Xã hội

Nỗi buồn phải xa đứa con 'nhặt được' của chị giúp việc

Phải trao đứa trẻ nhặt được ở cửa chùa cho Làng thiếu niên Thủ Đức hơn hai tháng qua, chị Hạnh thấy trống trải, nhớ bé khôn nguôi.

Sau 3 tháng chăm bé Cà Rốt kể từ lúc nhặt được bé ở cửa chùa, chị Huỳnh Hồng Hạnh (43 tuổi, làm nghề giúp việc ở quận 2, TP HCM), đau buồn khi hơn hai tháng nay phải xa bé, do phải trao lại cho Làng Thiếu niên Thủ Đức theo đúng thủ tục pháp lý. Ban đầu, chị cứ nghĩ, mang con đến rồi lại được đón về, chẳng ngờ hai mẹ con phải xa nhau từ đó.

“Hơn hai tháng qua, nhớ thằng bé, tôi chỉ biết mang hình ra ngắm, xem những đoạn clip lúc nó khóc, cười, bọ bẹ tập lật. Sao người ta không lấy thằng bé đi lúc mới đưa về, để tôi nuôi đến ba tháng, mẹ con rịt hơi nhau lại đưa đi”, chị buồn bã tự vấn.

Gần ba tháng chăm sóc Cà Rốt, chị Hạnh đã quen với quỹ thời gian của người mẹ có con nhỏ, suốt ngày đầu bù tóc rối, đi đâu cũng vội van2ng - Ảnh: Phan Thân

Gần ba tháng chăm sóc cậu bé bị bỏ rơi, chị Hạnh đã quen với quỹ đạo của người mẹ có con nhỏ, suốt ngày đầu bù tóc rối - Ảnh: Phan Thân.
Để được nuôi bé một lần nữa, chị xin nghỉ việc, chạy ngược xuôi làm các loại giấy tờ, về quê xác nhận nhân thân, chứng minh thu nhập, chứng minh tài sản… để hoàn thành hồ sơ xin nhận con nuôi. Chị cũng đi thăm con thường xuyên, dù theo quy định chỉ được thăm vào những ngày lễ, tết hoặc hai ngày cuối tuần của tháng. “Nhớ thằng bé không chịu được nên rảnh là tôi đi thăm. Nhiều lần đến, chẳng được vào, tôi cứ ngồi lì ở cổng, bảo vệ đến nhắc cũng kệ, phải được nhìn thằng bé một tí mới về được”, chị kể.

Thông cảm với chị, ban lãnh đạo Làng thiếu niên Thủ Đức cũng cho họ gặp nhau. Được mẹ Hạnh bế trên tay, bé Cà Rốt cười tít, hai má áp vào vai mẹ, đôi tay nhỏ xíu ôm cổ mẹ như không muốn rời. Mẹ Hạnh về, em khóc nức, mè nheo khó ngủ. “Các cô ở Làng khuyên nên hạn chế vào thăm bé, nhưng tôi nhớ con làm sao chịu được”, chị Hạnh nói.

Ở nhà, chị vẫn giữ nguyên những đồ dùng của con, vài hôm lại mang ra giặt, ngồi vuốt ve, tỉ mẩn gấp lại rồi nhẹ nhàng để trong tủ. Chiếc xe nôi, xe ăn dặm, mấy món đồ chơi được tặng chị bọc kỹ, xếp ngay ngắn ở một góc nhà. Trong ngăn đông tủ lạnh chứa đầy những bịch sữa mẹ xin được, bé chưa uống hết, chị vẫn bảo quản cẩn thận, chờ ngày con về cho bú.

Để được nuôi đứa trẻ bỏ rơi một lần nữa, chị Hạnh xin nghỉ việc, chạy ngược xuôi làm hồ sơ. Ảnh: Phan Thân.

Đang du học ở Nhật, biết tin mẹ và em rời xa nhau, con gái chị Hạnh rất buồn. Cô động viên mẹ, nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để đón em về nuôi, cho em một tương lai tốt như mình.

Ông Văn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An (quận 2) xác nhận, chị Hạnh phải trao bé Cà Rốt cho Làng thiếu niên Thủ Đức là đúng pháp luật, bởi trước đó chị chưa làm hồ sơ nhận con nuôi và phía phường sợ chị không đủ khả năng nuôi bé, vì là mẹ đơn thân, kinh tế, chỗ ở không ổn định.

“Thời gian qua có nhiều người đến hỏi thủ tục nhận nuôi bé, chị Hạnh cũng đã nộp hồ sơ cho chúng tôi. Tuy nhiên, để chấp nhận ai được nuôi thì phải xét nhiều yếu tố như lý lịch, sức khỏe, thu nhập, chỗ ở. Trường hợp của chị Hạnh sẽ được chúng tôi xem xét và cân nhắc”, bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP HCM) cho biết. Bà cũng nói thêm lúc mới vào, bé lạ chỗ nên khó chịu, nhưng hiện nay sức khỏe đã ổn định.

Chị Hạnh nhặt được bé Cà Rốt khi đi làm công quả ở chùa vào sáng sớm, lúc mới sơ sinh, còn đỏ hỏn. Chị đã báo với chính quyền và đưa về nhà nuôi. Được chị chăm sóc, bé tăng cân tốt, bụ bẫm, khỏe mạnh.

Tác giả: Phan Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP