Kinh tế

“Ông chủ” doanh nghiệp trúng số 120 tỷ đồng; Bầu Đức "giã từ" bất động sản

Tuần qua, thông tin về một ông chủ doanh nghiệp thuỷ sản trúng số độc đắc 120 tỷ đồng khiến bạn đọc không khỏi tò mò. Trong khi đó, việc kinh doanh sụt giảm của một loạt doanh nghiệp lớn cũng khiến nhiều độc giả nghi ngại.

“Ông chủ” doanh nghiệp thủy sản trúng số độc đắc

Ngày 3/5, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) cho biết, đơn vị này đã trao giải Jackpot 1 của sản phẩm Power 6/55 trị giá gần 120 tỷ đồng cho ông L.B.Đ .

Ông Đ. là khách hàng may mắn trúng độc đắc trong kỳ quay số 268. Tấm vé của ông Đ. có bộ số: 08 – 10 – 12 – 24 – 40 – 44. Bộ số này đã trùng với kết quả của giải Jackpot 1. Đây là tấm vé được phát hành tại một điểm bán vé số trên đường Lê Hồng Phong (phường 8, TP Cà Mau).

Ông L.B.Đ, chủ một doanh nghiệp thủy sản đã may mắn trúng giải độc đắc gần 120 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân 10% (gần 12 tỷ đồng) thì ông Đ. sẽ thực lãnh khoảng hơn 108 tỷ đồng. Khoản thuế này sẽ được nộp vào ngân sách tỉnh Cà Mau theo quy định.

Ông L.B.Đ cho biết, hiện nay, ông đang là chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản tại tỉnh Cà Mau. Ông đã chi 30.000 đồng để mua 3 tờ vé số của sản phẩm Power 6/55 ở 3 kỳ quay số liên tiếp và đã may mắn trúng độc đắc.

Công ty nhà Cường đôla lại gây thất vọng

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai sáng 3/5 giảm 2,26% còn 5.180 đồng/cổ phiếu. Theo đó, mã này đã đánh rơi gần 42% giá trị trong vòng 1 năm qua, song cũng đã hồi phục đáng kể so với mức đáy 3.990 đồng hồi đầu năm 2019 này.

Cùng ngày, QCG vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 với kết quả đáng thất vọng. Theo đó, mặc dù doanh thu thuần tăng 7,66% so với cùng kỳ lên 377,9 tỷ đồng song do tốc độ tăng giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu nên lợi nhuận gộp chỉ còn đạt 21,37 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Như Loan đang phải chật vật để chèo chống QCG bước ra khỏi khó khăn

Doanh thu hoạt động tài chính có tăng song con số gặt hái lại rất khiêm tốn, chỉ đạt 1,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng tới 191% lên 10,43 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tuy giảm đáng kể, giảm tới hơn 61% song chi phí bán hàng lại tăng 278% so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai giảm hơn 84% so với cùng kỳ, chỉ còn đạt 7,46 tỷ đồng. Lãi trước thuế ở mức 6,1 tỷ đồng, giảm 86,7% và lãi sau thuế 5,56 tỷ đồng, giảm 84,2%. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ còn 5,36 tỷ đồng, giảm 82,5% so với cùng kỳ.

Quốc Cường Gia Lai cho biết, lợi nhuận giảm trong quý I vừa qua là do công ty bàn giao căn họ cho khách hàng không có thu nhập từ chuyển nhượng tài chính.

Bầu Đức đang làm ăn thế nào khi “đặt cược số phận” vào nông nghiệp?

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã HNG) của bầu Đức vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2019.

Cụ thể, kết thúc quý đầu tiên của năm 2019, HAGL Agrico báo lỗ trước thuế tới 90 tỷ đồng, bao gồm lỗ kinh doanh 247 tỷ đồng và lãi khác 157 tỷ đồng.

Nguyên nhân là cả hoạt động bán trái cây, bán ớt, bán hàng hoá, bất động sản đều sụt giảm so với cùng kỳ.

HAGL của bầu Đức đã tuyên bố "giã từ" bất động sản để tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp

Trong đó, doanh thu bán trái cây giảm 174 tỷ đồng tức giảm phân nửa so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do phần lớn diện tích trồng chuối mới năm 2018 chưa đến kỳ thu hoạch trong quý I/2019.

Doanh thu bán ớt cũng giảm 53 tỷ đồng (giảm gần 58%) so với cùng kỳ do diện tích trồng ớt giảm. Doanh thu bán hàng hoá giảm 46 tỷ đồng (tức giảm tới gần 72%) do cùng kỳ năm 2018, công ty có nguồn thu phụ phẩm từ hoạt động chăn nuôi. Việc đã bán hết căn hộ từ năm ngoái cũng đã khiến doanh thu bất động sản giảm 8 tỷ đồng do quý I/2019 không còn phát sinh nguồn thu này.

Giá vốn hàng bán giảm 19 tỷ đồng tương ứng 7% so với cùng kỳ còn 244 tỷ đồng song ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 31 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính giảm 130 tỷ đồng còn 13 tỷ đồng và chi phí hoạt động tài chính tăng 24 tỷ đồng lên 188 tỷ đồng.

Nhờ cộng thêm khoản thu nhập khác 198 tỷ đồng (tăng 188 tỷ đồng) do hoàn nhập một số khoản dự phòng và giảm 63 tỷ đồng chi phí khác so với cùng kỳ nên tổng kết lại, trong quý I năm nay, HAGL Agrico còn lỗ 99 tỷ đồng sau thuế, tăng lỗ đáng kể so với mức lỗ sau thuế của quý I/2018 là 22 tỷ đồng.

Tài sản giảm, ông Phạm Nhật Vượng vẫn gây kinh ngạc

Bất động sản – lĩnh vực kinh doanh chính của ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong quý I/2019. Tổng giá trị hợp đồng bán bất động sản ký mới và đặt cọc mới trong quý I/2019 đạt 12.348 tỷ đồng, tăng 49% so với quý I/2018 và giá trị hợp đồng mua bán lũy kế tính đến ngày 31 tháng 03 năm 2019 là 334.405 tỷ đồng.

Doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong quý I/2019 vẫn đạt 8.430 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản đạt 1.689 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu kinh doanh bán lẻ trong quý I năm nay cũng ghi nhận mức tăng 2.901 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ấn tượng 70,4% so với năm trước, đạt 7.026 tỷ đồng.

Tính chung, trong quý I/2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup ghi nhận đạt 21.823 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, tập đoàn này ghi nhận mức lãi trước thuế 1.928 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2019 và lãi sau thuế còn 1.010 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản Vingroup đạt 314.126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 102.373 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,1% và 3,4% so với cuối năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC giảm khiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng theo đó cũng lùi xuống còn 7,5 tỷ USD (theo thống kê của Forbes tại ngày 30/4) so với con số hơn 8 tỷ USD trước đó.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP