Trong nước

Ồ ạt xây dựng nhằm trục lợi tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Các tỉnh tuyên bố xử nghiêm

Chính quyền địa phương nơi có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tăng cường kiểm tra, buộc tháo dỡ hàng trăm công trình vi phạm hành lang dự án

Mặc dù dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua các tỉnh miền Trung mới ở giai đoạn chuẩn bị khởi công nhưng tại nhiều địa phương thuộc phạm vi dự án, người dân tranh thủ xây dựng nhà, trồng cây trái phép... để trục lợi. Tình trạng này khiến việc phóng tuyến, cắm mốc công trình trọng điểm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình dài trên 126 km gồm 3 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 24.558 tỉ đồng. Khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bàn giao giai đoạn 1 mốc lộ giới đường cao tốc Bắc - Nam thì người dân ở địa phương này đã ồ ạt xây dựng đủ loại công trình để chờ... đền bù.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết tình trạng xây dựng đang diễn ra phức tạp, người dân trên địa bàn đã xây hàng chục công trình nhà tạm, hàng rào, chuồng trại... Huyện đã thành lập 2 tổ công tác xử lý sự việc. Một tổ tuyên truyền tại các xã có cao tốc đi qua, nhắc nhở người dân không xây dựng trái phép khi đất không được chuyển đổi; một tổ công tác xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm hành lang tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, hàng trăm hộ dân dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đã cho xây nhiều công trình giữa khu vực giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc Bắc - Nam. Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra, buộc tháo dỡ hàng trăm công trình vi phạm. Theo ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện đang lập biên bản xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để làm căn cứ khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Công trình xây dựng trái phép ở tỉnh Quảng Trị bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm. Ảnh: ĐỨC NGHĨA


Tại tỉnh Quảng Trị, tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025) đi qua địa bàn với chiều dài 32,53 km. Số hộ bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc này khoảng 464 hộ, kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến là 948 tỉ đồng. Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết trên địa bàn có 12 trường hợp người dân xây dựng trái phép nhằm đón đầu dự án, UBND các xã, thị trấn đã lập biên bản vi phạm.

Trong khi đó, huyện Vĩnh Linh đã lập đoàn kiểm tra, lập biên bản và xử lý những sai phạm trong quản lý đất đai. Tính riêng huyện này có trên 50 trường hợp xây dựng chuồng trại trái phép trên đất trồng cây cao su, cơi nới công trình trên diện tích đất nhà ở chưa xin phép hoặc trồng thêm cây trong phạm vi khảo sát dự án cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh. Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, lập biên bản và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo UBND tỉnh Bình Định, tổng diện tích đất dự án cần thu hồi để triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh này là 1.674 ha. Dự kiến, có 1.439 hộ dân bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư và di dời 2.910 ngôi mộ. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định: "Phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân đồng hành với nhà nước trong việc triển khai đường cao tốc Bắc - Nam. Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý ngay".

Không cấp phép tách thửa, xây dựng

Tại các xã Phổ Phong và Phổ Nhơn (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), có hơn 20 hộ gia đình trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: "Tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương có dự án đi qua tuyệt đối không để xảy ra việc tách thửa, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, trồng cây trái phép nhằm trục lợi từ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Địa phương nào để xảy ra vi phạm về tách thửa, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, trồng cây trái phép thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm".

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng yêu cầu người đứng đầu các huyện, xã có đường cao tốc đi qua phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng xây dựng trái phép chờ đền bù.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc không tiếp nhận hồ sơ, không thực hiện thủ tục tách thửa đất, chuyển quyền sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc phạm vi khu vực phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Tại tỉnh Bình Định, UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tạm dừng thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Cụ thể, tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; mua bán nhà, công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối hoa màu gắn liền với đất... và không cấp phép chia tách, nhập thửa đất, quy hoạch xây dựng các công trình, dự án.

Làm mộ giả để "đón dự án"

Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng Công an xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết khi biết tin đường cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua địa bàn xã Nghĩa Kỳ, nhiều hộ dân tại xã này đã trồng cây, xây nhà, xây các công trình dân dụng; thậm chí có nhiều trường hợp còn làm mộ giả để "đón" dự án, chờ đền bù.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP