Danh Nhân

Những ngày cuối của Thiếu tướng – Thứ trưởng Bộ GD Lê Chưởng

Nhân đọc bài “Chính uỷ Lê Chưởng” của Trần Tiêu (đăng trong tập Sự kiện và nhân chứng số 209 tháng 5/2011) và cũng sắp đến ngày giỗ thứ 40 và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí (đ/c) Lê Chưởng,

Tôi viết bài này xin được coi như một nén hương lòng của tôi và hàng vạn giáo viên (GV), học sinh (HS) Hà Tĩnh tưởng nhớ đến người Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, đã trực tiếp chỉ đạo phong trào GD Hà Tĩnh, nhất là lá cờ đầu Cẩm Bình.


Tôi có vinh dự được trực tiếp làm việc với đồng chí Chưởng từ năm 1971 đến ngày đồng chí ra đi. Sau đại hội tổng kết phong trào GD toàn diện xã Cẩm Bình, lá cờ đầu toàn quốc, tỉnh Hà Tĩnh và Bộ GD đã thành lập một tổ nghiên cứu chỉ đạo điển hình, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước: Tôi được cử làm tổ trưởng và đặc phái viên của Ty GD tại Cẩm Bình.


Trước khi Thiếu tướng Lê Chưởng chưa sang GD tôi thường xuyên ra văn phòng Bộ xin ý kiến các Thứ trưởng Lê Liêm, Hồ Trúc. Khi đồng chí Chưởng về Bộ và nhận nhiệm vụ chỉ đạo phong trào GD địa phương thì tôi được đồng chí chỉ giáo rất nhiều điều thú vị không chỉ là trong chỉ đạo GD mà cả trong cách xử trí cuộc sống. Những năm tháng đánh Mỹ nhất là năm 1972, khi Mỹ ném bom ra Hà Nội, các đồng chí T.Ư ủy viên đều được thông báo tin mật hằng ngày bằng các văn bản đánh máy.


Có lần đồng chí Chưởng nói với đ/c Liêm: “Tư nó sáng mắt, cho nó đọc ta nghe được không anh?”. Đ/c Liêm cười và nói: “Được”. Trong trang tin có đoạn nói “Bom cháy cả rừng cây dương xỉ”, đ/c Chưởng hỏi tôi “Cây dương xỉ là cây gì?”. Tôi bất ngờ nên lúng túng trả lời liều “là cây đuôi chồn”. Đ/c cười và chỉ vào mặt tôi “Biết thì nói. Không biết thì thôi, đừng nói liều”…


Một hôm đ/c Chưởng cùng đoàn cán bộ Bộ GD về dự lễ đại hội Hai tốt của Hà Tĩnh tại Thạch Linh sau đó về thăm Cẩm Bình. Để phục vụ đoàn chu đáo, đ/c Lê Sĩ Nghĩa (Trưởng Ty GD) cho tôi đi trước đốc thúc cơ sở đón đoàn. Khi đoàn về đến trường cùng anh em ra đón, đ/c Chưởng nói ngay: “Tớ thấy Tư ở Thạch Linh mà về bao giờ thế? Mình biết mà, đón đoàn theo yêu cầu của các cậu chứ gì! Thôi được, cậu cho chúng tớ xem cái gì còn, cái gì đáng giấu thì giấu.


Sân sau một gia đình và xã hội đều có cái buồng, vấn đề là phải phản ánh báo cáo cho trung thực để nếu có khó khăn thì cùng nhau mà tháo gỡ. Tôi đồng ý nhân tố mới có trên 50% thì các anh có quyền phất. Câu khẩu hiệu “Sản xuất là khóa văn hoá là chìa” là một phương hướng tốt nhưng nên nhớ khóa mà rỉ thì chìa tốt mấy cũng không mở nổi đâu. Nếu sản xuất cứ yếu kém như thế này thì dân đói và phong trào bổ túc văn hóa cũng tan biến mất. Tôi hoan nghênh các anh trong bảng chỉ tiêu cho ngành bổ túc văn hoá có cột “vợ bộ đội”, giá mà có thêm cột “đội trưởng sản xuất thì quý biết bao”.


Đồng chí phát biểu rất cụ thể: “Lúc đó, Cẩm Bình chỉ có 2.800 khẩu, nhưng có đúng 7 khẩu ăn phiếu gạo thời bao cấp. Có nghĩa là dân thuần nông, thuần nghề nghiệp nên thuần tư tưởng. Rồi đây thống nhất đất nước, sản xuất đi lên đa ngành nghề xuất hiện thì lối sống và tư tưởng sẽ phức tạp”. Năm 1971, Hà Tĩnh cho Cẩm Bình mở thêm một hệ cấp III, bước đầu là hai lớp 8 và sang năm 1972 thì thành lập trường ba cấp Cẩm Bình bào gồm cả ba ngành học: Phổ thông, bổ túc, mẫu giáo gồm có 62 lớp chung một ban giám hiệu, một hiệu trưởng, ba hiệu phó phụ trách ba ngành và một hiệu phó trực”. Các đ/c Lê Đại Lý (Vụ trưởng Phổ thông), Nguyễn Danh Hoàn (Vụ Chính trị), và nhất là đ/c Chưởng không tán thành, ông nói: “Các cậu chưa đúc kết bài học cũ thì lại bày ra một hình thức tổ chức mới không khoa học, làm phá chất lượng của nhau, không hợp với tâm, sinh lý của các lớp trẻ”. Quả thật đến năm 1975 thì trường ba cấp Cẩm Bình phải giải tán để cho từng cấp tự lập theo sự lãnh đạo của Sở và Phòng GD. Chỉ chưa đầy ba năm đ/c làm Thứ trưởng Bộ GD mà riêng phong trào GD Hà Tĩnh nói chung và Cẩm Bình nói riêng, đ/c đã về tận nơi trực tiếp chỉ đạo đến ba lần và thường xuyên đối thoại trực tiếp với ngành GD nơi đây.


Có được một Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ trực tiếp chỉ đạo chu đáo cụ thể, phong trào GD Hà Tĩnh và Cẩm Bình đi lên như “diều gặp gió”. Thế nhưng mừng chưa kịp no thì một tin sét đánh ngang tai: Đ/c Chưởng đã bị tai nạn giao thông mất ngày 25/10/1973. Tôi lại là người được chứng kiến những ngày cuối đời này. Hôm 18/10/1973, đ/c đi công tác ở Bình Trị Thiên, xe chỉ có hai thầy trò là đ/c Chưởng và đ/c Tuấn (người lái xe kiêm bảo vệ). Xe rộng nên tôi cùng lên xe về theo. Đến thị trấn Cẩm Xuyên đ/c bảo: “Tuấn à, chở Tư về tận nhà, để ta biết nhà, rồi mai mốt ta ra bắt nó khao một chầu trước khi về Hà Nội”. Tôi cảm ơn Thứ trưởng và nói: “Xin Thứ trưởng cứ đi công tác thượng lộ bình an và sẽ đón Thứ trưởng tại nơi này vào ngày 25/10”. Thế rồi cái ngày định mệnh ấy đã đến làm cho tôi phải đón thủ trưởng tại bệnh viện Cẩm Xuyên (sơ tán ở xã Cẩm Huy), cách nhà tôi 2km.


Tai nạn thương tâm đã xảy ra vào sáng sớm ngày 25/10/973 tại đoạn đường quốc lộ số 1 ở cồn Rành Rành, tức chợ Cầu hiện nay (cách Thị trấn Cẩm Xuyên 10km về phía Nam) và đã cướp đi mạng sống của ông. Xe ông Chưởng ở trong đi ra, sáng sớm trời mưa dầm tầm nhìn kém. Phát hiện ra phía trước cách 100m bên phải có một chiếc xe tải đang đậu, người lái xe đã đánh lái sang phía bên, nhưng (oái ăm thay chiếc xe đó là của bộ đội thông tin vốn quân của Chính uỷ Lê Chưởng trước đây) ghé qua nhà dân duy nhất ở đấy để xin nấu cơm nhưng không nghỉ được nên tiếp tục cho xe lên đường.


Thế là cả hai xe ngược chiều nhau bỏ cả con đường rộng lớn đâm nhau cùng lao xuống ruộng. Đ/c Chưởng ngồi trước xe bị kính vỡ đâm vào cùng với chấn động mạnh nên gục xuống và khi đưa đến bệnh viện huyện Cẩm Xuyên thì đã tắt thở. Bộ GD, Quân khu IV và Ủy ban Tỉnh Hà Tĩnh đều đã có mặt kịp thời, hàng chục chiếc xe của các đoàn đã tập kết tại địa bàn nhà tôi để giải quyết sự việc. Anh Tuấn (người lái xe) bị tạm giam còn tôi thì chạy như con thoi hết từ bệnh viện lại vào hiện trường rồi ra Ủy ban tỉnh. Vì thời tiết xấu máy bay trực thăng không xuống được, Quân khu IV cho xe Quân y vào chở đ/c về Hà Nội.


Để đáp ứng yêu cầu tang lễ cho đ/c sau mấy ngày nên ban pháp y đã mổ lấy phủ tạng của đ/c bỏ vào một cái tiểu giao cho chúng tôi chôn tại cồn Su (gần bệnh viện Cẩm Xuyên) đặt thêm vào là 5kg đường và trà. Điều mà tôi rất đau lòng là chỉ sau hai năm thì tôi đã để lạc mất một phần thi thể của Thủ trưởng. Toàn bộ tài sản của đ/c như ca táp, ba lô, đài bán dẫn, nhẫn vàng thì tôi đã cất giữ và bàn giao lại cho văn phòng Bộ. Riêng cuốn sổ tay thì Quân khu 4 giữ vì trong đó có những bí mật quân sự.


Đưa đ/c Chưởng về Hà Nội tôi cùng đi theo. Chỉ vì làm thất lạc mất bộ phận phủ tạng trên mà sau ngày hết khó (tang) tôi không thể và không dám gặp bà Trịnh Thị Muội (vợ của đ/c Chưởng) cùng con cháu ông, vì tôi không thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình. Mặt khác ngày hết khó của đ/c Chưởng cũng là ngày trường ba cấp Cẩm Bình giải thể và Hà Tĩnh nhập với Nghệ An. Ban lãnh đạo Ngành GD Cẩm Xuyên và trường ba cấp Cẩm Bình đi mỗi người mỗi ngả. Tôi đi trường khác nên không có điều kiện để ra Hà Nội và công tác với Bộ như trước nữa.


Từ đó đến nay đã gần 40 năm rồi, nhân đọc bài báo của Trần Tiêu, trong ký ức tôi những kỷ niệm xưa lại dồn về. Tôi nhớ đ/c Chưởng, nhớ câu thơ Tố Hữu “những thân hình Lê Chưởng…” trong lao tù, nhớ hình hài Lê Chưởng khi kết thúc cuộc đời tại bệnh viện Cẩm Xuyên cũng như những lời chỉ giáo ân cần sâu sắc đối với tôi trong những lần gặp gỡ đ/c. Tôi nghĩ không ngờ đ/c lại kết thúc cuộc đời một cách vô lý và oan uổng không đáng có như thế.


Rời quân ngũ, trở thành một người lãnh đạo GD, hẳn đồng chí còn đang nuôi bao dự định, kế hoạch. Qua bài báo của đ/c Trần Tiêu thì ngày 25/10 hàng năm là ngày truyền thống của Học viện Chính trị, tôi sực nhớ hôm đ/c hẹn tôi tại Thị trấn Cẩm Xuyên cũng là sáng 25/10. Chưa biết chừng đ/c có ý định về Hà Nội kịp để dự ngày truyền thống đó cũng nên? Vậy thông qua Báo Giáo dục và Thời đại cho phép tôi được nối tiếp câu chuyện nhân chứng và sự kiện về Chính uỷ Lê Chưởng – nhà cách mạng kiên cường, văn võ song toàn. Thật đáng tiếc, sinh thời ông được Đảng và đồng đội đặt cho bí danh Trường Sinh nhưng ông lại ra đi quá sớm. Tiếc thương thay!


Đặng ĐÌnh Tư

GDTĐ

  Từ khóa: thiếu tướng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP