Giáo dục

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật. Facebook của người thân và học sinh trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen.

Một thầy giáo của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho Zing.vn biết PGS Văn Như Cương mất khoảng 0h27 phút sáng 9/10. Trước đó, ông điều trị tại bệnh viện, được đưa về gia đình hôm thứ sáu (6/10).

Cô Văn Thùy Dương - con gái của PGS Văn Như Cương - cho biết thầy Cương nhập viện vì bị khối u gan chèn mật.

Khoảng thời gian 21/2 thầy Văn Như Cương cũng nhập viện vì căn bệnh ung thư gan đã được phát hiện ra hơn 3 năm trước. Suốt thời gian này, gia đình PGS Cương đã làm nhiều việc, chạy chữa theo Tây, Đông y hay ngay cả làm những việc tâm linh, cốt chỉ để cho tinh thần lạc quan hơn.

Quá trình chiến đấu với căn bệnh tử thần, bản thân thầy Cương đã là chiến binh dũng cảm.

Thầy kể, khi mới biết bệnh, bác sĩ nói nếu không chữa chạy kịp thời, các khối u sẽ di căn, không thể sống quá 3 tháng. Vào ngày biết "hung tin" ấy, thay vì sụp đổ, thầy chia sẻ hình ảnh "Giờ nghỉ với học sinh" lên Facebook. Hình ảnh thầy giáo già nở nụ cười viên mãn bên học trò, bừng lên trong nắng sớm chứng minh cho tinh thần lạc quan của thầy.

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

PGS Văn Như Cương từng nhắc đến cái chết của mình đầy an nhiên. Thầy kể, khi gặp Thần Chết, họ hỏi thầy có sợ hãi cái chết không, thầy bình thản trả lời:

“Không! Ta nay đã hơn 80 tuổi rồi, có đi cũng được rồi. Rất nhiều người trẻ ít tuổi hơn ta mà đã đi, họ bị tai nạn giao thông, bị hỏa hoạn, bị sóng thần, lũ quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, lại còn bị ăn phải thực phẩm bẩn…

Bởi vậy nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đó, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả”.

Câu nói ấy đã khiến thần chết "chịu thua": “Đến cái mạng sống của anh mà anh cũng chẳng cần thì ta cần nó làm gì cơ chứ”.

PGS Văn Như Cương đối mặt với ung thư bằng một tâm thế thanh thản, vì thầy hiểu triết lý sinh lão bệnh tử giản đơn trong cuộc đời.

Sinh thời, PGS Văn Như Cương được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.

PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).

PGS Văn Như Cương đã có nhiều ý kiến đóng góp về giáo dục nước nhà, giáo dục nhân cách. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"... Đặc biệt những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhan có sức ảnh hưởng lớn.

Đặc biệt, PGS Văn Như Cương nhận được tình yêu thương lớn lao của học sinh. Ông từng tâm sự: "Học trò coi tôi là người ông, người bố, nên tôi thấy mình đáng sống lắm".

Ngày 3/3, khi biết tin thầy nhập viện, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh lên ý tưởng thực hiện món quà tinh thần gửi nhà giáo Văn Như Cương là bài hát truyền thống của 4.000 học sinh và hàng ngàn hạc giấy với lời cầu chúc: Mong thầy khỏe mạnh để trở về.

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Tình yêu thương của học trò là món quà vô giá, là minh chứng cho cả cuộc đời PGS Văn Như Cương hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Sự trăn trở của ông thể hiện trong những câu thơ: "Các em vào đại học thầy vui/ Duy chút băn hoăn, chút ngậm ngùi/ Ít em mong muốn vào sư phạm/ Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi".

PGS Văn Như Cương từng nói, ông là người sáng lập nên thương hiệu trường THPT Lương Thế Vinh nhưng để giữ gìn nó còn phụ thuộc rất nhiều vào học sinh, giáo viên trong trường.

Cô hiệu phó Văn Thùy Dương chia sẻ, thầy Cương không còn nữa, nhưng nhà trường sẽ luôn mang tinh thần của thầy đến mãi mãi sau này, đó là nghị lực sống, là "có chí thì nên", "có công mài sắt, có ngày nên kim".

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP