Phóng sự - Ký sự

Ðồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Ðiểm tựa nơi biên cương

Năm 1967, Ðồn Nước Sốt xưa và nay là Ðồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo – Hà Tĩnh vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Suốt bao năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và thật sự trở thành điểm tựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân trên địa bàn biên giới.


Ðóng quân trên địa bàn xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhiệm vụ chủ yếu của Ðồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo (BPCKCT) là quản lý, bảo vệ 41 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn hai xã Sơn Kim I và Sơn Kim II; tổ chức công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu… Ðịa bàn biên giới và khu vực cửa khẩu nơi đây hội tụ đầy đủ mọi khó khăn và thuận lợi mang tầm khu vực và thế giới. Ðó là nơi mở ra cánh cửa để làm ăn, giao lưu, phát triển với các nước trong khu vực. Và đó cũng là nơi bọn phản động, tội phạm các loại lợi dụng để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các chất ma túy, vũ khí, buôn bán phụ nữ, trẻ em, súng đạn, chất nổ… qua lại biên giới. Hoạt động của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có vũ khí, máy móc, phương tiện hiện đại để đối phó với lực lượng chức năng. Và đây cũng là nơi ý chí quyết chiến, quyết thắng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm… của cán bộ, chiến sĩ Ðồn BPCKCT được thể hiện rõ nhất trong suốt chặng đường gian khó thực hiện nhiệm vụ.
“Trong nhiều năm qua, Ðồn BPCKCT đã đấu tranh thắng lợi hàng chục vụ án, chuyên án các loại, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần quyết định bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biên giới”- Ðại tá Trần Mạnh Hùng – Trưởng phòng PC17 Công an tỉnh Hà Tĩnh – nguyên Trưởng Công an huyện Hương Sơn- khẳng định. Thiếu tá Võ Trọng Hải, Ðồn trưởng Ðồn BPCKCT – người trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh thành công 43 vụ án, chuyên án, bắt 53 đối tượng, tịch thu gần 7,5 kg hê-rô-in, 630 nghìn viên ma túy tổng hợp… trong năm năm qua, thổ lộ: “Xác định rõ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là mũi nhọn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, trong những năm qua, với trách nhiệm của người chỉ huy, tôi đã lăn lộn ở cơ sở, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cài cắm cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nắm chắc tình hình nội, ngoại biên để đề xuất các phương thức đánh án sáng tạo, hiệu quả”. Nhiều vụ đánh án được tổ chức chặt chẽ, nhanh nhạy, mưu trí, dũng cảm với tinh thần kiên quyết tiến công tội phạm của cán bộ, chiến sĩ Ðồn BPCKCT vẫn còn đọng mãi trong tâm trí bao người, gây hoang mang, sợ hãi cho đối tượng phạm tội. Ðã có lần chúng tôi lặng nghe Thượng tá Hà Học Chiến, nguyên là Chính trị viên của đồn kể về một vụ đánh án như vậy: Vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 13-6-2009, Ðồn BPCKCT chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Công an Hà Tĩnh tổ chức bắt quả tang Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1976), trú tại xóm 9, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, đối tượng chính trong chuyên án mang bí số 405L khi đang vận chuyển ma túy qua biên giới. Tang vật thu giữ là một bánh hê-rô-in, một quả lựu đạn và một xe ô-tô bốn chỗ ngồi. Ðây là đối tượng nguy hiểm, liều lĩnh luôn mang theo vũ khí nóng, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động gây rất nhiều khó khăn cho ban chuyên án. Trong quá trình bắt giữ, đối tượng đã dùng vũ khí chống trả quyết liệt. Và sau khi bị bắt, đối tượng luôn tìm cách tự sát để không khai ra đồng bọn, nhưng đã bị ngăn chặn.
Giàu lòng nhân ái và trách nhiệm cũng là phẩm chất của các chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên cương này. Ðến nay vợ và sáu con của một gia đình người Lào có chồng bị tử hình do buôn bán ma túy, hằng năm vẫn nhận được tiền đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đồn. Hay đội bốc vác tại cửa khẩu gồm 50 đối tượng (có 20 người nhiễm HIV) là một thí dụ cụ thể cho lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm của anh em đồn. Ðã từng gây tội lỗi, bị xã hội lên án, xa lánh, tưởng không còn chốn nương thân…, nhưng từ ngày được Ðồn trưởng Võ Trọng Hải tập hợp, giáo dục lại, họ đã biết thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau, không còn xin đểu, gây gổ, bằng chính sức lao động của mình để lo cho quãng đời còn lại. Và đáng mừng hơn, họ còn là những thành viên tích cực, có kinh nghiệm giúp đồn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Thành viên tổ bốc vác Nguyễn Văn Chiến không giấu được sự xúc động: “Nếu không có sự cưu mang của anh Hải thì bọn em đã trở thành công dân hạng ba, và tiếp tục trượt dài theo tội lỗi…”. Không chỉ có vậy, Ðồn trưởng Hải liên hệ thầy thuốc người Lào Vừ-na-gừ để tổ chức cai nghiện cho các thành viên của tổ bốc vác bằng các bài thuốc cổ truyền của dân tộc Lào.
Từng bị những cái đói, cái nghèo đeo bám, giờ đây, làng quê Sơn Kim I, Sơn Kim II nơi đơn vị đóng quân đang ngày càng thêm trù phú. Nhiều mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa ra đời cho thu nhập cao, con em đồng bào đều được đến trường… Tất cả xuất phát từ các phong trào như: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, “Ðền ơn, đáp nghĩa”, “Mái ấm biên cương”… của những người chiến sĩ quân hàm xanh Ðồn BPCKCT anh hùng.
Phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị với các dân tộc hai bên biên giới và thực hiện phương châm “Giúp bạn chính là tự giúp mình”. Ðồn BPCKCT nhiều năm nay đã liên hệ với các cơ quan, đơn vị để xin hỗ trợ cây giống, con giống và hướng dẫn đồng bào ở các bản Na Pê, Thoong Pẹ tăng gia, sản xuất cải thiện đời sống. Ðồn không chỉ phối hợp, tổ chức khám, phát thuốc chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người, tại bản Thoong Pẹ giờ đây, từ sự tham mưu của đồng chí Ðồn trưởng Võ Trọng Hải cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng trạm xá trị giá hơn 500 triệu đồng. Ðơn vị còn tiếp tục cử quân y sang chăm sóc sức khỏe cho bà con. Ông Vừ Song Gio, Trưởng bản Kamkốt cho biết: Người Lào chúng tôi yêu quý Bộ đội Biên phòng Việt Nam, nhờ bộ đội mà chúng tôi có trạm xá điều trị khi ốm đau. Nhờ Bộ đội Việt Nam mà chúng tôi biết sinh đẻ có kế hoạch, biết xây nhà vệ sinh tự hoại hai ngăn, đã giảm được đói nghèo. Bản có 250 hộ thì đã có 50 hộ mua được một, hai xe ô-tô. Mùa hè năm ngoái, nhờ Bộ đội Biên phòng mà dân bản được đi nghỉ mát ở bãi biển Cửa Lò… Còn ông Xù Măng Chả, Bí thư chi bộ bản Thoong Pẹ nói: Nhờ có bộ đội Hải giúp đỡ mà an ninh trật tự ở đây hết sức tốt, không có trộm cắp, không còn người buôn bán thuốc phiện. Ðời sống của 2.500 người trong bản đã ổn định; hàng trăm lượt người bệnh đã được đến khám và điều trị tại trạm xá Bộ đội Biên phòng xây dựng. Bản có 500 học sinh các cấp và có nhiều em thi đậu các trường đại học. Người trong bản xem Bộ đội Việt Nam như người nhà vậy.
Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim I, khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ Ðồn BPCKCT thật sự là chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân. Công sức của các anh đã làm thay đổi căn bản bộ mặt làng quê, giúp nhiều đối tượng từng lầm đường lạc lối trở về hòa nhập với cộng đồng, ngăn chặn các tệ nạn… để cùng mọi người xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phồn vinh, hạnh phúc”.
Bài, ảnh: Thành Châu, Trọng Tuệ

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP