Giáo dục

Nói bữa trưa 19.000 đồng thiếu dinh dưỡng là 'không chính xác'

Để đánh giá một khẩu phần ăn cân đối và hợp lý hay không, cần xét đến sự tương tác giữa các bữa ăn trong ngày, trong tuần và tháng.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Hương, giảng viên Khoa học Dinh dưỡng và Ẩm thực (Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) chia sẻ về bữa trưa gây tranh cãi của học sinh trường Tiểu học Điện Biên (Thanh Hóa).

Nếu chỉ dựa vào phần cơm trưa ở trường Tiểu học Điện Biên 2 (gồm cơm, cá thu, rau muống xào và nước rau) được đăng tải trên mạng xã hội để khẳng định không đủ dinh dưỡng là không chính xác. Để đánh giá một khẩu phần ăn cân đối và hợp lý hay không, cần xét đến sự tương tác giữa các bữa ăn trong ngày, sự phối hợp thực phẩm giữa các bữa ăn trong một ngày, một tuần hoặc tháng.

Tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính, mức năng lượng cần cung cấp cho cơ thể khác nhau. Dưới góc độ khoa học dinh dưỡng, ở độ tuổi của trẻ tiểu học, bữa ăn trưa trung bình sẽ đạt khoảng 35-40% nhu cầu năng lượng cả ngày.

Theo nhu cầu năng lượng khuyến nghị dành cho người Việt Nam được Bộ Y tế ban hành năm 2007, trẻ 4-6 tuổi cần 1470 Kcal; trẻ 7-9 tuổi 1.825 Kcal; nam thiếu niên 10-12 tuổi là 2.110 Kcal; nữ thiếu niên 10-12 tuổi cần 2.010 Kcal. Như vậy, bữa trưa của trẻ ở độ tuổi tiểu học sẽ dao động 730-850 Kcal.

Để thiết kế một bữa ăn cân đối, hơp lý và đầy đủ dinh dưỡng cần tuân theo nguyên tắc phải có đủ bốn nhóm thực phẩm gồm: nhóm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa và đậu; nhóm giàu chất béo như mỡ, dầu ăn, bơ, cheese…; nhóm giàu chất bột đường như gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo, khoai, củ… và nhóm giàu vitamin, chất khoáng như rau và trái cây các loại.

Học sinh một trường THCS ở TP HCM trong một ăn trưa. Ảnh: Thành Nguyễn

Bữa ăn phải đa dạng hóa thực phẩm, chẳng hạn thực đơn bữa trưa cho trẻ gồm cơm, canh bí đao tôm thịt, cá điêu hồng sốt cà chua, đậu cove xào tỏi và chuối tráng miệng. Ngoài ra, trẻ phải uống đủ nước mỗi ngày, trung bình 1,5-2 lít để cung cấp nước cho cơ thể và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển hóa, hấp thụ dinh dưỡng.

Để cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là các em học bán trú, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc nuôi dưỡng. Bởi với trẻ học bán trú, các bữa ăn ở trường cung cấp khoảng 60% nhu cầu năng lượng trong một ngày, còn lại từ gia đình.

Thời gian trẻ học tập và sinh hoạt ở trường nhiều nên bữa ăn phải được quan tâm đúng mức để đảm bảo đủ sức khỏe. Cách phối hợp thực phẩm cần tuân theo nguyên tắc đã trình bày ở trên. Ngoài ra, để đảm bảo khẩu phần ăn cân đối và hợp lý cần có bộ phận chuyên môn tính toán khẩu phần và xây dựng thực đơn mỗi tuần, bộ phận kiểm soát để đảm bảo thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn, được chế biến đúng và đủ.

Đặc biệt, nhà trường chú ý bổ sung vi chất dinh dưỡng cho con trẻ bằng cách tăng các món ăn từ rau, trái cây trong khẩu phần cũng như phải đảm bảo nguồn thực phẩm giàu đạm. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến các bữa ăn ở nhà của con, nhất là bữa sáng phải đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đầu tuần này, một giáo viên trường Tiểu học Điện Biên 2 (thành phố Thanh Hóa) đăng hình ảnh suất cơm trưa của học sinh lên mạng xã hội, thu hút chú ý của phụ huynh. Trong bức hình, bữa ăn chỉ có miếng cá thu nhỏ, gắp rau muống xào, nước canh rau và cơm trắng.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Điện Biên 2, bà Trần Thị Vân, xác nhận hình ảnh đăng tải trên mạng đúng là suất ăn của nhà trường vào trưa 4/10. Khoản thu 23.000 đồng được phân chia theo tỷ lệ, bữa chính 18.000-19.000 đồng và bữa phụ 3.000-5.000 đồng.

Đây là ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu năm học trường mua cá thu cho học sinh ăn trưa. "Cá thu giàu dinh dưỡng nhưng đắt, trường mua 91 kg cá tươi giá 210.000 đồng mỗi kg. Nếu tính cả rau, gia vị, mắm muối, trường còn bị âm tiền", nữ hiệu trưởng nói và khẳng định không có chuyện bớt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP