Kinh tế

Nông nghiệp những tháng đầu năm: Cánh én báo tin vui!

Nông nghiệp đã có bước “chạy đà” hết sức ấn tượng với mức tăng trưởng GDP toàn ngành quý I/2018 đạt 4,05%, cao nhất 13 năm qua. Đây có thể xem là cánh én đầu Xuân mang tín hiệu lạc quan cho toàn ngành tiếp tục cất cánh, hướng tới mục tiêu tăng GDP từ 2,9 đến 3,05% cho cả năm 2018.

Trồng trọt tăng cao nhất từ năm 2011

Trong khu vực vực nông, lâm thủy sản, quý I/2018, riêng ngành trồng trọt tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 đến nay (năm 2011 là năm ngành trồng trọt có mức tăng cao nhất trong quý I, với mức tăng 3,65%).

Trồng trọt, đặc biệt XK gạo góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp những tháng đầu năm 2018

Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành trồng trọt theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của ngành rau quả. Bên cạnh đó, SX lúa gạo cũng đang có sự dịch chuyển quan trọng, khi giá gạo XK đang có những dấu hiệu cải thiện trong thời gian dài vừa qua.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ước sản lượng lúa ĐX 2017 - 2018 toàn vùng đạt trên 10,7 triệu tấn, tăng hơn 1,1 triệu tấn so với ĐX 2016 - 2017. Theo đánh giá, đây là vụ ĐX có năng suất lúa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, với mức bình quân của toàn vùng ước đạt 67,01 tạ/ha, tăng 4,54 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2016. Không chỉ tăng mạnh về năng suất và sản lượng, giá gạo XK tại vựa lúa ĐBSCL ở vụ ĐX năm 2018 tiếp tục ghi nhận những khởi sắc, với mức tăng trung bình từ 700 - 1.000 đồng/kg (tùy từng loại lúa), giúp nông dân có lợi nhuận khoảng 22 - 26 triệu đồng/ha, cao hơn 10 - 12 triệu đồng/ha so với vụ ĐX trước và cơ bản đạt mức lãi trên 30%.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường lúa gạo thế giới, xu hướng đưa các giống lúa chất lượng cao, nhất là giống lúa có xác nhận vào SX, đẩy mạnh các giải pháp thâm canh cũng là yếu tố giúp SX lúa gạo của nước ta đang ngày càng đi vào đúng guồng của thị trường lúa gạo thế giới (năm 2017, trong cơ cấu gạo XK, đã có 81% là gạo chất lượng cao). Dự báo, sản lượng gạo XK năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,5 triệu tấn (so với mức khoảng 6 triệu tấn năm 2017).

Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, điều ước đạt 201 nghìn tấn, tăng 30%; hồ tiêu ước đạt 76,3 nghìn tấn, tăng 9,8%; xoài ước đạt 194,8 nghìn tấn, tăng 6,9%; cam, quýt ước đạt 284 nghìn tấn, tăng 4%… Đặc biệt, năm nay nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu chưa từng thấy. Hiện Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ ngành và địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp ổn định tiêu thụ cho cây ăn quả ở phía Bắc.

Rau quả tiếp tục đà bứt phá về XK

Từ đầu năm 2018 đến nay, chăn nuôi là lĩnh vực duy nhất gặp khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng để lại từ năm 2017, trong đó riêng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 1,2% trong quý I/2018. Mặc dù vậy sau thời gian dài không tăng giá, tín hiệu vui là trong tháng 4/2018, giá lợn hơi trên cả nước đã bắt đầu khởi sắc trở lại, đạt bình quân trên 40.000 đồng/kg.

Không chỉ tăng mạnh về SX trong nước, việc XK nhiều sản phẩm của ngành trồng trọt tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm hàng rau quả. Tính đến ngày 15/4/2018, kim ngạch XK mặt hàng rau quả của Việt Nam đã cán mốc gần 1,15 tỉ USD, đứng thứ 4 trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản XK, đồng thời là một trong 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch XK vượt 1 tỉ USD tính đến giữa tháng 4/2018 (cùng với gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và cà phê). Riêng quý I/2018, kim ngạch XK rau quả đã đạt 950 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ.

Lâm nghiệp, thủy sản vững tiến

Những tháng đầu năm 2018, hai lĩnh vực SX chủ chốt là thủy sản và lâm nghiệp, trong đó thủy sản mặc dù gặp không ít khó khăn, song vẫn đảm bảo được sự ổn định trong cả SX và XK.

Tính riêng quý I/2018, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8%. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều khả năng trong quý III/2018, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT về XK gỗ giữa Việt Nam và EU sẽ được ký kết. Đây sẽ có cơ hội rất thuận lợi để các sản phẩm gỗ của Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường này.

Đối với SX, 3 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 29,1 nghìn ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương tăng cao như Phú Thọ (tăng 29,8%); Hà Tĩnh đạt (tăng 24,9%). Sản lượng gỗ khai thác 3 tháng đầu năm đạt 1.928 nghìn m3, tăng 7,8%, trong đó một số địa phương tăng mạnh như Yên Bái (tăng 29,1%); Nghệ An (tăng 18,5%)... Công tác quản lí, bảo vệ rừng tiếp tục có chuyển biến tích cực với diện tích rừng thiệt hại trong 3 tháng đầu năm là 194,5ha, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước...

Với thủy sản, mặc dù phải tập trung cho việc triển khai các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản đánh bắt, tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn tiếp tục giữ được sự ổn định cả về SX lẫn XK. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I/2018 ước tính đạt 610,8 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 441,8 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 93,7 nghìn tấn, tăng 7,9%. Nuôi cá tra mặc dù thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của chính sách áp dụng mức thuế chống bán phá giá rất cao của Chính phủ Hoa Kỳ đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên nhìn chung, giá cá tra trong nước vẫn đang liên tục ở mức cao, người nuôi đang có lãi.

Theo đó, diện tích nuôi cá tra công nghiệp quý I/2018 ước tính đạt 3,9 nghìn ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đạt 222,2 nghìn tấn, tăng 5,7%. Nuôi tôm nước lợ trong những tháng đầu năm cũng đạt khá do điều kiện thời tiết có nhiều thuận lợi, giá tôm tương đối ổn định, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đang phát triển. Sản lượng tôm sú quý I ước tính đạt 41,2 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 40,9 nghìn tấn, tăng 9,1%... Với mục tiêu cán mốc kim ngạch XK 10 tỉ USD trong năm 2018, thủy sản hoàn toàn vẫn có cơ hội đạt được chỉ tiêu khi kim ngạch XK quý I/2018 đã đạt 1,7 tỷ USD (tăng 11,2%).

Với tình hình tăng trưởng rất khả quan những tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hiện Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch, giải pháp cũng như chương trình hành động cụ thể phát triển nông nghiệp - nông thôn trong năm 2018.

Theo đó, Bộ NN-PTNT tự tin và có cơ sở khi đặt mục tiêu đạt hoặc cao hơn đối với một số chỉ tiêu so với Chính phủ giao.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị SX toàn ngành phấn đấu đạt từ 3 - 3,25% (so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ 2,8 - 2,9%), trong đó trồng trọt tăng khoảng 2,5%, chăn nuôi 2,3%, thủy sản 5,29% và lâm nghiệp khoảng 6%; kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt 40,5 - 41 tỉ USD (so với 38-39 tỉ USD được giao).

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định Bộ NN-PTNT đã đề ra 7 giải pháp căn cơ, chi tiết, có tính khả thi cao, trong đó, giải pháp về thị trường nông sản, đẩy mạnh XK đã được xác định là giải pháp ưu tiên nhất của toàn ngành trong năm 2018.

Mặc dù vậy, với một lĩnh vực có nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, quãng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 sẽ còn vô vàn những khó khăn đang chờ đón ngành nông nghiệp.

Những tháng “trời yên biển lặng” sắp kết thúc, mùa mưa bão trên cả nước đã bắt đầu. Ngay trong tháng 3/2018, trận mưa đá kèm gió lốc quét qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây những thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp và tài sản. Bên cạnh mối lo về thiên tai, nhiều loại nông sản, thủy sản Việt Nam đang ngày càng chịu những rào cản lớn hơn từ các thị trường XK. Đây là những thách thức lớn mà toàn ngành phải nỗ lực hết sức để nhắm tới mục tiêu đã đề ra.

Tác giả: Lê Bền

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP