Thế giới

Ông Trump có thể ký lệnh ngừng cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra trên đất Mỹ?

Giới chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể ký một sắc lệnh nhằm cắt quyền được cấp quốc tịch của trẻ em nước ngoài sinh ra tại Mỹ dường như đi ngược lại hiến pháp và khó lòng thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn trang tin Axios ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông cân nhắc ký một sắc lệnh nhằm ngừng cấp quốc tịch cho trẻ em nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ. Bloomberg ngày 30/10 dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng động thái này của ông Trump có thể sẽ không dễ để thực hiên như ông phát biểu.

Theo giới quan sát, ông Trump muốn sử dụng “lá bài” này nhằm trấn an những người ủng hộ, cho thấy quan điểm quyết liệt của Tổng thống Mỹ với vấn đề nhập cư, nhằm giữ vững ưu thế của đảng Cộng hòa trong lưỡng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ được thông qua hơn 100 năm trước cho biết với một vài ngoại lệ, những trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ được cấp quốc tịch dù cha mẹ của họ không phải là người Mỹ. Mặc dù nhiều chuyên gia pháp lý nói rằng Quốc hội có thể thông qua một đạo luật để sửa đổi tu chính án, nhưng điều này rõ ràng phức tạp hơn rất nhiều so với tuyên bố của ông Trump rằng ông có thể hủy bỏ điều khoản được quy định trong Hiến pháp chỉ bằng việc ký một sắc lệnh.

Chuyên gia pháp lý Ilya Shapiro nhấn mạnh rằng dù luật pháp có thể được thay đổi nhằm thích ứng với tình trạng du khách và người nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ để sinh con, nhưng bà nhấn mạnh điều khoản này không thể dễ dàng thay đổi chỉ bằng một sắc lệnh của tổng thống.

Tuyên bố của ông Trump được coi là "lá bài" cho thấy ông có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, nhằm giành sự ủng hộ của các cử tri trong bối cảnh dòng người di cư từ Trung Mỹ đang đổ dồn về biên giới Mỹ (Ảnh: Reuters)

Tu chính án số 14 chính thức có hiệu lực vào năm 1868. Nó đã giải quyết vấn đề về quyền công dân của nhóm người Mỹ gốc Phi sau cuộc Nội chiến bằng tuyên bố “tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống.” Tu chính án đã cho phép nhóm người Mỹ gốc Phi được hưởng quyền lợi bình đẳng trước pháp luật.

Tòa án Tối cao Mỹ đã từng có án lệ về việc sử dụng Tu chính án số 14 trong vụ việc năm 1898 có tên “Nước Mỹ và Wong Kim Ark”. Wong Kim Ark sinh năm 1873 tại California, là con trai của một cặp vợ chồng gốc Trung Quốc di cư sang Mỹ. Sau khi về thăm Trung Quốc, Wong Kim Ark đã bị khước từ nhập cảnh trở lại Mỹ theo một điều luật hạn chế áp dụng với người Trung Quốc.

Tòa Tối cao Mỹ khi đó phán quyết rằng điều luật trên không áp dụng với Wong Kim Ark do ông đã được coi là công dân Mỹ vì được sinh ra trên đất Mỹ, viện dẫn Tu chính án số 14.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Tu chính án số 14, có một số ý kiến cho rằng điều khoản này không nên được áp dụng cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, với ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản này, các chuyên gia cho rằng Hiến pháp Mỹ đã công nhận quyền công dân với các trẻ em sinh ra tại Mỹ, không phân biệt cha mẹ của họ có phải là người nhập cư có giấy tờ hợp lệ hay không.

Theo ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Tu chính án số 14 khá rõ ràng, và ngoại trừ một số ngoại lệ cá biệt, áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ dù cha mẹ của họ là người nhập cư không có giấy tờ. Ông Ryan nhấn mạnh rằng một sắc lệnh từ tổng thống không có đủ quyền lực để thay đổi quyền được cấp quốc tịch khi sinh ra tại Mỹ.

Ngay cả khi Tu chính án 14 bị hiểu là không được áp dụng cho con cái của người nhập cư trái phép, Quốc hội Mỹ cũng sẽ phải thay đổi lại luật pháp liên bang nhằm diễn giải nội dung của Tu chính án này, chuyên gia Michael Dorf của trường luật Cornell nhận định. Tổng thống Trump về mặt danh nghĩa không thể can thiệp vào quyền lập pháp của Quốc hội cũng như không thể đơn giản là ký một sắc lệnh để hủy bỏ việc cấp quốc tịch cho trẻ em nước ngoài sinh ra tại Mỹ vì điều đó là vượt quá quyền hạn cho phép.

Giáo sư luật trường đại học Virginia Saikrishna Prakash cho biết ông Trump không thể quyết định được việc ai đủ tiêu chuẩn để được hưởng quyền lợi từ Tu chính án số 14 hay không. Bất cứ một ai tin rằng mình có đủ điều kiện sẽ được tòa án xem xét và phán xử.

Ngay cả một trong những học giả có tư tưởng ủng hộ việc thay đổi Tu chính án số 14, giáo sư Peter Schuck của trường đại học Yale, nói rằng tuyên bố của ông Trump việc ký sắc lệnh để thay đổi một điều được quy định trong Hiến pháp và luật lệ là thiếu cơ sở.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP