Kinh tế

Nỗi đau mất 10 ngàn tỷ, đại gia lao vào cuộc chiến hạ bệ lãnh đạo

Những mâu thuẫn kéo dài trong nhiều năm qua khiến doanh nghiệp bốc hơi khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Cuộc chiến quyền lực càng thêm gay cấn khi các cổ đông kín tiếng cũng đã vào cuộc.

Căng thẳng giữa ban lãnh đạo Coteccons (CTD) và nhóm cổ đông ngoại Kusto bước vào giai đoạn căng thẳng hơn khi có thêm 1 cổ đông ngoại lớn khác chính thức đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.

The 8th Pte Ltd (The8th), có trụ sở tại Singapore là một trong những cổ đông lớn của Coteccons (nắm giữ 10,42% cổ phần) đã gửi thư tới HĐQT của Coteccons yêu cầu đưa thêm một số vấn đề vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, dự kiến tổ chức vào ngày 30/6 tới.

Theo đó, The8th yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương (hiện đang là chủ tịch và đại diện pháp luật của CTD) và ông Nguyễn Sỹ Công (hiện là thành viên HĐQT và TGĐ của CTD).

Trước đó, nhóm cổ đông ngoại Kusto cũng đã yêu cầu các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.

Kusto và The8th đều là các cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu trong hơn 6 tháng liên tiếp do đó có đủ điều kiện và có quyền, căn cứ vào điều 114.3 của Luật Doanh nghiệp Việt Nam và Điều 11.3 của Điều lệ Coteccons, thay mặt Coteccons tiến hành các thủ tục để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sau khi HĐQT và Ban Kiểm Soát của Coteccons không tiến hành việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định.

Cổ đông lớn The8th yêu cầu bổ sung thêm vấn đề vào nội dung ĐHĐCĐ sắp tới.

Mâu thuẫn tại Coteccons đã diễn ra trong nhiều năm qua và đây được xem là lý do khiến giá cổ phiếu CTD giảm mạnh, từ mức gần 230 ngàn đồng/cp xuống còn khoảng 70 ngàn đồng/cp hiện tại. Doanh nghiệp chứng kiến vốn hóa bốc hơi khoảng 10 ngàn tỷ đồng.

Hiện tại, 2 bên nội (đại diện là nhóm cổ đông của ông Nguyễn Bá Dương) và ngoại là (Kusto và The8th) liên tục cáo buộc nhau có những hành vi khuất tất đối với doanh nghiệp.

Nhóm cổ đông ngoại cho rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp đã gây ra xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong Cotecon Group (cụ thể là đối thủ cạnh tranh Ricons) mà các thành viên có liên quan của HĐQT và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan...

Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cho rằng, nhóm cổ đông ngoại có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, có những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự ban lãnh đạo CTD… Coteccons vẫn hoạt động theo pháp luật và được kiểm toán bởi Big 4.

Ban lãnh đạo Coteccons phản pháo Kusto.


The8th, tin rằng kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự của Coteccons và giá cổ phiếu thể hiện cơ hội đầu tư giá trị rất tốt cho các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn.

Theo The8th, vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp. Một số công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam đã nêu rõ vấn đề xung đột lợi ích và các giao dịch của các bên có liên quan tại Coteccons là cơ sở cho khuyến nghị "Bán" cổ phiếu Coteccons trong năm 2019.

Ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 9/6, chỉ số VN-Index giảm mạnh sau một phiên gặp sự cố giao dịch vào cuối buổi và áp lực chốt lời khi VN-Index lên mức 900 điểm. Hầu hết các cổ phếu blue-chips giảm sau nhiều phiên tăng mạnh. CTD giảm 2.500 đồng xuống 68.000 đồng/cp.

Theo Rồng Việt, TTCK Việt Nam chứng kiến thêm một phiên giao dịch với khối lượng lớn, nhưng không bị bán tháo mạnh. Diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất vững vàng. Với việc chốt lời khi các cổ phiếu đã có một quá trình tăng giá đối với VDSC là điều bình thường. Do vậy nhà đầu tư cũnLưug cần xem xét danh mục của mình để đánh giá lại hiệu quả và đưa ra chiến lược hợp lý. Hoặc có thể thu hồi vốn nếu các cổ phiếu có dấu hiệu đảo chiều trong phiên tiếp theo.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index tăng 13,72 điểm lên 899,92 điểm; HNX-Index tăng 2,2 điểm lên 120,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,87 điểm lên 57,3 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 9,8 ngàn tỷ đồng.

Trong phiên 9/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 899,43 điểm. Thanh khoản dù không tính phiên ATC vẫn đạt giá trị giao dịch 7.177 tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP