Tin Hà Tĩnh

Oái oăm cảnh cha 92 tuổi kiện con ra tòa vì đất đai

Như Báo Dân sinh đã đăng bài: "Chuyện đau lòng bởi nghịch lý cha 92 tuổi kiện con ra tòa" phản ánh về cảnh "nồi da nấu thịt" trong một gia đình có truyền thống văn hóa tại TP. Hà Tĩnh chỉ vì tranh chấp đất đai. Tuy vậy, dư luận lại cho rằng, có kẻ "thứ ba" đứng đằng sau giật dây, nhằm phá hoại cuộc sống yên lành của họ.

TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ cha kiện con

Sáng 25/10/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xử phúc thẩm vụ án cụ Đặng Kim Thư (92 tuổi, trú quán tại Khối phố 4, phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) kiện con gái ra tòa, nhưng do Luật sư đại diện lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cũng như bị đơn đều vắng mặt nên Tòa đã hoãn xử vụ án.

Trước đó, ngày 30/5/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Tĩnh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án trên. Tuy nhiên, sau đó nguyên đơn cũng như bị đơn đã gửi đơn kháng cáo. Ngày 28/6/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Hà Tĩnh ra “Quyết định kháng nghị phúc thẩm” đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của Tòa án nhân dân TP. Hà Tĩnh, đồng thời đề nghị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm vụ án này.

Không nằm ngoài dự đoán, khi TAND Hà Tĩnh hoãn phiên tòa phúc thẩm, ngay lập tức bị đơn, các nhân chứng và bạn bè thân hữu, bà con khối phố tham gia dự phiên tòa đều tỏ ra vui vẻ. Họ hoan hỉ vì không muốn chứng kiến vụ xử đau lòng mà cha và con trở thành những người nguyên đơn và bị đơn trước chốn công đường.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng ( 59 tuổi, giáo viên hưu trí, Phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), một người gần gũi với con cái trong gia đình cụ Đặng Kim Thư từ lâu có mặt tại phiên tòa cho rằng: “ Đây là vụ án đặc biệt, xảy ra trong một gia đình có bề dày truyền thống văn hóa, đạo lý, vì vậy, cần phải hết sức cẩn trọng, tránh làm đổ vỡ các giá trị của gia đình được vun đắp. Tôi và bạn bè, cũng như nhân dân khối phố mong muốn Tòa án không cần phải can thiệp quá sâu vào vụ án như thế này, mà Tòa cần phải kiên trì thực hiện theo lối hòa giải để đảm bảo tính nhân văn có lợi cho gia đình và xã hội”

Đó cũng là tính ưu việt của chế độ ta được thể hiện rõ trong Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 7: Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự cũng đã quy định:“ 1.Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán,truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.; 2. Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phải phù hợp với quy định của pháp luật và được khuyến khích”. Vì vậy, việc để tìm ra tiếng nói chung giữa nguyên đơn và bị đơn, đặc biệt cả nguyên đơn và bị đơn đều trong một gia đình là điều cần thiết của Tòa.

Ông Nguyễn Văn Thìn cho rằng không thể để cảnh "nồi da nấu thịt" trong gia đình có truyền thống của cụ Thư

Ông Nguyễn Văn Thìn –tổ trưởng khối phố 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh là người có mối quan hệ làng xóm gần gũi sống với gia đình cụ Đặng Kim Thư từ 35 năm nay trao đổi với chúng tôi: “ Gia đình cụ Thư là một gia đình mẫu mực luôn chấp hành pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Cụ Thư là tấm gương lao động. Con cái của cụ, đặc biệt ba cô con gái có hiếu với cha mẹ, sống đoàn kết, chan hòa với làng xóm. Vì vậy, sau khi biết được Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh xử sơ thẩm vụ cụ Thư kiện con, bản thân tôi và bà con nhân dân khối phố cảm thấy hết sức đau lòng. Lô đất tại khối phố 4 phường Đại Nài đã cho 3 cô con gái ở từ hàng chục năm nay, lẽ nào đột nhiên một gia đình như cụ Thư lại đứng trước nguy cơ tan nát, chia lìa tình cảm đau đớn đến như vậy. Dĩ nhiên, tôi và bà con hàng xóm chẳng ai mong Tòa án lại phải đứng ra phán xét vụ án như thế này”.

Bà Đặng Thị Thảo, con gái của cụ Thư vừa từ Gia Lai ra tham dự phiên tòa phúc thẩm, gạt nước mắt chia sẻ: “Tôi rất đau lòng, không hiểu điều gì đang ập đến với gia đình chúng tôi. Đây là 1 tai họa ngoài sức tưởng tưởng. Cha tôi đã 92 tuổi, gần đất xa trời. Cha tôi cần tiền làm gì? Cha tôi cần được chăm sóc. Tôi bao nhiêu năm đi xa làm nghề dạy học, nay đã nghỉ hưu chồng tôi đã mất; tôi có 3 con gái đã đi lấy chồng. Vì vậy, lúc này tôi càng muốn trở về quê hương để chăm sóc cha tôi những ngày cuối đời. Tôi không nói liệu có ai đứng đằng sau giật dây vụ kiện tụng này để trục lợi trên nỗi đau của gia đình tôi hay không, nhưng tôi thấy có một thế lực nào đó đã can thiệp quá tay vào tình cảm gia đình của chúng tôi. Bởi vậy, tôi hy vọng Tòa sẽ sáng suốt tìm ra những giải pháp tích cực hơn trong vụ việc này.

Bà Dặng Thị Thảo con gái cụ Thư tỏ ra rất đau lòng bởi cảnh cha kiện con

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Thanh và Đặng Thị Hương cho rằng: Tòa án nên xem xét một cách khách quan và biện chứng Văn bản giao quyền sử dụng đất được cụ Đặng Kim Thư lập ngày 05/8/2011 trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của 5 thành viên trong gia đình không phải là Di chúc, không phải là Hợp đồng cho tặng, nhưng là văn bản có hiệu lực. Bởi vì: năm 1992, cụ Đặng Kim Thư đã phân chia thửa đất thứ 3 tại khối phố 4, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh cho 3 cô con gái là Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Thảo, Đặng Thị Hương. Vợ chồng cô Đặng Thị Thanh đã xây dựng nhà (năm1992) và Đặng Thị Hương đã xây nhà (1993-1996), ăn ở ổn định trên 25 năm không hề có tranh chấp. Việc bà Đặng Thị Thảo, Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do một phần lô đất nằm trong quy hoạch thành phố. Bản xác minh ở phòng TNMT: “ Thửa 767, bản đồ số 1 tại khối phố 4 phường Đại Nài TPHT có một phần diện tích đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang QL1A ( nay là đường Hà Huy Tập) nên chưa xử lý cấp giấy CNQSDĐ , thực tế gia đình đã tiến hành xin phường lập hồ sơ làm GCNQSDĐ nhưng vì lý do trên nên UBNDTP Hà Tĩnh không nhận hồ sơ. Phường Đại Nài đã xác minh: Năm 2011 đã lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thư. Vậy việc chưa làm GCNQSDĐ là nguyên nhân khách quan. Giả sử không vướng nguyên nhân này, bà Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Thảo, Đặng Thị Hương đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, cần xem xét Lịch sử lô đất này để có phán xét hợp tình, hợp lý, hợp với Điều 4, Bộ luật dân sự năm 2005: “ Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ, dân sự được pháp luật bảo đảm nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội”.

Cụ Đặng Kim Thư một tấm gương mẫu mực trong gia đình nay đã 92 tuổi cần được giám định sức khỏe để làm rõ trắng đen

Cụ Đặng Kim Thư đã 92 tuổi. Ở tuổi 92 không còn minh mẫn, sáng suốt là lẽ thường tình. Đây cũng có thể là điểm yếu mà có kẻ thứ 3 đứng đằng sau lợi dụng xúi giục cụ đi kiện con vì một mục đích khác. Bởi vậy, nếu một ngày nào đó đưa vụ án ra trước Tòa án phúc thẩm, thì Tòa cần thẩm định năng lực hành vi dân sự của cụ, bằng cách cho cụ đi giám định sức khỏe để làm rõ trắng đen.

Sau khi TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố hoãn phiên tòa phúc thẩm xử vụ ông Thư kiện con, mặc dù mọi người vui vẻ ra về, nhưng chúng tôi chợt thấy phía cuối hành lang hội trường xét xử một mình bà Đặng Thị Thảo nước mắt buồn tủi như thay cho lời nguyện cầu thống thiết.

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP