Di tích - Thắng cảnh

Phà Linh Cảm – Một thời để nhớ

Bây giờ về Hương Sơn (Hà Tĩnh) không còn phải qua đò, qua phà, bởi đã có chiếc cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua con sông Ngàn Sâu. Và đã có con đường số 8 trải nhựa phẳng lì, được xếp vào loại một trong những con đường đẹp nhất nước.

Đường không dài lắm, chỉ hơn 50 km: tính từ ngã ba thị trấn Hồng Lĩnh lên đến Cầu Treo (cầu bắc qua sông Ngàn Phố sang nước bạn Lào) thuộc xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn. Bây giờ sự giao lưu đi lại giữa hai nước Việt – Lào thuận lợi, sung sướng như thế; chắc không ít người đã quên nơi đây có một bến phà nằm giữa ngã ba sông (Ngàn Sâu, Ngàn Phố và Sông La) đã từng thấm đẫm máu xương của các bác, các cô chú công nhân, đến các chiến sĩ an ninh và cả những anh chị thanh niên xung phong ngày đêm bám phà, bám đường cho những chuyến xe lên biên giới miền Tây an toàn, thông suốt trong những năm chiến tranh chống Mĩ gian khổ, ác liệt.


Bến phà còn chở cả tuổi thơ học trò chúng tôi và bao người đi về trong thương nhớ… Nhớ thương và thương nhớ, nhất là vào những năm chiến tranh lên đỉnh điểm ác liệt, đêm đêm chúng tôi qua phà cùng với chác chú bộ đội, các o thanh niên xung phong hành quân ngược lên biên giới miền Tây. Tuy ai nấy đều mang vác nặng, nhưng tâm hồn của các anh, các o thì luôn vui vẻ trẻ trung…


Có những chiều sang phà gặp máy bay Mĩ đến bắn phá, chúng tôi được các anh chị cầm tay đưa vào hầm trú ẩn. Lại có bận không kịp chui vào hầm thì được các cô chú lấy thân mình che chở. Tôi còn nhớ những chuyến phà về mùa mưa: nước lũ như con ngựa bất kham dựng bờm trắng xoáy tung cả khúc sông, nhưng các bác, các cô chú vẫn ra sức níu kéo, chèo chống giữ cho con phà qua sông an toàn.


Lại có hôm nước lũ quá hung dữ, phà không thể sang sông được, chúng tôi lại theo các bác, các anh chị leo lên núi Linh Cảm, ngồi chờ nước rút. Những lần nhớ phà như thế, học sinh, sinh viên chúng tôi lại có dịp hít cái mùi mật mía từ nhà máy đường Linh Cảm phả tới, đến no say cồn cào cả ruột gan.


Ôi tuổi thơ và bến phà Linh Cảm: từ ngày có chiếc cầu Sơn Trà bắc qua sông Ngàn Sâu, ta đã xa nhau thật rồi ư? Đã mấy ai trở lại bến phà thắp nén hương cho những người đã hy sinh? Mấy ai đã lần tìm địa chỉ về thăm hỏi các bác, các chú công nhân, các chiến sĩ an ninh và cả các o (cô) thanh niên xung phong, đã từng lao ra giữa làn bom đạn cứu xe, san lấp hố bom, giữ cho những chuyến phà qua sông an toàn trong những đêm nước lũ về đột ngột? Còn hơn thế, những chiến sĩ cao xạ pháo trận địa đóng gần đó, nhiều lần máy bay Mĩ kéo đến, thời gian quần đảo bắn phá kéo dài, nhiều chiến sỹ hy sinh khi chưa kịp ăn bữa cơm.


Bộ đội thông tin Trường Sơn


Những tấm gương chiến đấu quả cảm đó, những hy sinh mất mát lớn như thế, nhưng đã 34 năm – kể từ ngày giải phóng miền Nam đến nay, họ chưa được một ngày gặp lại nhau, họ chưa được một lần nhắc tới? Còn có lỗi hơn nữa khi ở nơi này, nơi khác người ta tổ chức xây dựng tượng đài, xây dựng nghĩa trang, lập nhiều những tấm bia đá khắc ghi công lao của những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thì ở nơi ngã ba sông này vẫn chưa có một tấm bia ghi công, dù chỉ một phiến đá nhỏ!


Với riêng anh em chúng tôi, bến phà này còn có một kỉ niệm không bao giờ quên, còn có một nỗi nhớ thương không bao giờ tả hết: Hôm ấy (25/4/1967), sau khi tranh thủ ít phút ghé thăm nhà, chúng tôi lại tiễn anh và một số bạn anh lên đường vào Nam chiến đấu, khi “vừa đến bến phà thì phà đã sang sông”.


Anh tôi và nhiều người sợ chậm thời gian đến địa điểm tập trung, dự định bơi, nhưng các cô chú đã nhanh chóng cho phà quay trở lại đón anh và nhiều người lính khác. Chuyến ấy khi phà ra giữa dòng thì máy bay Mĩ ập đến, nhưng rất may là bác lái phà đã bình tĩnh dũng cảm, cho máy tăng tốc đưa con phà vào cập bến an toàn, trước khi máy bay vòng đến oanh kích.


Thế là lần lên đường vào Nam chiến đấu ấy, anh tôi và nhiều người lính đã thoát được cái chết trong gang tấc. Nhưng vào chiến trường trong những năm gian khổ ác liệt ấy, thì anh chúng tôi và một số đồng đội cùng cơ quan (Bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội không qua khỏi hòn tên mũi đạn của quân thù, các anh mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn, mãi mãi xa con phà nơi ngã ba sông, quê hương xứ Nghệ.


Dẫu biết thế nhưng ngày ấy tôi vẫn còn nhớ, trước khi tạm biệt mẹ lên đường, anh vẫn điềm tĩnh cố ghìm nước mắt, đến ôm mẹ nói động viên: “Mẹ đừng lo, con là kĩ sư vô tuyến điện, chỉ ngồi dưới hầm phục vụ thông tin theo lệnh các thủ trưởng, chứ con không trực tiếp cầm súng xung phong như các chiến sĩ hỏa lực đâu, mẹ ạ”. Với các em nhỏ như tôi và 3 cậu: Hiểu, Hà, Giang thì anh động viên: “Các em thi đua học cho thật tốt, mai này đất nước thống nhất, anh sẽ về mua quà thật nhiều cho các em”. Nói thế rồi anh tôi ra đi vào chiến trường, đến cuối năm 1968 thì chúng tôi nhận được giấy báo tử!


Nhưng ngày đó sợ mẹ buồn, nên bọn nhóc chúng tôi đã giấu mẹ; mãi đến đầu năm 1972, nhân nhà bên cạnh nhận được giấy bảo tử của người con trai duy nhất, chúng tôi mới cho mẹ hay tin anh trai… Nhớ thương anh: (Lê Trọng Liễu, kĩ sư Vô tuyến điện, công tác ở Bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội) đã nhiều lần gia đình vào miền Nam tìm kiếm, nhưng các lần đi ấy đều không có kết quả; may thay, năm 2000, qua bào đài chúng tôi biết địa chỉ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên: công tác ở Bộ Khoa học Công nghệ chuyên nghiên cứu những hiện tượng đặc biệt về con người: gia đình đã đến nhờ thầy và đã được thầy chỉ dẫn đi vào núi Cấm Dơi, thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam) nơi anh tôi hy sinh và đã tìm được mộ chí, cất bốc đem về quê nhà (7/2009) sau 32 năm anh đi xa. (Qua bài báo này, nếu có ai cùng thời với anh tôi ở Bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội xin thông tin cho gia đình biết (N.V).


Đối với anh chúng tôi hy sinh ở chiến trường thì vậy, nhưng đối với các bác, các chú, các o thanh niên xung phong, đến các chú an ninh ngày đó trực tiếp vận hành con phà, trực tiếp thông đường, bảo vệ trật tự giao thông đã hy sinh, thì nay: Đã có ai đi kiếm tìm? Đã có ai quy tập về nghĩa trang? Về quê hương bản quán?


Và đã có ai xây bia tưởng niệm, ghi công cho các anh?… Thương lắm và mong lắm: Trên bến phà Linh Cảm một ngày gần đây, sẽ sớm có một tượng đài hay một tấm bia đá dựng lên, ghi công trạng cho bao người con thân yêu, đã một thời đổ máu xương cho tuyến đường 8 (Hà Tĩnh) lên biên giới miền Tây Tổ quốc thông suốt./.

GTVT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP