, sống thủ đoạn, vị kỷ, chạy theo lợi ích gia đình, lợi ích nhóm của mình đều không qua được mắt nhân dân và lịch sử.

– Xin cảm ơn ông!

Hương Lan – Đỗ Thơm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP