Xe

Ô tô điện made in Vietnam: 'Nhiều người bảo tôi bị điên'

Mất gần 3 năm ròng rãi với không ít tiền và công sức, ông Trần Minh Tâm đã chế tạo được chiếc ô tô điện có thể chạy với vận tốc 50km/h.

Tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp phụ trợ (Saigon Autotech & Accessories 2018) diễn ra từ ngày 25-27/5 tại TP.HCM, trong gian trưng bày của Công ty ô tô điện Đại Phát Tín có chiếc ô tô điện "made in Vietnam" mang tên CITY 18 do ông Trần Minh Tâm (huyện Củ Chi, TP.HCM) sáng tạo.

Chiếc ô tô của ông Tâm thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan triển lãm với thiết kế nhỏ gọn, có 4 chỗ ngồi với chiều dài 3m, cao 1,6m và rộng 1,4m.

Xe có vận tốc tối đa 50km/h và khi sạc đầy có thể chạy được 160km mới phải sạc lại. Việc sạc pin có thể thực hiện ở bất cứ đâu có điện 220V. Trên xe có cả máy lạnh và hệ thống karaoke kết nối với điện thoại qua mạng bluetooth.

Đặc biệt, hai cửa xe CITY 18 không mở ra hai bên như ô tô thông thường mà được thiết kế dạng cánh gấp, khi mở được nâng thẳng lên trên giống hình ảnh đại bàng tung cánh nhờ hệ thống thủy lực.

Hiện ông Tâm đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp và mong muốn kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia sản xuất công nghiệp.

Ông Trần Minh Tâm bên chiếc ô tô điện tự sáng chế

Trao đổi với Đất Việt, ông Tâm cho biết, ông mất gần 3 năm để làm chiếc ô tô điện CITY 18 và đến nay, chiếc xe cũng mới chỉ hoàn thiện 60%, ông đang tiếp tục thiết kế dàn máy mới cho xe.

Nhớ lại những ngày gian nan chế tạo chiếc ô tô điện, ông Trần Minh Tâm kể, nhiều người bảo ông điên khi đổ cả đống tiền, công sức vào chiếc xe.

"Đến giờ, tiền công tôi bỏ ra gấp mấy lần tiền thiết bị, thậm chí tôi không dám cộng sổ nữa vì nhiều quá. Ước chừng trên nửa tỷ đồng đã đổ vào chiếc xe", ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, khi bắt đầu chế xe, ông không có gì trong tay cả, phải mua từ bánh xe, ghế ngồi, kính chắn gió...

"Sau khi đo các thông số để đảm bảo xe có diện tích nhỏ gọn mà vẫn khiến người ngồi trong xe cảm thấy thoải mái, tôi mua sắt vuông về tính toán, cắt, hàn... để tạo khung, rồi chế các thiết bị kết nối bánh xe với khung sườn.

Sau đó tôi gắn tay lái vào, căn chỉnh rồi đẩy thử xem có đi được không. Lúc đầu chỉ đẩy bằng tay, thấy được tôi mới gắn bộ phận điện vào. Ban đầu, ở 4 bánh xe tôi gắn 4 động cơ độc lập, chúng chạy tốt nhưng sau này thấy không phù hợp, tôi bỏ dần động cơ ở hai bánh sau và giờ đang thiết kết một dàn máy khác thay thế cho bánh trước.

Đến khi đóng thùng xe thì rất rắc rối. Không biết làm thế nào, tôi đi nghiên cứu ở bên ngoài, trên mạng, trong sách vở, cuối cùng cũng chọn được. Về logo xe, tôi chọn biểu tượng chim đại bàng tung cánh vì thích sự dũng mãnh của nó cũng như mong muốn Việt Nam sẽ vươn lên như thế.

Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi vẽ mô phỏng. Nếu kỹ sư mà thấy tôi vẽ có lẽ họ xỉu luôn bởi nó không có cái gì gọi là ô tô", ông Tâm cho biết.

Chiếc ô tô điện CITY 18

Cha đẻ của chiếc ô tô điện "made in Vietnam" vẫn còn ám ảnh sự gian nan khi tìm thợ gò ô tô lẫn thợ sơn xe. 4 người thợ gò có tay nghề 15-25 năm lần lượt được ông Tâm thuê về nhưng chỉ được một thời gian là họ "chạy mất" vì thấy khó quá.

Tương tự, đến phần sơn, ông Tâm cũng trầy trật tìm người người làm, nhưng rồi ai nấy đều bỏ cuộc. Cuối cùng, ông đành đưa xe vào gara, riêng chi phí sơn xe cũng đã ngốn của ông hơn 40 triệu đồng.

"Trong giai đoạn làm, tôi cắt thủ công, mô phỏng bằng hình ảnh, sau đó vẽ trên giấy từng phần, ướm thử lên xe rồi cho thợ gò định dạng từng phần, lắp ghép lại. Đến khi dựng xong phần khung thì lúc đó tôi bắt đầu hoảng vì thấy nhiều tiền quá. Nhưng vì đam mê, lại tiếc công sức đã bỏ ra nên tôi lại tìm tài chính làm tiếp.

Làm tới làm lui, tôi cũng thất bại nhiều. Riêng cánh cửa hai bên, để nâng lên trên được như vậy tôi đã thất bại 4 lần. Nhiều người thấy tôi hì hục làm như vậy lấy làm e ngại, bảo tôi bị điên.

Sau khi sơn xe xong, bắt đầu đến giai đoạn tôi làm một mình tất tật, từ điện, ắc quy đến pin, trang trí nội thất... Lắp ráp xong, kiểm tra thấy được, tôi lắp điều hòa cho ô tô, chạy thử quanh nhà thì thấy ổn", ông Trần Minh Tâm cho biết.

Mong có nhà đầu tư quan tâm, ông Trần Minh Tâm tin rằng, nếu sản xuất hàng loạt, giá chiếc xe ô tô điện sẽ rẻ đi rất nhiều.

"Hiện tại, chiếc xe Kia Morning có thể coi là xe nhỏ nhất, rẻ nhất trên thị trường Việt Nam và tôi muốn xe của mình nếu được sản xuất sẽ rẻ bằng một nửa chiếc xe đó để 45 triệu người Việt Nam có thể có ô tô điện để đi", ông Tâm hy vọng.

Trong khi đó, khẳng định những sáng chế như của ông Trần Minh Tâm rất đáng trân trọng, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô - Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, xu hướng phát triển của các tập đoàn, công ty lớn hiện nay cũng đang hướng vào dòng xe ô tô điện.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển dòng xe này ở Việt Nam chính là tính kinh tế trong nguồn nhiên liệu, chứ không phải công nghệ.

Theo ông Nhân, việc phát triển ô tô điện của Việt Nam cũng phải bắt đầu từ việc nhập những bộ phận chính yếu trên xe và phía Việt Nam chỉ lắp ráp lại mà thôi, trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu.

Về chiếc ô tô điện CITY 18, ông Nhân chưa tận mắt chứng kiến, ông tin rằng khi con người đam mê có thể làm được nhiều thứ.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP