Tuỳ bút Quê hương

Những người lính đi xây hồ Kẻ Gỗ

Họ là những người lính lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam trước ngày Chiến thắng 30-4 không lâu. Đất nước hoà bình, thống nhất, họ trở thành những người công nhân chủ lực “đào núi, ngăn sông” trên công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ và nhiều công trình khác. Ba mươi lăm năm ngoảnh lại, những cựu binh ngày nào mái tóc giờ đã ngã màu sương, không ít chị em trong số họ quá lứa lỡ thì khi đã gửi lại tuổi xuân cho rừng xanh núi đỏ…

Dò hỏi thăm đường mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được con ngõ nhỏ dẫn vào nhà chị Phan Thị Thiện nằm khuất sâu giữa xóm Tân Hợp, xã Hộ Độ (Lộc Hà). Cùng đi với tôi là những cựu binh Trung đoàn 375 – đơn vị trực thuộc Bộ CHQS Hà Tĩnh được thành lập cuối tháng 3-1975 theo lệnh tổng động viên của Chính phủ. Lúc này, do đã cạn nguồn nên chiến sĩ của trung đoàn được điều động đa số là nữ, khoảng 1/3 nam là đối tượng “con một” và diện chính sách. Ngay sau ngày tập kết, đơn vị được lệnh gấp rút hành quân vào Nam tăng cường cho Binh trạm 169 thi công đường ống dẫn dầu từ Quảng Bình tới Quảng Trị.


Giữa những ngày tháng tư năm 1975 lịch sử, những người lính Trung đoàn 375 không quản ngày đêm, không hề gian khổ, hăng say lao động với tinh thần thần tốc, quyết thắng, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Hệ thống đường ống dẫn dầu và nguyên liệu từ miền Bắc tiếp tế cho chiến trường miền Nam do những người lính ra đi từ xứ Nghệ xây dựng cứ thế nối dài theo bước chân anh giải phóng quân, góp phần không nhỏ vào chiến thắng 30-4 lịch sử.


Miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính Trung đoàn 375 được lệnh hành quân trở lại quê hương, nhận một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ nhưng hết sức vẻ vang: Làm lực lượng nòng cốt xây dựng công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ – công trình mang tầm thế kỷ, là ước mơ bao đời nay của người dân Nghệ Tĩnh.


Bởi thương những mảnh đất cằn!


Sau hơn một phần ba thế kỷ gặp lại nhau, những người lính một thời chung lưng đấu cật không khỏi bồi hồi, xúc động. Những ký ức của họ về một thời hào hùng cứ thế ùa về. Cựu chiến binh Phan Thanh Viêm – nguyên trung tá, trung đoàn trưởng Trung đoàn 375 nay đã ngoại bát tuần nhưng vẫn chưa quên những ngày đầu đưa quân lên Kẻ Gỗ dựng lán đào núi, ngăn sông. Cụ Viêm tâm sự, thực ra, ý định làm công trình thuỷ lợi ở sông Rào Cái đã được manh nha từ thời thuộc Pháp. Một người Hà Tĩnh phát hiện ra điều này khi tìm thấy trong kho lưu trữ ở Pari bản thiết kế xây đập ngăn sông tại hồ Kẻ Gỗ.


Ngay sau hoà bình, người Hà Tĩnh không thể không nhớ tới công trình trong mơ của mình. Vì dù hằng năm, khi nước lũ dâng cao, cả vùng Cẩm Xuyên có nguy cơ ‘sống ngâm da, chết ngâm xương’, nhưng mùa khô, không chỉ đồi núi, ruộng vườn thành bãi hoang mà người và súc vật cũng điêu đứng trong cơn khát thường trực. Sau niềm vui hoà bình, cả tỉnh trắng khăn tang trên đầu những người mẹ chờ con, người vợ chờ chồng. Phải có ngay một công trình để thấy giá trị của sự hi sinh là không hề vô nghĩa. Giữa những ngổn ngang mất mát tang thương, người Hà Tĩnh ngùn ngụt một quyết tâm phải đưa nước về tận ruộng đồng.


“Ngày 26-3-1976, hàng vạn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã đội nón khoác tơi đứng thành vòng nghe đọc diễn văn tuyên bố khởi công công trình thuỷ lợi lớn nhất đất nước (thời bấy giờ) tại huyện Cẩm Xuyên. Đó là một ngày mưa phùn gió bấc. Dũng sỹ diệt Mỹ Lê Văn Chớ – cán bộ của Trung đoàn 375 vinh dự được thay mặt cho lực lượng vũ trang tỉnh nhà châm ngòi phát hoả khởi công công trình mang tầm thế kỷ này” – cụ Viêm rưng rưng khoé mắt nhớ về thời khắc lịch sử năm nào.

Những người lính đi xây hồ Kẻ Gỗ

CCB Trung đoàn 375 thăm chị Phạm Thị Thanh (thứ 2 trái sang) – một CCB của trung đoàn hiện sống độc thân tại xóm Tân Hợp, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.


Xây dựng lại quê hương từ bao nhiêu đổ nát, phẩm chất người lính càng cần phải được phát huy. Quyết tâm ấy đã truyền thêm sức mạnh cho hơn 2 ngàn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 375 cất cao bài ca xây dựng, cùng với hàng vạn người dân thi đua rút ngắn tiến độ thi công công trình. “Có thời điểm, trên công trường Kẻ Gỗ lên tới trên 5 vạn người đủ các lực lượng. Bộ đội, dân công, TNXP đi đến đâu, tự mở đường đến đấy. Đường cho người đi, đường cho xe qua. Tre nứa trở thành những lán trại chạy dọc theo triền sông Rào Cái. “Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục”, đúng là khí thế bừng bừng, tiếng vang khắp trong Nam ngoài Bắc. Các văn nghệ sĩ về tận nơi, lặn lội cả tháng trời trên công trường để tìm nét thơ, nốt nhạc mới. Và chính những lời ca, nốt nhạc của họ làm vơi nhẹ đi những giọt mồ hôi, máu và nước mắt đổ xuống công trường” – cụ Viêm bồi hồi nhớ lại.


Một năm sau ngày khởi công, cống đập chính đã có thể đưa nước về huyện Cẩm Xuyên. Người hết khát. Trâu bò hết khát. Đất đai bừng tỉnh sau bao năm chắt chiu nuôi cây lúa còi cọc cho năng suất không đầy một tấn một héc-ta mỗi năm. Hai năm sau, nước về tưới mát trên diện tích 21 ngàn héc-ta của 62 xã, phường thuộc huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh. Vĩnh biệt những mùa hạn hán nứt nẻ vết chân chim. Vĩnh biệt nạn lũ quét gây ngập lụt hạ du.


Khi “ruộng đồng ta thoả mơ uớc bao ngàn năm”, đồng đất Hà Tĩnh bắt đầu sang trang mới, cũng là lúc những người lính Trung đoàn 375 được lệnh “tây tiến”, sáp nhập vào đội hình Sư đoàn 336 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã anh dũng ngã xuống vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đến năm 1982, Sư đoàn 336 giải thể, một số cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn tiếp tục con đường binh nghiệp, một số được điều động sang các lĩnh vực khác, còn phần đông xuất ngũ trở về địa phương.


Vĩ thanh!


Trở lại với chủ căn nhà hôm nay chúng tôi đến thăm, chị là cựu chiến binh Phan Thị Thiện – một người lính Trung đoàn 375. Chị Thiện ngồi lọt thỏm trong căn nhà tranh xiêu vẹo giữa xóm chài Tân Hợp, giữa những người đồng đội cùng chung một chiến hào năm xưa. Mới ngoài 50 tuổi nhưng trông chị hom hem như một cụ già. Hiện chị Thiện sống với bố mẹ già trong cảnh túng thiếu, bệnh tật thường niên. Ba miệng ăn chỉ trông nhờ vào sức lao động còm của chị, với 1 sào ruộng muối, mỗi mùa thu hoạch được khoảng 3 tấn, tương đương 3 triệu đồng.


“Xã Hộ Độ có 8 chị cùng nhập ngũ vào Trung đoàn 375, hiện 4 người có hoàn cảnh như tui. Chỉ có chị Bình ở xóm Tân Hợp dám vượt qua định kiến, năm 1988 “vượt rào” sinh được đứa con gái, chừ lại hay. Còn mấy đứa như tui, càng già nghĩ càng tủi thân, ốm đau bệnh tật thường xuyên lại không có chế độ chi, cha mẹ tra hèn nỏ biết bấu víu vô ai cả!” – chị Thiện sụt sùi.


Qua câu chuyện của chị Thiện và những cựu binh Trung đoàn 375, tôi được biết, gần 1/3 số chị em của trung đoàn sau khi xuất ngũ có hoàn cảnh tương tự như chị Thiện. Ngày xưa, các chị lên đường với một lý tưởng sống thật đẹp, đẹp đến tuyệt vời. Các chị sẵn sàng cống hiến và hy sinh như lẽ tự nhiên, như người ta thở, không có gì phải tính toán so bì. Giờ đây, gia tài lớn nhất của họ là những kỷ niệm núi rừng, chiến tranh và những đồng đội một thời gian khó. Xuân thì con gái của họ cũng lặng lẽ trôi theo những tháng ngày đạn bom, để rồi giờ đây…


Tháng 04-2010


VĂN HỌC

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP