Người đương thời

Ông chủ táo bạo và 2000 gốc Lan ở xã Lộc Yên (Hương Khê)

Ông chủ táo bạo và 2000 gốc lan

Thú chơi cây cảnh, cá cảnh, chim cảnh… đã phát triển rất nhanh từ nhiều năm nay. Nắm bắt xu hướng thị trường và đam mê với các loài cây, anh Nguyễn Đình Sáng ở thôn Tân Đình, xã Lộc Yên (Hương Khê) mạnh dạn tìm ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình mình.

Ông chủ táo bạo và 2000 gốc lan

Năm 2001, anh Sáng bắt đầu với nghiệp buôn bán cây lộc vừng và trở thành tay buôn cây cảnh có tiếng ở Hương Khê. Nhưng sau nhiều năm nguồn lộc vừng cạn kiệt, việc buôn bán trở nên khó khăn vẫn một lòng đam mê với các loại cây cảnh và trăn trở không biết nên chuyển đổi trồng cây gì cho phù hợp, anh đã lặn lội vào Nam ra Bắc, lên cả các vùng rừng rúi để học hỏi và có một quyết định táo bạo: nuôi phong lan.
Với sự đồng lòng của vợ là chị Lê Thị Khôi, năm 2007 hai vợ chồng anh chị bắt đầu san lấp đất vườn, xây hàng rào, đầu tư hệ thống giàn, ống tưới nước… và ngược xuôi tìm kiếm các giống lan phù hợp khí hậu về nuôi. Ban đầu chỉ có vài ba giống lan rừng như lan phi điệp tím, lan sóc (hay còn gọi lan đuôi chồn)… Do còn thiếu kĩ thuật lại tham trồng với số lượng lớn, anh Sáng làm các tầng treo lan dày nên khi phun nước tự động lan chỗ bị thiếu nước chỗ thừa nước, lan số thì chết vì úng số chết vì héo. Không hề nản lòng, anh lại tìm đến các mô hình trồng lan học hỏi.

Có thêm kinh nghiệm, vợ chồng anh Sáng lại miệt mài chăm sóc, chuyển chỗ cho lan, đầu tư lại hệ thống tưới nước … tự tay tưới nước, phun thuốc sâu cho từng cây lan. Một thời gian sau, lan có dấu hiệu hồi sinh, những bông hoa bắt đầu hé nở. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh bán dần một số loại lan và kiên trì nuôi, tạo dáng thế cho một số gốc lan khác bán lâu dài. Mỗi gốc lan tùy theo loại, giá chênh lệch từ 400 nghìn – 5 triệu, lan bán kí lô tùy loại 200 nghìn đồng – 500 nghìn đồng. Từ đó, anh chị mạnh dạn đầu tư mua thêm các giống lan khác từ nước bạn Lào, từ tỉnh Cao Bằng… Đến nay, trong vườn lan hơn 1000m2 có hơn 2000 gốc với 10 chủng loại: lan kiều, lan tam sắc bảo, lan quế, lan cẩm báo, lan bạch nhãn, hoàng nhãn… Đưa lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để nuôi được lan không quá khó nhưng cũng không phải dễ. Lan chỉ phát triển tốt nhất ở mùa hè nhưng nhiệt độ không quá cao, hơn nữa với mỗi loại lan lại có yêu cầu ánh sáng, độ ẩm khác nhau. Mùa hè Hương Khê thời tiết khắc nghiệt, có lúc nền nhiệt hơn 400C khiến lan khô héo, mùa mưa cũng kéo dài, lượng mưa lớn. Để khắc phục, việc chăm sóc và xây dựng hệ thống giàn, lưới che chắn cần được chú trọng. Anh Sáng chia sẻ thêm: “Đầu tư nuôi lan quy mô cần nguồn vốn rất lớn, mà “vận mệnh” từng gốc cũng bấp bênh, đây cũng không phải giống cây trồng nay bán mai nên người trồng phải thực sự vững vàng tư tưởng, kiên trì, bền bỉ trong từng giai đoạn mới mong thành công”.
Không chỉ thế, trồng được lan nhưng để gốc lan thêm giá trị thì còn phải biết tạo dáng thế cho lan, làm sao lan có nhiều chồi đẹp, gốc dáng đẹp. Đồng thời cũng phải biết chọn thời điểm bán hợp lý. Có loại lan chỉ nở trong 2 tiếng nhưng cũng có những loại lan nở 2 – 3 tháng. Việc chọn loại lan phù hợp để luôn có những giò lan thay nhau nở quanh năm cũng là một vấn đề mà không phải ai cũng hiểu. Hiện nay, anh Sáng cũng đang tiến hành chiết ghép một số loại lan hi vọng cho ra thêm các giống lan quý.
Về đầu ra sản phẩm, anh Sáng cho biết: “Hiện nay ở Hà Tĩnh việc chơi lan, nuôi lan tuy chưa phổ biến nhưng đã có các gia đình tìm về vườn lan của mình chọn mua lan trang trí nhà cửa hoặc làm quà nhưng số lượng tương đối ít. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn khác, lan lại là mặt hàng hiếm. Thị trường chính của mình chủ yếu ở Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Hải Phòng… Khách hàng mới thì vào tận nơi mua, còn khách hàng quen thì chỉ cần gọi điện đặt hàng là mình gửi đi. Có nhiều lúc không có hàng để bán. Với chất lượng lan bảo đảm, giá cả hợp lý nên mình chủ động trong buôn bán, không bị ép giá”.
Anh Sáng cũng cho biết: thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vườn lan hiện tại, đồng thời đầu tư xây dựng cửa hàng và vườn lan giới thiệu sản phẩm, kiếm thêm các giống lan quý hiếm. Nếu có thêm sự hỗ trợ từ các chính sách vay vốn của nhà nước, anh còn dự định mở thêm một vườn lan mới với diện tích 1 -2 ha phục vụ nhu cầu thị trường.
Lộc Yên được biết đến là vùng đất với lợi thế lớn về đất rừng. Cây cam, bưởi và trồng rừng vẫn là sản phẩm chủ lực nhưng bên cạnh đó, còn có mô hình phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả. Vườn lan của gia đình anh Sáng là một minh chứng sống động cho tầm nhìn, đầu tư đúng hướng, sự táo bạo và ý chí quyết tâm làm giàu của người nông dân trên mảnh đất khô cằn, sỏi đá.

Thu Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP