Thế giới

Những siêu đãi ngộ với thẩm phán tòa tối cao Mỹ

Sau khi nghỉ hưu, thẩm phán tòa tối cao Mỹ hưởng trợ cấp hưu trí trọn đời bằng mức lương cao nhất khi còn tại vị.

Thẩm phán tòa tối cao Mỹ được Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn, gồm 9 người. Với thẩm phán và luật sư tại Mỹ, không có công việc pháp lý nào đem lại uy danh hơn thẩm phán tòa tối cao. Nhưng danh tiếng không phải là thứ duy nhất mà vị trí thẩm phán tối cao mang lại.

Mỗi năm tòa tối cao Mỹ chỉ làm việc 9 tháng, tiếp nhận xử lý khoảng 75-80 vụ, và nghỉ ba tháng từ 1/7 tới 30/9. Trong thời gian nghỉ, thẩm phán vẫn được hưởng trọn mức lương, được hoạt động tùy ý mà không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ tư pháp nào.

Thẩm phán tối cao được phép thuê tối đa bốn viên thư ký luật để trợ giúp chuyên sâu. Những người này chịu trách nhiệm đọc số lượng khổng lồ hồ sơ vụ việc được gửi tới và nộp lại bản tóm tắt chi tiết cho thẩm phán. Nhiệm vụ của thư ký còn bao gồm giúp thẩm phán soạn thảo phần ý kiến kết luận trong các vụ việc.

Năm 2018, mức lương bình quân một năm của thẩm phán tòa tối cao là 255.300 USD, trong khi mức lương của chánh án tòa tối cao là 267.000 USD.

Về chăm sóc sức khỏe, thẩm phán liên bang được bảo trợ bởi hệ thống Trợ cấp sức khỏe nhân viên liên bang nhưng vẫn được tự do mua bảo hiểm tư nhân dài hạn.

Điều III, phần 1 của Hiến pháp Mỹ quy định thẩm phán tối cao sẽ đảm nhiệm chức vụ chừng nào còn có tư cách đạo đức tốt. Điều này cũng có nghĩa thẩm phán được tự do ra quyết định mà không sợ bị mất chức, không như các vị trí cấp cao khác do tổng thống bổ nhiệm.

Tập thể 9 thẩm phán tòa tối cao Mỹ trong năm 2019.

Tập thể 9 thẩm phán tòa tối cao Mỹ trong năm 2019.

Thẩm phán tối cao chỉ có thể bị cách chức nếu bị hạ viện đàn hạch (thủ tục hạch tội riêng có của Hạ viện Mỹ với các quan chức chính phủ liên bang) và sau đó bị kết tội tại phiên tòa do Thượng viện tiến hành. Nhưng cho tới nay, chỉ một người bị đàn hạch là thẩm phán Samuel Chase vào năm 1805, với cáo buộc ra quyết định khi bị tư duy phe phái chính trị làm ảnh hưởng. Cuối cùng, ông được Thượng viện tuyên vô tội.

Theo Chron, danh tiếng mà vị trí thẩm phán tối cao mang lại cũng giúp họ có được cơ hội kiếm thêm thu nhập "tay trái" như được trường đại học mời làm diễn giả hoặc được nhận tiền bản quyền từ hồi ký và các xuất bản phẩm khác. Ví dụ, cố thẩm phán tối cao Antonin Scalia nhận được tới 77.000 USD tiền nhuận bút viết sách vào 2013 và 33.000 USD vào 2014.

Thẩm phán tối cao Mỹ sau khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu trọn đời bằng với lương tháng cao nhất khi tại vị. Để được hưởng trọn mức lương hưu, thẩm phán phải làm việc tối thiểu 10 năm, đồng thời tổng số tuổi và số năm làm việc cộng lại phải bằng hoặc trên 80 (ví dụ nghỉ hưu ở tuổi 65 sau 15 năm làm việc). Đổi lại, thẩm phán nghỉ hưu vẫn phải tham gia tích cực vào cộng đồng pháp lý, phải thực hiện một số nghĩa vụ tư pháp nhất định mỗi năm nếu khi tình trạng sức khỏe còn tương đối tốt, không bị ốm yếu tàn tật.

Khi đặt ra mức lương hưu hậu hĩnh trong Đạo luật Tư pháp 1869, Quốc hội Mỹ muốn khuyến khích thẩm phán tối cao nghỉ hưu khi đã tuổi cao sức yếu, thay vì cố gắng tiếp tục làm việc.

Tác giả: Quốc Đạt

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP