Thế giới

Pháp cam kết điều tàu chiến định kỳ đến biển Đông

Về cả lời nói và hành động, Pháp đang thể hiện sự cam kết của họ trong việc duy trì hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, cũng như đóng góp cho sự ổn định ở khu vực và bảo vệ các quy tắc quốc tế cốt lõi, một bài viết trên tạp chí The Diplomat đánh giá.

Tàu sân bay Charles de Gaulle. (Ảnh: AP)

Tại Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã nói thẳng thắn về những căng thẳng an ninh đang sôi sục ở Đông Á cũng như tầm quan trọng của khu vực này.

“Hợp tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, bà Parly nói, trong bối cảnh trật tự an ninh châu Á hiện nay và những thách thức mà khu vực đang đối mặt. “Không cần ông Kissinger mới nhìn thấy sự hình thành của các khối đối lập ở châu Á. Chúng tôi nhìn thấy nó trong chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, khẩu chiến và những vụ cọ xát đôi khi xảy ra giữa 2 tàu sân bay hoặc 2 tàu chiến. Và đây không phải sự mở đầu”, bà Parly nói.

Pháp từng có một lịch sử thuộc địa ở Đông Á, nhưng đến thời kỳ hậu thuộc địa vẫn còn nhiều lợi ích quốc gia và chủ quyền ở khu vực này. Bộ trưởng Parly nói rằng “Pháp không đi đâu cả, vì chúng tôi là một phần của khu vực này. Chúng tôi có lãnh thổ ở đây; chúng tôi có hơn 1,6 triệu cư dân, nhiều đảo với luật khác nhau, những vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và trách nhiệm gắn với lãnh thổ”.

Bà Parly nêu ra 5 ưu tiên của Pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm: bảo vệ các lợi ích chủ quyền, công dân, lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế; thúc đẩy ổn định khu vực thông qua hợp tác an ninh quân sự; bảo vệ các quyền tiếp cận tự do và miễn phí các tuyến hàng hải; tranh thủ các phương tiện đa phương để thúc đẩy ổn định chiến lược – đặc biệt là Triều Tiên; và giúp giải quyết và giảm nhẹ các thảm họa thời tiết và thiên tai ở khu vực.

Một phần trong cam kết của Pháp đối với bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực là việc bà Parly khẳng định Pháp sẽ điều tàu chiến đi qua biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Bà cảnh báo Pháp sẽ không bị bắt nạt bởi những “hoạt động đáng ngờ” hay chấp nhận những thực tế đi ngược lại luật pháp quốc tế - dù bà không nêu tên Trung Quốc – và nhấn mạnh bản chất hợp tác của các hoạt động Pháp triển khai, như việc đội trực thăng của Anh đã đi cùng tàu chiến Pháp trong chuyến tuần tra trên biển Đông gần đây.

Pháp cũng đang muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng với khu vực. Tuần trước, một chiếc tàu khu trục Pháp ghé thăm cảng của TP Hồ Chí Minh.

Thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La cũng là lúc tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle và đội tàu hộ tống đang ở Singapore. Nhóm tàu sân bay tấn công này đang triển khai một nhiệm vụ mở rộng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, với việc tham gia nhiều cuộc diễn tập đa quốc gia cùng các đối tác gồm hải quân Ấn Độ, Úc, Anh, Nhật Bản, Singapore và Mỹ.

Tác giả: BÌNH GIANG (theo Diplomat)

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: Pháp , biển Đông , tàu chiến , cam kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP