Trong nước

Những vụ việc nóng nào được "điểm danh" trong báo cáo trình Quốc hội?

Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 đã liệt kê hàng loạt vụ việc nóng gây bức xúc dư luận.

Sáng nay, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc

Kinh tế tăng trưởng ấn tượng, nhưng kỷ luật hành chính chưa nghiêm

Sáng nay (21/5), sau phiên họp trù bị, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Như thông lệ, trong những nội dung làm việc đầu tiên, Chính phủ sẽ trình bày báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm qua và kế hoạch cho năm tới.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, năm qua, Chính phủ đã kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 đã chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó 12/13 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kết hoạch.

Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả nổi bật nhất năm 2017 là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua cũng được Chính phủ quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Chính phủ, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Năm 2017 được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước

Thiên tai, bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn. Năm 2017 được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây tổng giá trị thiệt hai ước tính 60 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2016. Cụ thể, bão lũ, thiên tai năm qua đã làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương; 8.312 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 588,1 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước.

Còn cán bộ, lãnh đạo cố ý làm trái gây thất thoát tài sản

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề.

Theo Uỷ ban Kinh tế, qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài..

Cũng theo cơ quan thẩm tra, trong năm qua, nhiều giải pháp, cải cách hành chính đã được thực hiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một số bộ, ngành tiếp tục cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính; tuy nhiên, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố tăng so với năm 2016. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như trong việc quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.

Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, cơ quan thẩm tra cũng nêu nhiều vấn đề đáng chú ý.

Điển hình, qua một số vụ việc liên quan đến ngành hải quan, thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt hơn để loại bỏ các khoản chi phí không chính thức, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Vụ việc công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đền bù tại khu dân cư Phước Kiển thể hiện hành vi cố ý làm trái về quản lý tài sản Nhà nước

Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại các DNNN chưa đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả như yêu cầu. Bằng chứng là một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của doanh nghiệp, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai, điển hình như vụ công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) và vụ án hình sự Công ty dịch vụ viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu An Viên (AVG).

Theo Ủy ban Kinh tế, những vụ việc này thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn của nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp.

Về công tác tư pháp, cơ quan thẩm tra đánh giá đã có những chuyển biến tích cực với việc xử lý nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong cả lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp; cơ sở pháp lý đối với các giao dịch qua mạng còn thiếu, tạo kẽ hở cho việc phạm tội (vụ án đánh bạc qua mạng hàng nghìn tỷ đồng, vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng ở TP.HCM…).

Đáng lưu ý, Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh có trường hợp tội phạm được tiếp tay bởi một số cán bộ suy thoái trong các cơ quan chức năng. Một số vụ án được phát hiện liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản công đã bộc lộ những kẽ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP