Nông Thôn Hà Tĩnh

Nước mắt làng chè!: thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2

22 ha chè và hơn 30 ha mía tại thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) bị hư hỏng do bão số 11, thiệt hại ước tính gần 4,6 tỷ đồng. Vị ngọt của mía, vị chát của chè giờ đây hòa quyện với những giọt nước mắt mặn đắng. Thiệt hại do thiên nhiên giáng xuống là một nhẽ, nhưng việc triển khai một công trình thiếu đồng bộ, gây hậu quả khôn lường cho người dân địa phương không biết kéo dài đến bao giờ…

Lũ cuốn làng chè

“Mất sạch rồi, không còn gì nữa! Bình thường, mỗi tháng thu nhập của gia đình từ 10-15 triệu đồng từ 1,1 ha chè, giờ đây, 4 miệng ăn không biết lấy gì mà sống” – chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại thôn Tiền Phong thảng thốt.

Nước mắt làng chè!
Một đoạn đường bị nước lũ cuốn trôi, lấp diện tích trồng chè.

Sau bão số 10 (30/9), chị Hoa đã tìm mọi cách “tiếp sức” cày, xới để “sưởi ấm” những cây chè, nhưng bão số 11 kèm theo mưa lớn, khiến công sức của chị “trôi sông, trôi biển”.

Anh Nguyễn Thế Công – hàng xóm của chị Hoa cũng lâm vào cảnh “dở khóc, dở mếu”. 0,7 ha chè xanh tốt ngày nào, giờ phần dưới gốc bị thâm đen – hậu quả của việc ngâm nước quá lâu nên cây không thể “đâm chồi, nảy lộc”.

Anh Công chỉ tay về phía “con đê” sừng sững chắn ngang đồi chè nói: Nguyên nhân là do con đường cứu hộ này chắn ngang, khi nước đổ về không chảy loang trên mặt đồi chè được nên thoát lũ chậm, gây ngập úng”.

Bầu không khí nặng nề bao trùm lên 71 hộ trồng chè, 50 hộ trồng mía thuộc thôn Tiền Phong. Toàn bộ 200 ha chè trên địa bàn huyện Hương Sơn đã được giao khoán cho người dân. Tai họa do thiên nhiên giáng xuống không chỉ làm cho các hộ trồng chè lâm vào cảnh bế tắc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất chè xuất khẩu của Xí nghiệp Chè Tây Sơn.

Nước mắt làng chè!
Phó Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn – Lê Ngọc Quỳnh: “Sau 24 tiếng ngâm nước, chè, mía không chết mới lạ”

Phó Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn – Lê Ngọc Quỳnh nhẩm tính sơ bộ: Hiện toàn bộ diện tích chè (22 ha) tại xóm Tiền Phong bị hỏng trên 70%, ước tính thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng. Hơn 30 ha mía chuẩn bị thu hoạch cũng bị thối, mức độ thiệt hại lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Bởi vậy, kế hoạch đặt ra từ đầu năm của Xí nghiệp là 1.300 tấn chè búp tươi không thể thực hiện được. Năm 2014 và những năm tiếp theo, hy vọng về vùng nguyên liệu có trữ lượng 20 tấn/ha bị tiêu tan. Thế nên “chúng tôi chỉ dám đặt kế hoạch trong năm 2014 là 1.000 tấn”.

Không chỉ bởi thiên tai

Người dân cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng kéo dài xuất phát từ việc triển khai dang dở đường cứu hộ, cứu nạn (CHCN) tại vùng sản xuất nguyên liệu chè và mía. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường CHCN kéo dài từ km 43 (khu tái định cư xã Tây Sơn) đến km 60 xã Sơn Kim do Tập đoàn Xuân Thành làm tổng thầu giai đoạn 1 đến năm 2015 có chiều dài 11 km với tổng kinh phí 400 tỷ đồng. Tuyến đường đang được thi công dài 1,6 km chạy qua vùng chè của thôn Tiền Phong. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên các hạng mục cầu, cống không được thi công đồng bộ, dẫn đến con đường trở thành một bờ đê chắn ngang dòng nước.

Nước mắt làng chè!
Những chiếc cống bé tí không đảm bảo chức năng thoát lũ

Dẫn chúng tôi “thị sát” tuyến đường, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn – Lê Ngọc Quỳnh phân tích: Có lẽ khi thiết kế, nhà thầu không tính đến lưu lượng thoát lũ. Trước khi có con đường này, nước từ thượng nguồn (sông Chè) chảy qua các con sông, lạch đổ về hạ nguồn. Khi xảy ra mưa lũ, mực nước dâng cao thì chảy tràn qua những đồi chè rồi đổ về sông Ngàn Phố, tối đa chỉ 1-2 tiếng là… thoát sạch. Nay “con đê” rộng 11m, cao 2-3m xuất hiện đã ngăn không cho nước chảy tràn mà chỉ chảy theo các sông, lạch nên không thoát nhanh được và vô hình trung biến hơn 50 ha chè và mía trở thành những “túi”… đựng nước.

Và thực tế, việc con đường CHCN chắn ngang dòng nước, không kịp thoát lũ bởi trên tuyến chỉ có 2 hệ thống cống bé tí và 1 chiếc cầu. Trong đợt lũ vừa qua, dòng nước đã cuốn trôi cây cầu, một hệ thống cống thì bị tắc, còn một hệ thống cống thì nước xoáy vỡ cả một đoạn đường ngay gần đó.

“Trước khi bão số 10 đổ bộ, ngày 22/9, Xí nghiệp đã có Công văn số 150 đề nghị BQL Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có phương án thoát lũ, nhưng không thấy họ (BQL) hồi âm. Hơn thế, “khi triển khai xây dựng tuyến đường này, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nguyên liệu nhưng chẳng mấy ai bận tâm” – ông Quỳnh cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, Phó BQL Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Hoàng Thanh Tùng phân trần: “Lỗi là do ở… thiên tai. Không thể ví von đoạn đường CHCN đang làm là “con đê” ngăn nước được vì mặt cắt của con đường chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể so với vùng diện tích rộng lớn”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn – Võ Văn Phúc lại khẳng định: “Thi công công trình thiếu đồng bộ chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ứ nước. Lẽ ra, cùng với làm đường phải tiến hành làm cầu để thoát lũ, nếu không nước sẽ bị ứ đọng. Sau khi khảo sát toàn bộ hiện trường, chúng tôi yêu cầu lắp đặt thêm nhiều cống thoát lũ”.

Lời kết

Xác định nguyên nhân là nhiệm vụ của các cấp, ngành để ngăn chặn tình trạng ngập úng nếu mưa bão tiếp tục xảy ra nhằm cứu vãn những diện tích còn lại. Trong nỗ lực của mình, ngày 7/11, UBND huyện Hương Sơn đã có Công văn số 664 đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét và giải quyết hỗ trợ phần diện tích chè và mía bị thiệt hại. Đó là một việc làm cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, những cây chè liệu có “đứng dậy” được khi bị ngâm lâu trong nước?

Hiện, những giọt nước mắt của người dân vẫn mặn chát nhỏ xuống với lời thỉnh cầu cho cây chè sớm hồi sinh!

Hoài Nam – Thăng Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP