Tin Hà Tĩnh

“Phu hoa” hốt bạc dịp cuối năm

Cứ đến những ngày cuối năm, cận Tết, những người làm nghề “phu hoa” lại làm không hết việc, kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Những người chuyên chở hoa, cây cảnh kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp cuối năm

Gọi là “phu hoa” vì công việc của họ là vận chuyển hoa, cây cảnh cho khách từ chỗ bán hoa về nhà gia chủ. Ngày thường họ là những lái xe ôm hoặc chạy xích lô với thu nhập khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày. Vào những ngày cuối năm, chừng từ 20 tháng Chạp âm lịch đến tối giao thừa, “phu hoa” trở nên đắt khách. Từ sáng sớm cho đến đêm khuya vừa làm vừa "chê" vẫn không hết việc.

Bác Nguyễn Văn Hòa (ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) người đã có hơn 10 năm làm nghề đạp xích lô cho biết: “Các ngày bình thường thì rất ít khách, ai thuê gì cũng chở. May lắm thì ngày kiếm được vài trăm nghìn”.

Thế nhưng vào những ngày cuối năm này, bác Hòa làm không hết việc.

Chỉ cần khách có nhu cầu thì dù ở xa mấy, những người phu hoa đều nhận chở tận nhà.

“Cứ đến cuối năm nhu cầu mua sắm, chưng tết của người dân tăng mạnh. Rất nhiều gia đình không có thời gian, phương tiện về vận chuyển hoa, đào, quất… về nhà, họ phải nhờ vào chúng tôi. Tùy vào khoảng cách gần xa, độ lớn của hàng hóa cần vận chuyển mà có giá cước khác nhau. Nhưng dịp này mỗi ngày cũng kiếm được 500 đến 1 triệu đồng; may mắn thì vài ba triệu cũng có”, bác Hòa cho biết thêm.

Những cây cảnh lớn thì phải dùng đến xe ô tô để vận chuyển

Ông Trần Toán (ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) làm nghề đạp xích lô vài năm nay. Ông cũng như những người đồng nghiệp đều trông chờ vào những ngày cuối năm. “Làm cả năm vất vả nhưng thu nhập thì chủ yếu nhờ vào những ngày tết và ra tết. Trong tết thì họ nhờ chuyển đào, quất, mai về nhà. Còn ra tết thì ngược lại, chở đào, quất đến các nhà vườn để gửi lại”.

“Rất nhiều năm không kịp đón giao thừa vì khách họ gọi giao hàng cả đêm. Về đến nhà thì đã sang năm mới rồi. Mình cố gắng thêm một tí để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, ông Toán nói.

Một người đàn ông đang chuẩn bị chở cây đào lớn cho khách chia sẻ, họ được coi là những người giúp khách “mang mùa xuân về nhà” nhưng bản thân gia đình họ, nhiều hoàn cảnh khó khăn nhà không có mùa xuân!

Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP