Kinh tế

Nông dân Hà Tĩnh bán tôm non chạy đua với bão Côn Sơn

Dù một số hồ tôm chưa đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều người nuôi tôm ở Hà Tĩnh phải bán non để nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão.

Chiều 9/9, ông Nguyễn Văn Doãn (70 tuổi, trú thôn Tân Quý, xã Hộ Độ), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh thả lưới để đánh bắt tôm trên hồ nuôi rộng gần 3.000m2 tại khu nuôi trồng thuỷ sản của xã. Hồ được ông Doãn thả nuôi 500 con cá, 10 vạn tôm thẻ cùng 3.000 con cua. Dù tôm chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng mấy ngày nay ông Doãn bắt đầu thả lưới để đánh bắt, bán cho thương lái.

“Tôm hiện tại mới nuôi hơn 2 tháng. Còn khoảng 15 ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch nhưng tôi vẫn phải thả lưới bán dần vì mưa và sợ ảnh hưởng của cơn bão số 5. Từ sáng đến chiều hôm nay, tôi mới bán được khoảng 20kg tôm”, ông Doãn nói.

Ông Doãn thu hoạch tôm để bán chạy bão số 5.

Theo ông Doãn, thông thường tôm đạt khoảng 60- 70 con/kg mới thu hoạch, nhưng giờ tôm mới chỉ đạt 100 con/kg nhưng vẫn phải đánh bắt. Ngoài ra, việc tiêu thụ tôm hiện nay cũng rất khó khăn, người mua giảm hơn so với những năm trước nên giá tôm cũng rẻ.

“Cần bán nhưng cũng khó tiêu thụ do người mua ít. Như năm trước do chủ quan nên thất thu, còn năm nay chủ động xả nước liên tục, mua lưới về để vây toàn bộ hồ đề phòng nước ngập, cá tôm ra ngoài”, ông Doãn nói.

Khu vực hồ nuôi tôm ở xã Hộ Độ.

Đợt mưa lũ năm 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Tranh (65 tuổi, trú thôn Tân Quý, xã Hộ Độ) mất trắng vụ tôm với giá trị hơn 350 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ năm trước, đợt này ông Tranh đầu tư làm cọc tre, mua lưới về phòng khi nước lũ dâng, tôm sẽ ra ngoài.

Ông Tranh cho biết, do mưa lớn, lo ngại ảnh hưởng của cơn bão số 5 sẽ gây ngập úng nên mấy ngày qua ông đã thả lưới, bán tôm dù chưa đủ tuổi để tránh bị thiệt hại như đợt lũ lụt năm 2020.

Ông Tranh làm 5 hồ nuôi cá, tôm trên diện tích 1,5ha. Hiện tại, ông mới chỉ thu hoạch được 1 hồ, còn các hồ khác chưa đến kỳ thu hoạch.

Ông Tranh mua lưới để về bao quanh, dùng cọc tre gia cố lại hồ để tránh tôm theo nước ra ngoài

“Những ngày này, tôi lúc nào cũng phải có mặt tại hồ để kiểm tra. Như hôm qua mưa lớn gần ngập ao, may khi đó kiểm tra, xả nước liên tục nên không bị ảnh hưởng. Mong rằng đợt mưa bão lần này không sao, chứ tôi hiện còn 3 hồ chưa thu hoạch", ông Tranh chia sẻ.

Không chỉ khu nuôi trồng thuỷ sản ở xã Hộ Độ, mà các khu vực nuôi cá lòng bè ở xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) người dân cũng đang gấp rút đưa cá vào khu vực an toàn, gia cố lại lòng bè đề tránh những thiệt hại do mưa và cơn bão số 5 gây ra.

Ông Tranh dùng đóng cọc tre trên khu vực hồ để dùng lưới bao quanh.

Ông Nguyễn Văn Nga (thôn Đông hải, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cho biết, do không có chỗ đưa cá vào nuôi nên gia đình chỉ chằng thêm dây, sử dụng lưới để bao bọc 4 phía lòng bè để tránh cá thoát ra ngoài. Tuy nhiên, ông Nga cho rằng phương án này chỉ mang tính tạm thời.

“Gia đình tôi nuôi 600-700 con cá vược, khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch. Hiện tại, tôi đã dùng dây để neo, gia cố lại lòng bè để tránh bão số 5”, ông Nga nói.

Ông Nga đang gia cố, đưa lòng bè nuôi cá vào khu vực an toàn để tránh ảnh hưởng của bão số 5.

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, hiện tại tổng diện tích đang nuôi thuỷ sản toàn tỉnh là 7.018ha, sản lượng chưa thu hoạch dự kiến 5.619 tấn.

Để ứng phó với cơn bão Côn Sơn (Conson), Chi cục Thuỷ sản đã khuyến cáo người dân chủ động gia cố ao hồ, lòng bè, kê cao nguyên liệu, thức ăn đảm bảo an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra đối với hồ nuôi ao đến kỳ thu hoạch thì thu hoạch, với lòng bè phải đưa vào vị trí an toàn để tránh bão.

Người dân khu vực nuôi thuỷ sản ở xã Thạch Long đã chuẩn bị các phương án chống bão.

“Đa phần nuôi tôm đến kỳ thu hoạch được giá họ mới bán, trừ những trường hợp bất khả kháng. Bình thường tôm đạt 45-50 con/kg thì bán giá cao hơn, còn riêng đối với vùng nuôi tôm ở xã Hộ Độ, bắt đầu 70-80 con được giá thì họ bán dần. Việc này một phần nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ", đại diện Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh chia sẻ.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP