Video

Nông dân miền Tây mua nước mặn nuôi tôm

Độ mặn không đáp ứng được điều kiện sống của con tôm, nhiều nông dân ở Bạc Liêu mua nước mặn từ nơi khác về pha loãng với nước trong ao.

Theo lịch thời vụ, hàng chục ha đất nuôi tôm ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) kết thúc vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, đến nay diện tích thả giống nuôi của huyện chỉ đạt khoảng 50% do không đủ nguồn nước mặn để sản xuất.

Bà con nông dân cho biết, ở các năm trước, nước mặn về sớm nên người nuôi tôm quảng canh ở địa phương rất thuận lợi sản xuất. Riêng năm nay đã bước sang tháng 3, nhưng độ mặn ở một số tuyến sông trên địa bàn huyện chỉ đạt khoảng một phần nghìn.

"Để kịp ươm tôm giống, tôi phải mua hơn 20 khối nước mặn, giá 1,5 triệu đồng về pha loãng vưới nước trong ao nhằm đảm bảo đủ điều kiện cho con tôm sống được", ông Nguyễn Hữu Trí (ở xã Ninh Hòa) nói.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đã trễ lịch thời vụ, nhưng huyện còn khoảng 10.000 ha đất nuôi tôm chưa thả giống.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, cho biết khó khăn hiện tại là khi lấy nước vào sâu, nước mặn sẽ theo tuyến kênh Phụng Hiệp xâm nhập vào vùng ngọt của tỉnh Sóc Trăng.

"Trước cái khó của bà con, chúng tôi đã chỉ đạo mở một số tuyến cống đưa nước mặn vào, độ mặn hiện có tăng trên 4 phần nghìn", ông Ẩn nói.

Theo ngành thủy lợi tỉnh, diện tích nuôi tôm của huyện Hồng Dân năm nào cũng gặp khó khăn vì thiếu mặn do nằm ở phía Bắc, giáp với vùng ngọt của tỉnh Hậu Giang.

Ngành nông nghiệp hy vọng, việc này sẽ được cải thiện khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho xây dựng âu thuyền Ninh Quới để điều tiết hai nguồn mặn - ngọt phục vụ cho việc sản xuất của người dân hai vùng.

Tác giả: Phúc Hưng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP