Thế giới

Oanh tạc cơ răn đe hạt nhân 'mạnh chưa từng có' của Nga

Các trang thiết bị, vũ khí tiên tiến trên bản nâng cấp Tu-160M2 hứa hẹn cung cấp cho máy bay sức mạnh chưa từng có trong lịch sử.

Oanh tạc cơ Tu-160 bay huấn luyện.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ Dave Majumdar nhận định mẫu oanh tạc cơ chiến lược nâng cấp mới nhất của Nga Tu-160M2 sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2019, National Interest ngày 13/11 đưa tin.

Trước đó, tư lệnh lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga Viktor Bondarev thông báo những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Tu-160M2 sẽ được thực hiện vào cuối năm 2018, sau khi được trang bị đầy đủ những thiết bị hiện đại như hệ thống điều khiển hành trình và định vị hiện đại, cùng các hệ thống theo dõi nhiên liệu, tác chiến điện tử và kiểm soát vũ khí mới.

Viện thiết kế KRET, đơn vị được giao nhiệm vụ phát triển trang thiết bị mới cho Tu-160M2, cho biết máy bay sẽ được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử của tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA, giúp tăng cường khả năng tự vệ trước các mối đe dọa từ tên lửa phòng không, tương tự một lớp lá chắn tên lửa.

Tu-160M2 sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính với con quay hồi chuyển laser và cảm biến gia tốc thạch anh. Bộ thiết bị này có thể hoạt động hiệu quả ngay cả trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh, giúp phi công xác định tọa độ, hướng bay và tốc độ của Tu-160M2. Bên cạnh đó là thiết bị định vị theo bản đồ thiên văn, bảo đảm tổ lái không thể bị lạc ngay cả khi không có hệ thống định vị vệ tinh.

Theo Majumdar, với các thiết bị tiên tiến này, Tu-160M2 sẽ có khả năng tác chiến "mạnh chưa từng có" và tiếp tục đóng vai trò như một loại vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược của quân đội Nga. Majumdar nhận định bên cạnh các hệ thống tác chiến điện tử, Nga chắc chắn sẽ tập trung tăng cường sức mạnh hỏa lực của chiếc máy bay này.

Hiện các phiên bản Tu-160 chưa nâng cấp đã được trang bị tên lửa hành trình chiến lược mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân Kh-55SM hay Kh-101/Kh-102 có tầm phóng lên đến 5.500 km.

Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh tầm xa Tu-160 của Nga. Ảnh: Sputnik.

Trong chiến dịch quân sự ở Syria, các máy bay Tu-160 Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 với đầu đạn thông thường tấn công hiệu quả các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

"Khác với các loại máy bay ném bom tàng hình của Mỹ như B-2, sức mạnh của Tu-160M2 nằm ở tốc độ bay cũng như tốc độ khai hỏa vượt trội của nó. Vũ khí nguy hiểm nhất của oanh tạc cơ này là các tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân", ông Majumdar khẳng định.

Chuyên gia quân sự Michael Kofman thuộc Trung tâm phân tích hải quân Wilson của Mỹ nhận định về cơ bản Tu-160M2 giữ lại khung thân của Tu-160 nhưng sẽ có tính năng hoàn toàn mới.

Theo Kofman, ngoài trang thiết bị điện tử và vũ khí, động cơ NK-32 cũ của Tu-160M2 sẽ được thay thế bằng phiên bản NK-32-02 giúp tiết kiệm nhiên liệu và hiệu quả hơn.

Chuyên gia này cho rằng khác với oanh tạc cơ tàng hình Mỹ, Nga không hy vọng Tu-160M2 có thể xâm nhập vào không phận của đối phương để khai hỏa vũ khí. Ngược lại, máy bay chỉ cần bay đến một vị trí nhất định để khai hỏa tên lửa tầm xa nhằm vào mục tiêu của đối phương.

"Ưu điểm chính của oanh tạc cơ chiến lược Tu-160M2 chính là khả năng gửi thông điệp răn đe hạt nhân", Kofman nhấn mạnh.

Nga hiện chỉ có 16 chiếc Tu-160, và quân đội nước này muốn sản xuất thêm 50 chiếc Tu-160M2 bắt đầu từ năm 2023. Bộ Quốc phòng Nga thông báo kế hoạch tái sản xuất dòng máy bay ném bom Tu-160 vào tháng 4/2015, sau khi khẳng định đây là mẫu máy bay có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: răn đe , oanh tạc , Nga , hạt nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP