Tin Hà Tĩnh

Ô nhiễm bất thường đại thủy lợi Ngàn Trươi: Bí ẩn phía hai chân đập

5 ngày sau khi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra thời hạn cho các Sở, ngành và cơ quan chức năng phải tìm cho ra nguyên nhân vẫn chưa có một kết luận nào chính thức. Bức màn bí ần hai phía chân đập chính vẫn được người trong cuộc bảo vệ rằng “Công trình của mình không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm”.

Nước trên lòng hồ đập chính Ngàn Trươi ngày 2/8 rất trong xanh.

Khác biệt hai phía chân đập

Ngày 2/8 tại đập dâng Ngàn Trươi lượng nước màu đỏ sẩm như màu nước mắm vẫn còn giữ nguyên như hiện trạng ban đầu. Tại mặt nước đập Dâng và toàn bộ phần đập tràn, cống xả, đê kè, lòng mương đều nhuốm màu đỏ quạch. Không chỉ tại khu vực đê tràn, cống xả đáy, cống xả vào kênh lủy lợi hằn lên dấu tích ô nhiễm mà ngay miệng dưới cống xả Tuynel1 của đập chính Ngàn Trươi cũng chung tình trạng. Quan sát ngay đập Dâng, kênh mương dẫn nước từ kênh thủy lợi do Công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lí đều không có hiện tượng cá chết. Ngay dưới miệng cống xả đập Dâng vẫn có đàn cá tung tăng bơi lội, người dân ở đây vẫn đặt trúm bát quái để đánh bắt hải sản.

Trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Ngàn Trươi, dư luận đặt ra 2 nghi vấn: Do phần lòng hồ đập chính không được dọn sạch cây cối, thực bì, công trình nhà ở, vệ sinh của hàng nghìn hộ dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang đã đi tái định cư; hoặc có thể là do nguồn xả thải của Công ty chế biến gỗ MDF Thanh Thành Đạt (TTĐ) ở thượng nguồn hồ đập Dâng. Tuy nhiên, cả Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) và TTĐ đều bảo vệ quan điểm “không phải từ công trình của mình gây nên”.

Vị trí đập dâng Ngàn Trươi còn nhuộm một màu đỏ.

Một cán bộ Ban 4 khẳng định: “Nước trên lòng hồ đập chính Ngàn Trươi vẫn màu xanh, không có mùi hôi, trách nhiệm của chúng tôi hiện tại là quản lí an toàn hồ đập, đóng mở cửa xả theo lệnh của tỉnh và Công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh. Còn phía dưới miệng cống xả Tuynel1 và đập Dâng vì sao ô nhiễm không thuộc thẩm quyền của Ban 4 mà là của các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh”.

“Tại sao nguồn nước phía đập Dâng lại có một màu đỏ “bền vững” không thể tự phai, tự lắng xuống lòng hồ. Phải chăng có một chất nào đó được hòa lẫn vào nước. Việc này, cần cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ” - vị cán bộ này cũng đặt câu hỏi.

Liệu có phải do lòng hồ không được dọn cây cối và thực bì và các công trình dân sinh nên tạo thành một lớp mùn hữu cơ ở đáy hồ gây nên ô nhiễm, vị cán bộ Ban 4 thẳng thắn chia sẻ: “Đúng là lòng hồ không được dọn hết cây cối và thực bì vì số tiền 35 tỉ chỉ thu dọn được theo Quyết định của Bộ NN&PTNT là 1.659,67ha/4.610,05ha diện tích lòng hồ theo thiết kế. Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định việc thu dọn lượng thực bì, cây cối này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn cho nước tưới tiêu nông nghiệp còn nước sinh hoạt thì phải qua xử lí”.

Phía đập Dâng nước vẫn giữ một màu đỏ "bền vững".

Ông Trần Quang Luận- Giám đốc Công ty gỗ MDF Thanh Thành Đạt, cho biết: “Nói công ty chúng tôi gây ô nhiễm là hoàn toàn không đúng sự thật. Vì dây chuyền chưa bàn giao đưa vào sản xuất. Việc công luận, dư luận và có nhiều phát ngôn của đại diện một số cơ quan chức năng nói nghi ngờ chúng tôi gây ô nhiễm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công ty. Vừa qua, kỹ sư trưởng người nước ngoài về nước nghỉ lễ phục sinh cầm theo chìa khóa thì chúng tôi lấy gì mà vận hành? Giờ thì tôi không giải thích gì thêm, Đại sứ quán Ý sẽ có ý kiến với Chính phủ Việt Nam vì nói Công ty gây ô nhiễm là không đúng, dây chuyền thuộc tiêu chuẩn Châu Âu”.

“Ô nhiễm do đâu thì rõ như ban ngày, cây cối, nhà cửa, công trình vệ sinh lòng hồ không dời dọn vẫn còn nguyên đó. Tôi cam đoan, nếu công ty tôi gây ô nhiễm, tôi sẵn sàng giao nhà máy lại cho tỉnh, chấp nhận phá sản” – ông Luận không ngại nói thẳng.

Tận mắt thấy những gì?

13h59 chiều 2/8 chúng tôi có mặt tại cổng Công ty gỗ MDF TTĐ, mặc dầu không liên hệ được phía công ty để vào mục sở thị bên trong nhưng từ phía ngoài hàng rào đã thấy cột khói nhà máy bốc lên đen nhẻm. Không hiểu vì thấy phóng viên quay phim chụp ảnh hay hết giờ xả mà khoảng 3 phút sau, cột khói bỗng dưng ngừng hẳn.

Lượng cây khô nằm trong lòng hồ chỉ có một số ít.

Đi một vòng phía sau nhà máy, nơi có Hói Trươi chảy dọc nhà máy, có nhiều ống cống thoát nước từ nhà máy chế biến gỗ TTĐ chảy ra Hói Trươi rồi chảy về đập Dâng, chúng tôi không ghi nhận bất kì một dòng nước nào lộ thiên chảy ra. Tuy nhiên, ở phía dưới một số miệng cống có sạt lở - dấu tích của dòng nước chảy nhưng không thể xác định là thoát nước thông thường hay nước xả thải. Dòng nước Hói Trươi không có gì bất thường, không có màu đỏ gạch như ở hồ đập Dâng. Phía chân cầu Hói Trươi, phần bê tông của đường dân sinh cũ có biểu hiện khác màu tuy nhiên không phải là màu đỏ gạch như ở đập Dâng.

Vậy, việc Công ty gỗ MDF TTĐ đã có hoạt động, có tạo ra nguồn nước thải hay không? Chúng tôi đã nỗ lực bí mật tiếp cận ghi hình từ ngoài tường bao phía sau nhà máy và bất ngờ phát hiện có một hồ gom nước thải có lót bạt chống thấm, phía góc trái gần (nhìn từ ngoài vào) có một ống nhựa khá to đang dẫn nước chảy vào bể lắng, nước màu đỏ đục.

Tuy nhiên, việc nguồn nước đỏ đục này có được xử lí đảm bảo trước khi xả ra môi trường, liệu các thành phần trong nguồn nước này có trong thành phần chính của nước của đập Dâng hay không hoặc nguồn nước này khi hòa vào nguồn nước từ đập chính Ngàn Trươi rồi xảy ra phản ứng hóa học tạo nên màu đỏ “bền vững” ở trong môi trường nước hay không? Những thắc mắc này cần được các cơ quan chức năng và các nhà khoa học trả lời khách quan, chính xác.

Tại vị trí hồ gom nước thải Thanh Thành Đạt, có một ống nhựa khá to đang dẫn nước chảy vào bể lắng, nước màu đỏ đục.

Để đảm bảo nhìn nhận khác quan và khẳng định lời của cán bộ Ban 4 về chất lượng nước lòng hồ, chúng tôi đã thuê thuyền của người dân đi khảo sát lòng hồ Ngàn Trươi phía trên đập chính. Đúng là nước bề mặt ở khu vực đập chính không có điều gì bất thường: Nước trong xanh, không có mùi hôi, bề mặt của đập chính, miệng cống Tuynel1 không có màu đỏ gạch bám như ở miệng phía hạ lưu. Trước đó, vị cán bộ Ban 4 cho biết, trong 2 ngày đóng cửa xả, mực nước đã dâng lên khoảng 10cm. Nghi ngờ có thể do mực nước dâng lút phần mảng bám màu vàng ở các công trình cố định ở mặt thân đập và cống xả, chúng tôi đã cố tình cho chân vịt tạo sóng nhấp nhô mạnh để tìm chứng cứ tuy nhiên vẫn không phát hiện bằng mắt thường sự khác biệt.

Chưa yên tâm, chúng tôi còn quan sát tỉ mỉ những vật tiếp xúc thường xuyên với nước lòng hồ đập chính như ca nô, xuồng máy, xuồng gỗ của người dân và bè nổi của Trạm kiểm lâm Hương Đại đều không có bất thường.

Một diễn biến khác, để xác định Công ty gỗ MDF TTĐ trong thời gian gần đây có tổ chức sản xuất hay không, ông N.H.T ở Thị trấn Vũ Quang hiến kế: “Việc công ty TTĐ có tổ chức sản xuất trong thời gian qua, chúng tôi không dám chắc chứ thỉnh thoảng thấy ống khói xả khói đen là có. Để xác định có sản xuất hay không thì cơ quan điều tra cứ thu thập chỉ số công tơ điện sản xuất của Công ty thì sẽ có đáp án”.

Một ống xả khỏi đen xịt ra ngoài môi trường tại Cty TTĐ trưa chiều 2/8.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới ô nhiễm bất thường tại đập Dâng thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang? Những chất nào tham gia vào quá trình phản ứng hóa học và xuất xứ từ đâu để tạo nên màu đỏ “bền vững” trong môi trường nước? Những câu hỏi lớn về sự bí ẩn hai phía chân đập chính thủy lợi Ngàn Trươi buộc các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và Bộ TN&MT phải sớm có câu trả lời để tránh gây hoang mang cho người dân và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trong thời gian gần nhất.

Tác giả: Quốc Hiệp - Mỹ Hoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP