Xã hội

Nông dân huyện nghèo Kỳ Anh tận thu rừng trồng sau bão

Bão số 10 đi qua đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng trồng của người dân vùng tây Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau những ngày đầu tất bật với việc sửa chữa nhà cửa, ổn định lại cuộc sống gia đình, người dân huyện nghèo Kỳ Anh đang cố gắng vớt vát lại chút thành quả mồ hôi nước mắt đã đổ ra hàng mấy năm trời trên những cánh rừng nguyên liệu.

Người dân huyện nghèo Kỳ Anh đang cố gắng vớt vát lại chút thành quả mồ hôi nước mắt đã đổ ra hàng mấy năm trời trên những cánh rừng nguyên liệu.

Từ hơn chục năm nay, nghề trồng rừng đã mang lại thu nhập, giúp thoát nghèo cho người dân các xã vùng tây Kỳ Anh. Toàn huyện Kỳ Anh có 26.000 ha rừng trồng đã thành rừng với hơn 300 ha rừng trồng lâu năm đến kỳ thu hoạch. Nhờ trồng rừng mà đời sống người dân từng bước được nâng lên, phong trào phát triển kinh tế rừng đã và đang lan tỏa, đem lại kết quả khả quan. Những cánh rừng mang trong mình hy vọng đổi đời cho người dân vùng tây Kỳ Anh giờ đây đã bị mất trắng sau cơn bão số 10.

Dọc theo con đường nhựa nối từ trung tâm huyện lên các xã vùng tây mới chỉ cách đây một tuần là một màu xanh ngút mắt của những cánh rừng thông, keo, tràm. Thế nhưng, chỉ sau một ngày đêm bị xé tan bởi những cơn gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, toàn bộ số rừng trồng đều bị gãy đổ ngan ngát. Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Anh, số diện tích rừng bị thiệt hại lên đến gần 90% (hơn 20.000 ha). Có những địa phương, rừng gần như bị xóa sổ như: Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp Phan Văn Duẫn: Toàn xã có 930 ha cây lâm nghiệp (keo, tràm, dó, trầm) thì đã có gần 80% bị ảnh hưởng, trong đó có ½ cây đã đến tuổi thu hoạch. Cây đã 4-5 năm tuổi, đến kỳ thu hoạch thì bị bẻ ngang, đổ sạp; số cây con mới trồng một vài năm tuổi cũng bị tuốt trọc từ lá xuống vỏ cây, rất khó khôi phục. Kinh tế rừng chiếm 70% tổng nguồn thu của địa phương, bởi vậy, mất mát này sẽ kéo lùi nền kinh tế Kỳ Hợp khoảng 5-10 năm.

Tương tự, xã Kỳ Lạc có hơn 4.500 ha rừng trồng, trong đó có 778 ha trồng cao-su, tràm và 2.700 ha trồng cây nguyên liệu. Trung bình mỗi năm toàn xã khai thác được gần 1.500 m3 gỗ keo, tràm, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Cơn bão số 10 vừa qua khiến hàng nghìn ha rừng của xã bị xóa sổ, người dân trồng rừng Kỳ Lạc lâm vào cảnh lao đao. Hơn 1.700 ha rừng trồng nguyên liệu trong độ tuổi thu hoạch và 1.200 ha rừng trồng từ 1-2 năm tuổi bị thiệt hại hoàn toàn.

Đứng trước cánh rừng bị gãy đổ của nhà mình, anh Nguyễn Văn Hoàn (thôn Lạc Sơn, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh) không khỏi chua xót: Mất hết sạch rồi! Vườn cây này cũng bị đánh đổ bởi trận bão năm 2013, sau bốn năm, gia đình tôi vừa mới khôi phục lại, chuẩn bị thu hoạch thì giờ tan tành hết rồi! Số tiền nợ ngân hàng vừa vay vốn để đầu tư lứa tràm này đang chờ thu hoạch để trả, giờ mất sạch không biết nhà tôi lấy gì để trả đây!

Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàn có hơn 4 ha keo tràm, trong đó 1 ha cây đang trong thời điểm phát triển từ 2 đến 3,5 tuổi và 3 ha cây mới trồng được một năm. Với diện tích như vậy, ước tính mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ rừng khoảng từ 170 đến 180 triệu đồng, thế nhưng bão đã cuốn đi tất cả. Hiện tại, vợ chồng anh đang thuê mướn công nhân, hàng xóm đến dọn dẹp “đống củi khô” để chuẩn bị trồng lứa mới. Anh Hoàn tâm sự: Thôi thì cố vớt vát 1 ha tràm 3 năm đã gãy đổ xem có bán được không, còn 3 ha tràm 1 tuổi này thì coi như đống củi khô, cho cũng không ai lấy rồi.

Sau những ngày đầu tất bật với việc sửa chữa nhà cửa, ổn định lại cuộc sống gia đình, người dân vùng tây Kỳ Anh đang cố gắng vớt vát lại chút thành quả mồ hôi nước mắt đã đổ ra hàng mấy năm trời trên những cánh rừng nguyên liệu. Ông Nguyễn Thái Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc bày tỏ lo lắng: Khó khăn nhất là vấn đề thu mua gỗ sau bão cho người dân vì không có thương lái đến mua. Bão làm nhiều cây đến độ tuổi thu hoạch bị gãy đôi, gãy ba, khô quắt vỏ nên sẽ khó bán hơn. Cứ đà này, không khéo hàng nghìn khối gỗ phải làm củi.

Trước những khó khăn, mất mát của bà con trồng rừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành văn bản số 5897/UBND-KT1 về việc thu mua nguyên liệu rừng trồng bị gãy đổ do cơn bão số 10. Theo đó, để chung tay cùng người dân vùng bị ảnh hưởng khắc phục thiệt hại do bão gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ, gỗ rừng trồng tập trung, huy động các nguồn lực tổ chức thu mua nguyên liệu từ gỗ rừng trồng bị gãy đổ của người dân do ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 gây ra với số lượng lớn nhất có thể, bảo đảm giá cả hợp lý nhất và hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Kỳ Anh. Đặc biệt là hơn 20.000 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ trên địa bàn, ước tính thiệt hại lên đến hơn 800 tỷ đồng. Sau khi bão đi qua, để kịp thời tiêu thụ sản phẩm cho bà con, cấp ủy chính quyền huyện Kỳ Anh đã tiến hành tập trung chỉ đạo, phối hợp các nhà máy khắc phục các xưởng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Huyện Kỳ Anh cũng tiến hành sửa chữa các tuyến đường vào vùng nguyên liệu bị hư hỏng để nhân dân khai thác và vận chuyển nguyên liệu đi tiêu thụ được thuận tiện; quản lý tốt giá cả để bảo đảm giá thu mua, vận chuyển được ổn định, tránh thiệt thòi cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc chia sẻ với người dân lúc khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn đã cam kết thu mua triệt để keo tràm, không ép giá.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Phạm Văn Dũng cho biết thêm: Sau bão số 10, bản thân Nhà máy chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu Kỳ Anh (trực thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt) cũng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, khi bão xong, Công ty đã cử ngay đoàn kỹ thuật vào khắc phục để nhà máy nhanh chóng trở lại hoạt động.

Sau khi được điện lực cấp điện trở lại, nhà máy tại Kỳ Anh đã tiến hành xay gỗ từ sáng 20-9. Chỉ sau một ngày, công ty đã thu mua của bà con hơn 1.000 tấn gỗ nguyên liệu. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu Kỳ Anh cho biết: Thực hiện quán triệt của công ty là sẽ thu mua triệt để, không xuống giá để người dân vớt vát sau những thiệt hại quá lớn. Nhà máy sẽ cố gắng sản xuất hết công suất, phục vụ ba ca, 24/24 giờ để xuất kịp thời thành phẩm, lấy bãi chứa nguyên liệu tiếp tục sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.

Tác giả: NGÔ TUẤN

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP