Phong Thuỷ

Phong thủy ngày Tết – Bài 1: Một năm của người Việt có bao nhiêu ngày Tết?

Không chỉ là ngày Tết cổ truyền truyền thống, trong năm còn có rất nhiều ngày tết khác. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu những khái niệm cơ bản nhất của những ngày tết trong năm.

Bài 1: Một năm của người Việt có bao nhiêu ngày Tết?

1. Tết Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu)

Tết Thượng Nguyên diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì rằm Tháng Giêng còn gọi là ngày vía của Phật tổ.

Ta thường có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người đến lễ bái và sau khi đi chùa, mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cổ.

2. Tết Thanh Minh

Là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Nhân ngày thanh minh, dân ta có tục đi viếng mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.

Lễ tảo mộ: Tảo một chính là sửa sang ngôi một cho được sạch sẽ, rẫy hết cỏ dại, đắp lại nấm mồ cho to. Đây là dịp duy nhất trong năm mà có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất mà không làm “chấn động” nhiều. Tuy vậy, có một số nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và sau ngày Tết.

Nhiều làng ở vào vùng đất thấp, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì người ta đi tảo một vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc nên làm. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.

3. Tết Hàn Thực

“Hàn thực” nghĩa là ăn đồ nguội. Tết này vào ngày mồng Ba tháng Ba (âm lịch). Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực ta làm bánh chay.

Tết này có xuất xứ từ Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Từ Thôi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần Văn Công), bị chết cháy ở núi Điền Sơn. Đành rằng dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình.

4. Tết Đoan Ngọ (Tết diệt sâu bọ)

Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Đoan Dương. Sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn giết sâu bọ bằng rượu hoặc ăn rượu nếp.

Lý do ngày Tết Đoan Ngọ còn có tên là Tết diệt sâu bọ vì đây la giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh.

5. Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy)

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung).

Ngoài ra, rằm tháng Bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân. Bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế gia đình đều cúng gia tiên, còn ở chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu Lan.

Tết Trung Nguyên đồng thời để cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta hay thả chim lên trởi, thả cá xuống sông để làm điều phúc đức.

Theo tục cúng cháo Xưa, tại các cầu quán, đình chùa, đều có tổ chức “cúng cháo” để cúng các cô hồn không ai cúng giỗ. Thông thường, người cúng đốt vàng mã và bày cúng ở trước cửa nhà.

6. Tết Trung Thu

Trung Thu ở giữa mùa thu, tức vào rằm tháng 8 Âm lịch. Tết Trung Thu là Tết của trẻ em. Trẻ em khắp Việt Nam mong đợi ngày Tết này vì được người lớn tặng quà bánh như lồng đèn, bánh Trung Thu. Tết này người ta thường cùng nhau ngồi uống trà thưởng Nguyệt, nên còn được gọi là Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên.

7. Tết Trùng Cửu (Tết Trùng Dương)

Nhằm ngày mồng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng Cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Nho sĩ Việt Nam du nhập và theo lễ này, nhưng lại biến ngày Tết này thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc.

8. Tết Hạ Nguyên (Tết Cơm Mới)

Tết Song thập (mùng 10 tháng 10 hoặc 15 tháng 10 Âm lịch). Tết này được tổ chức rất lớn ở nông thôn vì đầy là dịp nấu cơm gạo mới của vụ mùa vừa xong.

Trước là để cúng tổ tiên, sau để thưởng công cấy cầy. Trong Tết cũng có lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận.

9. Tết Trùng Thập

Ngoài ra, mùng mười tháng mười Âm lịch cũng là Tết của các nhà thuốc. Cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết hợp được sắc tứ thời (Xuân – Hạ – Thu – Đông) nên trở nên tốt nhất.

Đến ngày này, người ta thường làm bánh dày, nấu chề để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc.

10. Tết Táo Quân

Rơi vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm “ngựa” để tiễn Táo quân về trời.

Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông…

11. Tết Nguyên Đán

Còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết cổ truyền. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa người Việt Nam. Chữ “Tết” là do chữ “Tiết” mà thành. “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai. “Đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

Chi tiết về ngày Tết Nguyên Đán chúng tôi sẽ trình bày sâu trong các bài tiếp theo. Nghiệm lại các ngày Tết mà ông bà truyền lại, âu cũng là cố tạo cơ hội để nhà nhà xum họp, quốc thái dân an.

Dịch Linh (tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP