Nông Thôn Hà Tĩnh

Nuôi Đà Điểu mô hình mới ở xã Kỳ Lạc

Phát huy tiềm năng lợi thế của 1 xã miền núi huyện Kỳ Anh, những người nông dân ở xã Kỳ Lạc đã mạnh dạn, năng động đi tìm những hướng đi mới trong phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân nơi đây bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi đà điểu và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm để triển khai mô hình này. Nếu thành công mô hình nuôi Đà điểu sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây trong phát triển kinh tế.

Bước vào hành trình nuôi đà điểu
Sau khi tham gia lớp tập huấn Nông thôn mới do Văn phòng Điều phối Nông thôn  mới tỉnh tổ chức, một số hộ nông dân ở xã Kỳ Lạc đã lên tận Hợp tác xã Tây Sơn, huyện Hương Sơn để tham quan mô hình nuôi Đà điểu. Sau khi đi tham quan, các hộ dân ở các thôn , xóm đã có ý tưởng để xây dựng mô hình nuôi Đà điểu nên  đã liên kết với nhau thành Tổ hợp tác chăn nuôi Đà điểu.
hatinh
Mô hình nuôi Đà điểu của gia đình anh Thế.
Đi đầu trong  chăn nuôi đà điểu đó là gia đình ông Lê Ngọc Thế ở thôn Lạc Vinh. Để xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm, ông đã mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng để mua con giống và xây dựng chuồng trại. Ông Lê Ngọc Thế cho biết;  “ Sau 3 tháng đưa về nuôi thử nghiệm cho thấy; Ông thấy  Đà điểu là giống dễ nuôi, ăn tạp , chóng lớn, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 35 -40 kg. Nếu chăn nuôi theo đúng quy trình, sau 12 tháng, bình quân mỗi con đà điểu sẽ phát triển tới 1 tạ. Với giá bình quân bán ra thị trường từ 70-90 ngàn đồng1/kg do Hợp tác xã Tây Sơn ở huyện Hương Sơn sẽ bao tiêu sản phẩm. Tôi cho rằng; Mô hình nuôi đà điểu chắc chắn sẽ thành công. Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở đây đang tiếp tục xây dựng mô hình nuôi để nhân rộng mô hình từ 10 -15 con/1 hộ”.  Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn, thì chi phí nuôi Đà điểu không tốn kém như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc…. Theo anh Thế, nuôi Đà điểu từ 6 – 8 tháng là có thể xuất bán ra thị trường.
Hy vọng vào một hướng đi đúng
Mô hình nuôi Đà điểu được bà con nhân dân xã Kỳ Lạc triển khai từ cuối năm 2015, bình quân mỗi hộ gia đình nuôi với quy mô từ 7- 10 con.  Hiện trên địa bàn xã Kỳ Lạc đã có nhiều  hộ nuôi  Đà điểu với quy mô còn nhỏ. Nhận thấy mô hình chăn nuôi đà điểu là hướng đi mới, triển vọng, phù hợp với địa hình vùng núi, ông Nguyễn Trung Tuần, thôn  Lạc Trung  đã  quyết tâm sẽ mở rộng mô hình. Ông cho biết; “ Với số vốn ban đầu ông bỏ ra là 37,4 triệu đồng. Trong đó, một con đà điểu con mua với giá 2,8 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, Đà điểu đã đạt trọng lượng từ 35- 40kg/con”. Đến nay, đàn Đà điểu của gia đình ông Tuần đang phát triển. Theo anh Tuần, Đà điểu là vật nuôi có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết và quy trình chăm sóc cũng tương đối đơn giản.  Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về thịt đà điểu lại rất lớn. Ước tính cuối năm nay, gia đình anh Tuần sẽ thu khoảng trên 60 triệu đồng từ tiền bán  Đà điểu thương phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi Đà điểu được ông Tuần thiết kế khá đơn giản. Ngoài một lán dựng bằng gỗ có lợp ngói proxi-măng là khu vực chăn thả tương đối rộng rãi được rào chắc chắn bằng hệ thống cọc tre cao khoảng 1,5 – 2 m kết hợp với lưới các loại vì khi phát triển đến khoảng 30 kg là chủ yếu đà điểu chỉ chạy nhảy ngoài trời. Theo kinh nghiệm của ông Tuần, do là loại động vật hoang dã mới được thuần chủng nên thời gian đầu, Đà điểu con khá nhát. Hơn nữa, công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông chỉ dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn Đà điểu. Mặt khác, Đà điểu là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, có khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch.

Mô hình nuôi Đà điểu ở Kỳ Lạc.

Mô hình nuôi Đà điểu ở Kỳ Lạc.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi đà điểu, chị Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân Kỳ Lạc cho biết: ” Với địa hình phù hợp, nhất là về đất đai và nguồn thức ăn, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức tới người dân,  từ đó giúp người dân có thêm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi Đà điểu ”.
Có thể thấy, đây là mô hình nuôi Đà điểu mới trên đất Kỳ Anh đầy triển vọng. Tuy nhiên, để  Đà điểu phát triển lâu dài và bền vững thì cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho Đà điểu phát triển với quy mô lớn hơn, mở ra hướng làm giàu mới cho những hộ dân nơi đây, đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn./.

Tác giả bài viết: Mạnh Hải, Hoàng Hạnh, Trung Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP