Thế giới

Những cuộc mai mối trong tù của lính Mỹ trốn sang Triều Tiên

4 lính Mỹ trốn sang Triều Tiên cách đây gần 50 năm đều được sắp xếp kết hôn với tù nhân nữ là người ngoại quốc.

Jenkins (trái), một quân nhân Mỹ và Soga (phải), một y tá Nhật Bản, trước khi tới Triều Tiên. Ảnh: Kyodo.

Mỗi đêm trước khi ngủ, Charles Jenkins, một quân nhân Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên năm 1965, lại quay người sang Hitomi Soga - người phụ nữ Nhật Bản mà Triều Tiên sắp xếp cho ông phải lấy, và hôn bà ba lần, theo BBC.

"Oyasumi", ông nói bằng tiếng Nhật, nghĩa là "chúc ngủ ngon". Bà trả lời lại bằng tiếng Anh ở vùng Bắc Carolina, thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của Jenkins.

"Chúng tôi làm thế để không bao giờ quên chúng tôi là ai, quê hương ở đâu", Jenkins viết trong hồi ký.

Chuyện tình của họ đầy đau khổ, kỳ lạ và hấp dẫn. Mắc kẹt trong đất nước bị cô lập, nổi tiếng vì nạn đói và các trại lao động, hai người đến với nhau qua may rủi: mai mối trong tù.

Ông Jenkins qua đời hôm 11/12, thọ 77 tuổi, đã loạng choạng bước vào Triều Tiên vào một đêm định mệnh hồi tháng 1/1965. 24 tuổi, chàng lính Jenkins say rượu và chán chường. Là một trung sĩ quân đội Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc, Jenkins sợ sẽ trúng đạn lạc khi đi tuần ở biên giới, hoặc tệ hơn là bị điều sang chiến trường Việt Nam và chết ở đó.

Jenkins thừa hiểu đào tẩu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng ông vẫn nuôi hy vọng có thể xin tị nạn ở đại sứ quán Nga và hồi hương theo diện trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, số phận lại để ông bị phía Triều Tiên bắt giữ. Cuộc thử thách kéo dài 4 thập niên bắt đầu.

Hôn nhân cưỡng ép

Jenkins bị giam trong một phòng đơn cùng với ba người khác bỏ trốn từ năm 1962, đó là James "Joe" Dresnok, một người đàn ông vạm vỡ, cao tới hai mét; Larry Abshier - người được cho là lính Mỹ đầu tiên đào tẩu sang Triều Tiên; và Jerry Parrish, mới 19 tuổi khi trốn sang. Parrish nói nếu quay về nhà ở Kentucky, bố vợ khẳng định sẽ cầm dao giết anh.

4 người phải học tư tưởng của Kim Nhật Thành - người lãnh đạo Triều Tiên khi đó, 10 giờ mỗi ngày. Năm 1972, họ tách ra ở riêng và được gọi là công dân Triều Tiên, dù vẫn chịu giám sát.

Họ dạy tiếng Anh tại một trường quân đội nhưng Jenkins nhanh chóng bị sa thải vì chất giọng miền quê Bắc Carolina. 4 người buộc phải đóng vai ác trong một bộ phim tuyên truyền dài 20 tập khiến họ nổi tiếng thế giới. Họ cũng bị ép kết hôn với tù nhân nữ, đều là người ngoại quốc.

Jenkins tin rằng Bình Nhưỡng đang thực thi một chương trình sản xuất và đào tạo gián điệp, huấn luyện trẻ có ngoại hình phương Tây làm điệp viên ở nước ngoài.

Trong khi 4 lính Mỹ tới Triều Tiên theo cách riêng, vợ của họ không như vậy. Triều Tiên chỉ thừa nhận bắt cóc các công dân Nhật, nhưng Jenkins nói rằng những người vợ đến từ các quốc gia khác nhau đều bị điệp viên bí mật bắt cóc.

Hitomi Soga, người sau này trở thành bà Jenkins, là một y tá 19 tuổi vào năm 1978 khi bị bắt cóc từ đảo Sado, vùng biển phía tây Nhật Bản. Cô bị bắt để làm giáo viên dạy tiếng Nhật cho điệp viên Triều Tiên. Quốc tịch Nhật Bản của cô đem lại cho chồng một tương lai mà ông không bao giờ ngờ tới.

Khi hai người kết hôn năm 1980, Jenkins đã trải qua 15 năm đơn thân ở Triền Tiên. Ban đầu, hai người chẳng có điểm gì chung ngoài lòng thù ghét Triều Tiên nhưng thời gian trôi qua, họ bắt đầu yêu nhau.

Hơn 22 năm, Jenkins và Soga luôn hạnh phúc với hôn nhân. Họ biết ơn nhau và sinh được hai con gái: Mika, nay khoảng 35 tuổi và Brinda, kém chị hai tuổi. Bước ngoặt cuộc đời xảy đến với gia đình năm 2002, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thừa nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 70 và 80.

Ông Kim cho biết 8 người đã chết, đồng ý để 5 người còn sống trở về Nhật Bản. Đó là hai đôi vợ chồng và Hitomi Soga. Jenkins không được đi cùng vợ.

Nhật Bản cảm thông và chấp nhận những công dân xa quê hồi hương. Họ không bao giờ quay lại Triều Tiên nữa. Jenkins và hai con gái bị chia cắt với Soga. Ông biết rằng nếu cố gắng đoàn tụ với vợ ở Nhật, ông sẽ bị quân đội Mỹ bắt giữ và đối mặt án tù chung thân.

Hai năm xa vợ, Jenkins không đợi được nữa. Ông và các con bay tới Indonesia, nơi không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, để gặp bà Soga. Cuối cùng, dưới sự động viên của thủ tướng Nhật là Junichiro Koizumi khi đó, Jenkins nói ông sẽ bất chấp mạo hiểm bị tòa án binh xử phạt và chết trong tù để gia đình đoàn tụ.

Nụ hôn đoàn tụ của Jenkins với vợ ở sân bay Jakarta, Indonesia vào tháng 6/2004. Ảnh: AFP.

Ngày 11/9/2004, người lính đào tẩu ngồi trên một xe tải nhỏ rời bệnh viện tới Doanh trại Zama ở ngoại ô Tokyo. Jenkins trông già hơn tuổi 64. Mặc bộ vest xám, tay không chống gậy, ông đứng chào kiểu quân nhân với một sĩ quan quân đội Mỹ.

"Chào ngài, tôi là trung sĩ Jenkins, tôi tới trình diện", ông nói.

Jenkins bị kết án tượng trưng 30 ngày tù vì tội chạy trốn và giúp đỡ kẻ thù (khoảng thời gian ông dạy tiếng Anh), nhưng chỉ thụ án 25 ngày vì có thái độ tốt. Ông được cho là đã tiết lộ mọi điều mình biết về Triều Tiên để đổi lấy khoan hồng.

"Tôi đã mắc sai lầm lớn trong đời nhưng đưa hai con gái ra khỏi Triều Tiên là một trong những điều đúng đắn tôi đã làm", Jenkins tuyên bố.

Cho đến tận lúc chết, Jenkins vẫn tin rằng Triều Tiên muốn đào tạo con gái làm gián điệp. Hai trường ngôn ngữ hàng đầu mà các con ông theo học đã đào tạo họ làm gián điệp.

Hitomi Soga quay về đảo Sado năm 2004, đưa chồng và con gái đi cùng. Jenkins làm việc trong một công viên du lịch, bán bánh gạo và chụp ảnh cùng du khách. Soga làm việc trong một nhà dưỡng lão ở địa phương. Jenkins luôn nói hai con gái của ông không bao giờ hết bị cảnh sát theo dõi vì sợ họ là điệp viên Triều Tiên.

Trong thời gian 39 năm ở Triều Tiên, Jenkins phải cắt ruột thừa, mất một tinh hoàn và bị xóa một phần hình xăm quân đội Mỹ trên cánh tay mà không dùng thuốc gây tê.

Với ông, vợ là người cứu rỗi cuộc đời. Nhờ có bà, ông được chết với tư cách là một người tự do.

Số phận những đôi vợ chồng khác

Anocha Panjoy là một phụ nữ Thái Lan trẻ tuổi, được chính quyền Triều Tiên gả cho Lary Abshier năm 1978. Bà từng làm việc trong một nhà tắm công cộng ở Macau trước khi biến mất. Họ không có con, Anocha thành góa phụ khi Abshier qua đời năm 40 tuổi vì lên cơn đau tim. Theo Jenkins, người làm hàng xóm với Anocha khi đó, bà đã được đưa đi tái hôn với một người Đức làm gián điệp ở nước ngoài cho Triều Tiên.

Siham Shraiteh là người Lebanon, sinh được ba con trai với Jerry Parrish sau khi kết hôn. Theo Jenkins, bà bị bắt trong một trường đào tạo thư ký ở Beirut cùng với ba phụ nữ khác. Khi bố mẹ của họ đàm phán cho con quay về năm 1979, Siham lại phát hiện đang mang thai. Bà quay về Triều Tiên sinh con và không bao giờ rời đi nữa.

Đối với James Dresnok, bị ép lấy vợ ở Triều Tiên là cuộc hôn nhân thứ hai. Người vợ Mỹ của anh đã ly dị chồng năm 1963, khi Dresnok trốn sang Triều Tiên. Bình Nhưỡng sắp xếp cho Dresnok lấy Doina Bumbea, một phụ nữ Romania. Hai người sinh được hai con trai.

Lính Mỹ đào tẩu Jenkins trình diện sĩ quan quân đội Mỹ ở Tokyo năm 2004. Ảnh: AFP.

Theo hồi ký của Jenkins, Bumbea bị bắt cóc khi đang là sinh viên trường nghệ thuật ở Italy. Bà chết năm 1997 vì ung thư phổi. Dresnok tiếp tục kết hôn hai lần nữa với con gái của một nhà ngoại giao Togolese và một phụ nữ Triều Tiên, có thêm một con trai.

Ba con của Dresnok và người vợ thứ ba tham gia một bộ phim tài liệu của Anh năm 2006 có tên Bước qua Ranh giới. Siham Shraiteh cũng xuất hiện trong phim, tuyên bố không phải bà bị bắt cóc mà tình nguyện ở lại Triều Tiên cùng các con.

Dresnok là lính Mỹ cuối cùng sống ở Triều Tiên, chết vì đột quỵ vào cuối năm 2016, thọ 74 tuổi.

"Tôi chưa từng hối hận vì đã tới Triều Tiên, Tôi sẽ không bao giờ đánh đổi nó với bất kỳ thứ gì", ông tuyên bố trong bộ phim.

Charles Jenkins là người duy nhất trong số 4 lính Mỹ đào tẩu năm 1960 ra khỏi Triều Tiên.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP