Di tích - Thắng cảnh

Những “góc khuất” ở di tích Đền Chợ Củi

Đền Chợ Củi, còn gọi là đền Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây hằng năm thu hút đông đảo khách thập hương vãn cảnh, cầu phúc lộc. Tuy nhiên, xung quanh ngôi đền này vẫn tồn tại không ít những “góc khuất”, làm giảm đi vẻ đẹp, sự tôn nghiêm của một địa chỉ tâm linh.

Lá cờ đại với hàng chữ “Đệ thập Vương quan” (Quan Hoàng Mười) trước cửa chính ngôi đền, sát mép bờ sông Lam, trước mặt có những hàng cây cổ thụ toả bóng, bên cạnh núi Hồng Lĩnh 99 ngọn, cảnh sắc thiên nhiên rất hùng vĩ, tươi đẹp. Ngôi đền toạ lạc ở mái đông núi Ngũ Mã, ngoảnh ra bờ sông Lam, được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVIII thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, Quan Hoàng Mười, Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi.

Dù trời đã gần tối, song khách đến đền vẫn rất đông. Phía trên là hàng chữ “Thánh Mẫu linh từ” (Ngôi đền thiêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Đền Chợ Củi có diện tích 1.040m2, có Tam quan, hồ bán nguyệt, sân ngoài, sân trong, hạ điện, trung điện, thượng điện. Miếu cô Chín và bia đặt ở góc trái và phải phía trước sân ngoài.Tam quan cùng với hệ thống miếu cô miếu cậu tạo thành đai khép kín tách khu ngoại thất và nội thất thành hai phần. Cấu trúc các thành phần chính –  phụ, thượng – hạ, tả – hữu, tiền – hậu được bố cục theo một trục chính dọc theo tâm điểm cao dần về phía sau. Công trình vừa có tính liên hoàn vừa tách biệt, đây là kiểu kiến trúc khá phổ biến của đền chùa Việt Nam thời Hậu Lê.

Dòng xe cộ đổ về đền rất đông, trong đó có nhiều xe biển xanh. Chúng tôi đã “chộp” được hình ảnh này ngay trước đền. Mỗi xe ô tô vào cổng phải nộp 20 nghìn đồng tiền vé, vé giữ xe máy là 5 nghìn đồng/chiếc. Biển số xe phản ánh khách đền từ nhiều địa phương khác nhau, có cả trong Nam, ngoài Bắc. Với lượng xe cộ đông đảo, nguồn thu từ phí giữ xe hẳn không nhỏ.
Từ ngoài cổng đến tận cửa đền đã hình thành cả một dãy dài hàng mấy trăm mét bán vàng mã, hương hoa, tiền gieo quẻ, đồ lễ…với số lượng rất lớn và chủng loại cực kì phong phú. Chỗ gần đền, các chủ nhà hàng đã lợp mái che luôn trên lối đi, biến thành một cái đình chợ. Tất cả vàng rực lên, dù trời đã nhá nhem. Ngỡ như lạc vào một ngõ phố chuyên kinh doanh đồ thờ cúng, vàng mã ở Hà Nội. Rất nhiều người ăn xin ngồi dọc các lối đi, ngửa mũ, hoặc thùng các tông nhỏ, thấy khách đi qua thì cất tiếng van cầu.
Bên cạnh các đồ lễ, hàng lưu niệm…rất nhiều sách vở có nội dung bói toán, coi ngày tháng, coi tuổi, phong thuỷ…được bày bán công khai.

Vừa đến cổng đền, đã có nhiều người mời chào đổi tiền lẻ. Các xấp tiền lẻ mới cứng được xếp thành từng bó cho từng mệnh giá để sẵn trên quầy. Giá đổi 10 nghìn tiền chẵn ăn 8 nghìn tiền lẻ. Theo tìm hiểu của Tamnhin.net thì sau khi khách bỏ loại tiền này vào các hòm công đức thì “nhà đền” lại lấy ra đổi lại cho các “ngân hàng” với giá 12 nghìn tiền lẻ ăn 10 nghìn tiền chẵn. Có lẽ không “ngân hàng” trên thế giới lại có phí dịch vụ siêu lợi nhuận như vậy!
Cảnh trong đền rất lộn xộn. Có rất nhiều vị trí để thắp hương, từ cổng chính, đến hồ nước, các điện thờ, ban thờ, bia, tượng hộ pháp…Hương được đốt quá nhiều, biến lư hương thành một lò than, khiến cho những cây hương thắp ngọn chưa kịp cháy đã bị cháy gốc rơi xuống, phải quét vun vào một góc. Không có người hướng dẫn, khách cứ thấy chỗ nào có lư hương hay đã người khác cắm trước là cắm, khói bay nghi ngút.
Hương hoa được cắm, bày biện tuỳ tiện, nhếch nhác.
Chúng tôi chưa thấy ở di tích nào có nhiều hòm công đức như ở đây. Tính sơ sơ từ ngoài cổng đến giữa điện có hơn 20 hòm công đức, hòm nào cũng chật cứng tiền lẻ. Hòm công đức cũng được bày biện theo kiểu đối xứng: một ban thờ ở giữa có một hòm, hai bên tả hữu hai hòm.
Không chỉ bỏ tiền vào hòm công đức, khách còn bỏ tiền vào mâm lễ. Một chị không cầm hương, mà cầm xấp tiền lẻ vái lấy vái để. Ngay trước “Cung thờ Thánh Mẫu”, mấy người nhét tiền vào khe cửa, chắp tay rất cung kính.
Thậm chí ngay tại cửa lò đốt vàng mã, người ta cũng đặt thêm một hòm công đức nữa.
Một hòm công đức to tướng choán gần hết cửa ban thờ.
Những người viết sớ thuê đang miệt mài phục vụ khách hàng. Có nhiều bàn viết sớ, với đội quân “văn chỉ” đông hơn chục người tại thời điểm chúng tôi có mặt. Sớ viết bằng chữ Hán (cả chữ Nôm), ghi họ tên gia chủ, nội dung cầu xin phù hộ. Mỗi lá sớ giá 20 ngàn đồng. Sớ được dâng lên cùng mâm lễ, rồi nhờ thầy cũng biết chữ Hán đọc hộ, sau đó được đốt để dâng lên thần linh.
Thầy cúng đang đọc sớ cho một gia đình tại trung điện. Cả nhà cùng quỳ xuống, chắp tay thành kính nghe nội dung sớ. Vì người dâng sớ quá đông, nên cùng một ban thờ, hai phía có hai thầy đọc sớ cho hai thân chủ. Người đọc to át người đọc nhỏ, lại thêm người ra vào lộn xộn, không biết thần linh có nghe “thấu” được hết nội dung sớ? Có một cô gái tuổi còn trẻ, mặc áo đen cũng ngồi đọc sớ. Thầm khen “cô” quá giỏi, mới ít tuổi mà đã thông thạo Hán Nôm.
Một thanh niên (áo sọc đen) đang ngồi nghe thầy bói chỉ tay trước cổng đền. Thầy bói là một trung niên, giọng sang sảng đang vừa cầm tay vừa giảng cho khách nghe về tiền vận, hậu vận, vận hạn qua những đường chỉ tay ngoằn ngoèo, bé xíu.
Bốn con ngựa đại (ngựa lớn) được bày bán trước cửa đền. Chị chủ hàng cho biết giá mỗi con là 350 nghìn đồng.  Theo quan niệm dân gian, ngựa được mua, cúng xong đem đốt cho Ngài cưỡi. Trung bình mỗi người cần cầu khấn gì thì đốt một con, có khi cả đoàn cùng mua nhiều con để cúng và đốt. Mặc dù Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng có lẽ những người đi lễ Đền Chợ Củi chưa biết được điều đó, nên họ thản nhiên mua, cúng và đốt.
Một chú ngựa đã được mua, đưa vào để hành lễ và “hoá” (đốt).
Công nghệ “biến giấy màu thành tiền” được thực hiện ngay trước cửa đền, bởi một gia đình kiêm nghề giữ xe máy. Cậu con trai chủ nhà cho biết ngựa làm đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.
Lò hoá vàng rất lớn, xung quanh khói bám đen kịt, lửa rừng rực từ sáng đến tối như lò bát quái. Không biết nó đã “hoá” bao nhiêu chú ngựa, đồ vàng mã, và “đốt” hết bao nhiêu tiền của khách thập phương.
Gạo, muối cúng cô hồn rải trắng mảnh sân trước cổng đền, dưới mấy gốc cây cổ thụ. Không hiểu sao chim chóc không đến ăn, có lẽ chúng đã quá no nê.
Mặc dù đã có thùng đựng rác đặt trong khuôn viên đền và có những người phục vụ thường xuyên quét dọn, nhưng sân đền vẫn nhiều rác thải. Ngay trước cổng đền, sát mép sông, người ta đã thải ra một đống rác lớn, bốc mùi xú uế.
  Quang Đại – Hà Vy

Tam Nhin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP