Thạch Hà

Nước mắt mẹ cha

Nước mắt người cha của bị cáo chảy một thì nước mắt người mẹ của người bị hại chảy mười. Những giọt nước mắt đều vì con, nhưng ở hai hoàn cảnh khác nhau…


Con bị đâm chết mà TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên án thiếu sức thuyết phục (cha mẹ của người bị hại). Thương con mới 16 tuổi mà nhận mức án 9 năm tù thì quá nặng (cha mẹ của bị cáo). Đó là hai lý do để hai bên kháng án và tòa phúc thẩm (TAND tối cao tại Hà Nội) đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Công D. tại trụ sở TAND tỉnh Hà Tĩnh ngày 29-12-2008.


Lời thú tội muộn


Đã lâu lắm rồi mới có cảnh người đứng chen chân chật các cửa ra vào của phòng xét xử như thế. Phần đông người tham dự là họ hàng, làng xóm, học sinh và thầy cô của người bị hại. Thậm chí khi nghe tin có phiên tòa phúc thẩm, xét xử lại vụ đâm chết một em học sinh, những bà bán nước trên vỉa hè, ông đi xe thồ ở ngã tư đường cũng đến nghe. Tất cả chỉ mong có một bản án công minh, răn đe bọn trẻ.


Lúc 12 giờ ngày 8-3-2008, Nguyễn Công D. giắt dao găm và côn gỗ trong người, rủ một nhóm bạn đến Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Hà Tĩnh) tìm Nguyễn T. Q., học sinh lớp 11, để giải quyết vụ mâu thuẫn giữa D. và Q. trước đó một tháng. Sau khi xô xát, D. đã dùng dao đâm hai nhát làm Q. tử vong do đứt động mạnh chủ và chảy nhiều máu.


Là con nhà nghèo ở xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh), D. vẫn được cha mẹ cho đi học, tuy nhiên D. đã hai lần thi trượt vào lớp 10. Khi tòa hỏi: “Nói về tuổi của bị cáo phải là học lớp 12. Sao bị cáo không chuyên tâm học hành mà cầm dao đi đâm người ?”. D. trả lời : “Bị cáo có cố cũng không học được. Còn chuyện bị cáo đâm Q. chết là do Q. xông vào đấm đá trước, bị cáo mới rút dao ra phòng vệ, không may lại xảy ra…”. “Thế bị cáo đưa dao, côn vào trường tìm Q. để đánh nhau, sao lại nói là dao phòng vệ?” chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi, D. chỉ biết ngơ ngác nhìn.


Rõ ràng sự xô xát của bị cáo với người bị hại trước đó tại quán Internet không có thương tích. Sao bị cáo lại có hành động côn đồ cầm dao, côn, rủ bạn bè đến trường học của bị hại để uy hiếp? Đây là một hành động trả thù có tổ chức, nếu không được răn đe bằng pháp luật sẽ dẫn đến nạn bạo lực ở giới trẻ… Tòa đã đưa ra nhiều phân tích, mổ xẻ nhằm làm cho D. nhận ra những hành vi phạm tội của mình.


Biết tội của mình rất lớn, D. chỉ biết cúi đầu nghe. Lâu lâu D. quay đầu về phía sau, với một ánh mắt buồn bã nhìn mẹ của Q. đang ngồi ôm di ảnh đứa con. Những lời nhận tội muộn màng của D. tại tòa đã không thể cứu vãn được gì.


Đau lòng vì con


Con trai mình bị đâm chết đã là một vết thương lòng đau lắm rồi, vậy mà khi nghe tòa tuyên án sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thu, mẹ nạn nhân, càng đau lòng hơn. Theo bà, một hành vi cố ý giết người sao tòa chỉ kết tội 9 năm tù?


Người cha của nạn nhân ngồi bên ngọn đèn leo lét viết đơn kháng án. Ông nói: “Từ ngày con trai bị đâm chết, hai vợ chồng tui đã hao tâm khổ tứ ngày đêm. Tưởng phiên tòa sơ thẩm ngày 29-9-2008 trả lại sự công bằng. Ai ngờ ngoài kết án 9 năm tù, tòa chỉ yêu cầu bồi thường mai táng phí và tiền tổn thất tinh thần là 35 triệu. Quá oan cho con tui”.


Gia đình bị cáo thì có một nỗi buồn lo khác. Tôi tìm đến xã Thạch Đài mới biết cha mẹ bị cáo là người lam lũ làm nông như vợ chồng bà Thu. Vì con gây ra án mạng, bao nhiêu tài sản có giá trị nhất trong nhà ông đều bán để lo mai táng phí. “Con nó đã gây ra cơ sự như ngày hôm nay đều do người làm cha như tui không dạy con tử tế. Thấy người ta khóc con, tui cũng tủi nhục khóc theo vì sinh ra một đứa nghịch tử như vậy. Tui thành thật xin lỗi gia đình người bị hại. Và tui cũng làm đơn kháng án chỉ mong tòa giảm án cho con”, ông Nguyễn Công Bình nói mà nước mắt cứ chảy.


Hôm xét xử, bà Thu ôm di ảnh con trai bên mình khóc. Vì quá thương con nên nhiều lần bà đã gào lên đòi trả con lại cho bà. Chủ tọa chỉ về phía người mẹ đang vật vã khóc thương con, hỏi bị cáo D.: “Bị cáo khi cầm dao đâm có nghĩ tới việc làm của mình làm cho mẹ con chia lìa nhau không?”. D. chỉ biết im lặng, rồi nhìn người cha của mình đang lấm lem bùn ở chân trả lời: “Vụ án giết người là do bị cáo gây ra, tòa tuyên án như thế nào thì bị cáo nhận như thế đó. Bị cáo chỉ mong tòa đừng tăng tiền phạt mà tội cho cha mẹ bị cáo”.


Bước vào phần tuyên án, chủ tọa phiên tòa đã tuyên sửa án sơ thẩm, phạt bị cáo D. 13 năm tù và buộc gia đình bị cáo phải bồi thường mai táng phí và tiền tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân 47 triệu đồng.


Sau khi kết thúc phiên tòa, ông Bình mới lủi thủi đến gần con. Từ khi đến tòa, ông chỉ ngồi một mình, không dám nhìn ai. Khi D. bị giải về trại giam, ông Bình chỉ dặn: “Từ rày nhà ta sẽ rất khó khăn, cha mẹ sẽ thưa đến thăm con đó. Con cố giữ gìn sức khỏe trong thời gian cải tạo”.


VĂN ĐỊNH

TT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP