Tin Hà Tĩnh

Nỗi khổ chờ con nước lên

Muốn ra khơi hay cập bến, nhiều ngư dân, doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) ở Hà Tĩnh phải “xem” giờ. Mới nghe tưởng là người dân nơi đây mê tín nhưng kỳ thực đấy là nỗi khổ khi luồng lạch bồi lắng, hạ tầng giao thông đường thủy xuống cấp. Khi chờ con nước lên kéo theo nhiều hệ lụy, tốn kém, lãng phí.

Tàu chở hàng gặp khó ở cảng Xuân Hải.

Cửa ngõ... thụt lùi

Nếu như những năm đầu thế kỷ trước, cảng Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là trung tâm của hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh thì nay đã nhường chỗ cho cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh). Từ chỗ là cửa ngõ phía Bắc, điểm đến của các tàu công suất lớn thì nay cảng Xuân Hải trở nên lạc lõng giữa hệ thống cảng biển Hà Tĩnh.

Nằm vị trí đắc địa - cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, cảng Xuân Hải từ lâu trở thành nơi trung chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào, tái xuất sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi Lào cấm xuất khẩu gỗ, hoạt động xuất nhập khẩu của cảng không còn sôi động như trước. Hiện tại, thông quan qua cảng chủ yếu là các sản phẩm: gỗ băm dăm, than đá, vật liệu xây dựng, quặng mangan, thạch cao…Nhưng với hiện trạng như hiện nay, các DN cực kỳ e dè khi cập bến ở Xuân Hải.

Thực trạng nhiều tàu công suất lớn chở hàng XNK “loay hoay” khi cập bờ tại cảng Xuân Hải đang là tâm tư của chính quyền cũng như DN trong và ngoài huyện Nghi Xuân. Cảng Xuân Hải là cảng sông - biển với 2 cầu tàu, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 3.000 tấn. Trước đây, khi Hà Tĩnh chưa có cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng, thì cảng Xuân Hải là cửa ngõ đường thủy quan trọng bậc nhất của địa phương, với lượng tàu vào ra tấp nập.

Đại diện một DN chuyên xuất khẩu băm dăm với khối lượng lớn ở địa bàn huyện Nghi Xuân cho biết, tàu công suất trên 2.000 tấn không thể cập cảng nên công ty phải “cân não” mỗi khi xuất - nhập hàng, điều này ảnh hướng rất lớn đến việc tính toán các chi phí, giá thành.

“Muốn ra vào cảng thuận lợi, chúng tôi phải canh thủy triểu để tính toán. Nhiều khi vào được cảng, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi thì phải đợi con nước lên. Thời gian ra vào “ăn hàng” lâu khiến chi phí nhiên liệu đội lên. Công ty phải bù lỗ chi phí vận chuyển là như vậy”- đại diện DN này phàn nàn.

Việc đợi con nước lên để xuất - nhập hàng không những đẩy chi phí vận chuyển mà còn gây chậm trễ, và DN phải giảm tải để thuận lợi trong việc ra vào cảng. Ông Nguyễn Mạnh Hướng- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Xuân Hải cho biết: “Dù không được sôi động như thời hoàng kim trước đây nhưng hiện cảng Xuân Hải vẫn là cửa ngõ thông thương cho nhiều DN hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số DN xuất khẩu với khối lượng hàng hóa lớn nhưng do luồng lạch cạn nên lâu nay, tàu lớn không thể vào cập cảng”.

Đây là lưu vực cửa sông nên đất cát bồi lấp rất nhanh. Mới đây, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh vừa tiến hành khảo sát, đo đạc luồng lạch tại khu vực này. Ông Lê Anh Hải- Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh tại cảng Xuân Hải cho biết: “Theo kết quả khảo sát, độ sâu của cảng từ phao số 0 đến phao số 8 có những điểm độ sâu đạt chỉ -2m nhưng chuẩn tắc thiết kế (đúng thiết kế - PV) phải -3m. Như vậy, để đạt độ sâu theo thiết kế thì luồng lạch ở đây cần được nạo vét thêm 1m nữa”.

Theo tính toán của cảng vụ, để nạo vét thêm 1m với tổng chiều dài gần 10km cần kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Trừ khi Chính phủ tiếp tục cho phép doanh nghiệp khai thác cát mặn như trước đây, còn không thì rất khó để vận dụng các nguồn lực nạo vét luồng lạch.

Trước đó, những năm 2015-2016, chính quyền hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện nạo vét luồng lạch ở đây theo hình thức xã hội hóa. Khi đó, DN được phép khai thác cát mặn để bán, qua đó thực hiện nạo vét luồng lạch đủ độ sâu theo quy định nhằm phục vụ tàu thuyền ra vào cảng. Nhờ vậy, việc giao thương ở cảng Xuân Hải dễ dàng hơn. Hoạt động XNK nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành quyết định cấm việc khai thác cát mặn để bán thì chương trình này cũng dừng lại.

Mặt khác, cảng Xuân Hải được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1994 nên hạ tầng cảng đã xuống cấp nhiều, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động XNK của địa phương. Trong bối cảnh Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung đang đẩy mạnh thu hút đầu tư như hiện nay thì giải quyết vấn đề luồng lạch bị bồi lấp và đầu tư nâng cấp cảng Xuân Hải là rất cần thiết. Nếu vấn đề này được giải quyết, cảng Xuân Hải chắc chắn trở thành một bến cảng có tầm cỡ, xứng đáng là cửa ngõ hàng hải phía Bắc của tỉnh.

Đất cát “vây” cảng cá

Không chỉ tàu mắc cạn ở cảng biển mà các cảng cá ở Hà Tĩnh cũng chung tình trạng này. Hiện nay, Hà Tĩnh có 2 cảng cá: Xuân Hội (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà) và 2 bến cá: Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) và 1 âu thuyền ở Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh). Tuy nhiên, luồng lạch bị bồi lấp, nhiều nơi cạn trơ đáy đang là nỗi lo âu của ngư dân địa phương.

Chiếc tàu công suất 300CV của ông Trần Xuân Sinh (43 tuổi, ngụ tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) thường xuyên là nạn nhân của hiện tượng này. Nhiều lần tàu của ông Sinh mắc cạn ngay bãi bồi trước cảng Cửa Sót (Lộc Hà) và bị gãy bánh lái, chân vịt. “Để vào ra thuận lợi ở cảng cá này buộc chúng tôi phải canh khi nước triều lên. Khổ nhất là vào vụ cá, luồng lạch cạn nhiều khi nhỡ chuyến ra khơi. Đối với tàu công suất từ 800CV trở lên muốn vào ra ở cảng Cửa Sót thì phải chờ khi nào thủy triều đạt đỉnh, cả tuần mới tái lập một lần” - ông Sinh nói.

Ông Nguyễn Văn Nam (xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết: “Tàu của tôi chỉ có công suất 250CV, nhưng vào cảng Cửa Sót, chân vịt vẫn bị vướng, phải chờ thủy triều lên mới vào được. Cửa lạch cạn, bồi lắng dẫn đến việc ra vào cảng cá khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình bốc dỡ, giải phóng hải sản”.

Các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng đã lâu, cộng thêm số lượng tàu công suất lớn (500-1.000CV) đóng theo chủ trương của Chính phủ khá nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải trong lưu thông cũng như neo đậu tại các cảng.

Ông Bùi Tuấn Sơn- Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Khu vực phía trước của cảng cá Cửa Sót là vị trí cửa sông đổ ra biển nhưng mấy năm trở lại đây bị bùn cát bồi lắng, khối lượng ước khoảng 100.000 m3/năm, điều này vô tình tạo thành những bãi bồi cao. Từ năm 2013 đến nay đã có hơn 200 tàu thuyền bị gãy chân vịt và bánh lái, nhiều tàu cong vênh do mắc cạn. Các tàu cá thường cập cảng trễ nên hải sản khai thác được bị giảm chất lượng, thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Cũng theo ông Sơn, đặc trưng tại cảng cá là khu vực cửa sông đổ ra biển, lượng bùn cát bồi lắng rất lớn. Kinh phí cho một đợt nạo vét lên đến vài chục tỷ đồng. Đơn vị đã đề xuất phương án xã hội hóa việc nạo vét cảng, theo đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát, như vậy cảng cá sẽ tiết kiệm được kinh phí, doanh nghiệp cũng có lợi. Đề xuất vậy, nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Dẫu biết việc mở rộng, nâng cấp, nạo vét cảng biển, cảng cá cần khoản kinh phí lớn, các địa phương khó bố trí nguồn lực. Vì vậy, việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng biển, cảng cá theo phương châm “lấy cảng nuôi cảng” nhằm nâng cao năng lực cảng cá, cảng biển góp phần phát triển các ngành nghề XNK, đánh bắt xa bờ đang là vấn đề bức thiết.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP