Dự án đầu tư

Nhiệt điện Vũng Áng 1: “Sân chơi” của sức trẻ LILAMA

Chúng tôi có mặt tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) vào một ngày đầu thu. Nhìn từ xa, đã thấy sừng sững một nhà máy nhiệt điện, vững chãi bên bờ biển Vũng Áng. Trái với những ồn ào, náo nhiệt của một đại công trường khi tôi có mặt vào mùa đông năm ngoái, quang cảnh nhà máy giờ thật bình yên, gọn gàng đâu vào đấy. Giám đốc Ban Dự án điện Vũng Áng 1 LILAMA Nguyễn Duy Lợi tươi cười: “Giờ mình đã có thể ngủ ngon được rồi. Tổ máy số 1 đã được hiệu chỉnh tối ưu hóa hệ thống, phát điện đạt mục tiêu thiết kế với công suất tối đa. Mồng 2/9 này, chúng tôi tiếp tục chạy phát điện tổ máy số 2 sau thời gian thông thổi hơi hoàn thành”.


Kỹ sư Nguyễn Duy Lợi (người đứng) bên các kỹ sư trẻ trong phòng điều hành nhà máy.

Vượt lên chính mình

Sự thư thái thể hiện rõ trên gương mặt của người Giám đốc đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lắp máy, trong đó 3 năm rưỡi gắn bó với công trường Vũng Áng – thời gian lâu nhất trong các dự án mà anh tham gia. Anh kể, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có nhiều điểm khác so với các dự án khác: Là dự án chạy than công suất 600MW có quy mô đồ sộ với công nghệ phức tạp nhất Việt Nam hiện nay; giá thầu thấp, điều kiện thi công vô cùng khắc nghiệt, kể cả đến bây giờ, điều kiện của KKT Vũng Áng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như tháng 7 vừa rồi thiếu nước, anh em phải chắt chiu từng giọt nước bên suối.

Tuy nhiên, điều đáng nói là với một dự án lớn, phức tạp nhưng LILAMA đã chủ động hết, nhất là về kết nối các giao diện với nhau một cách tương thích và đồng bộ. Và kết quả đạt được lớn nhất mà những cán bộ, kỹ sư, công nhân LILAMA đạt được là đưa công suất tổ máy lên 632MW. “Mình vẫn còn nhớ như in cảm giác căng thẳng, hồi hộp đến nghẹt thở khi chờ đưa điện lên lưới hôm đó: lần đầu đạt mức 300MW, rồi đến 400, 509. Lần cuối cùng đã đạt mức 599MW rồi lại xuống. Đến lúc công suất phát điện lên đến 600MW, mọi người ôm nhau vỡ òa trong niềm vui. Và khi công suất lên mốc 632MW, một cảm giác vui sướng đến tột độ trên gương mặt những người con lắp máy sau nhiều ngày đêm căng thẳng, hồi hộp”, kỹ sư Lợi chia sẻ.

Có thể nói, đây là dự án mà LILAMA đã phát huy được nội lực cao nhất khi làm tổng thầu EPC, cả về trình độ thi công, quản lý. Nếu như ở dự án khác, lực lượng chạy thử chỉ là giám sát thì ở đây, LILAMA đã đào tạo được đội ngũ chạy thử hùng hậu, có kinh nghiệm đảm nhận tới 90% công việc của nhà máy.

Để đạt được điều đó, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu là vô cùng quan trọng. Trong một dự án lớn như Vũng Áng, có nhiều gói thầu nhỏ với nhiều nhà thầu tham gia, và tổng thầu EPC LILAMA phải làm sao kết nối được các hạng mục, các nhà thầu với nhau để làm việc một cách trơn chu. Và giờ đây, tại LILAMA, ai cũng có thể làm được điều đó. “Trong lần chạy thử tổ máy 1 vừa rồi, một cái van có vấn đề đã làm náo loạn cả thế giới vì van đó xuất xứ tại Mỹ. Từ Mỹ, nhà cung cấp phải kiểm tra xem có vấn đề gì không? Các nước có sử dụng van đó cũng phải kiểm tra xem có vấn đề gì không? Và trong khi chờ họ thì chúng tôi phải tính phương án khác thay thế. Phương án thay thế ốc vít được LILAMA đưa ra nhanh hơn mà vẫn đáp ứng được yêu cầu thiết kế. Nên vấn đề đặt ra là mình phải xử lý những vấn đề mang tính toàn cầu nhanh nhất và hiệu quả nhất. Dự án càng lớn, càng phức tạp đòi hỏi kỹ năng càng cao”, kỹ sư Lợi cho biết thêm.

Sân chơi của những người trẻ

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh nhà máy, ra khu vực cầu cảng, nơi có hệ thống băng tải than đang rầm rập ngày đêm, kỹ sư Lợi giới thiệu, đây là hệ thống máy hút than tự động lần đầu tiên có tại Việt Nam. Trên boong tàu, kỹ sư Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1984, đang điều khiển bằng remote hệ thống máy nhẹ nhàng như cầm một chiếc đồ chơi. Chỉ với chiếc remote nhỏ bé trong tay, Hưng có thể điều khiển toàn bộ hệ thống dây chuyền vận chuyển than từ tàu vào khu băng dẫn tải than cung cấp cho toàn bộ nhà máy. Bằng phương pháp này, đã có hơn 300 nghìn tấn than được vận chuyển từ tàu vào nhà máy, đủ để chạy thử cả hai tổ máy. Điều đáng nói, LILAMA hiện có 07 kỹ sư trẻ thay phiên nhau làm thành thạo và là những người đầu tiên ở Việt Nam làm được công việc này.


Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Có thể nói, một trong những thế mạnh của LILAMA tại Vũng Áng là có một đội ngũ kỹ sư trẻ, nhiệt huyết và đầy năng lực. Có tới 80% số cán bộ, kỹ sư thuộc thế hệ 8X, và đều giữ những cương vị quan trọng trong Ban dự án. Đơn cử như phòng Chạy thử có 38 kỹ sư, người “già” nhất cũng sinh năm 1982, còn lại đều sinh từ năm 1985 đến 1989. Kỹ sư Huỳnh Hữu Vinh, sinh năm 1982-trưởng phòng chạy thử- người bận rộn nhất trong thời điểm này- cho biết: “Đây là dự án đầu tiên LILAMA xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 600MW ở cương vị EPC. Dù có khó khăn, vất vả nhưng đây là môi trường lý tưởng để mình học hỏi, trau dồi và trưởng thành”.

Đặc biệt, kỹ sư Phạm Văn Hiệp, sinh năm 1985 – Phó phòng Chạy thử cho biết: “Trong những ngày nước rút chạy thử vừa qua, em về quê cưới vợ vài ngày rồi lại vào ngay, làm cả tháng nay chưa về. Do đặc thù công việc, đang vào lúc nước sôi lửa bỏng nên em không thể vắng mặt. Khi nào dừng máy em sẽ về thăm vợ sau cũng được”.

Trò chuyện với tôi, kỹ sư Lợi không dấu được vẻ hài lòng về đội ngũ kỹ sư trẻ, những người có thể làm “thay tay, thay tàu”của mình. Anh cho biết, phải mất đến chục năm, qua một quá trình đào tạo, dìu dắt mới có được một kỹ sư giỏi như thế.

Vậy, cái được lớn nhất của LILAMA sau dự án này là gì, tôi hỏi? Là sự tự tin – kỹ sư Lợi không ngần ngại khẳng định. Từ nay trở đi, trước bất kỳ một dự án nhiệt điện nào ở Việt Nam mình cũng nhìn nhận một cách bình thường, không choáng ngợp nữa.

Những điều ấn tượng nhất của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng

– Là dự án chạy than công suất 600 MW có quy mô đồ sộ với công nghệ phức tạp nhất Việt Nam hiện nay.

– Công suất tổ máy đạt mức cao nhất (632 MW)

– LILAMA đã đào tạo được đội ngũ chạy thử hùng hậu, có kinh nghiệm đảm nhận tới 90% công việc của nhà máy.

– Hệ thống máy hút than tự động lần đầu tiên có tại Việt Nam. LILAMA hiện có 07 kỹ sư trẻ và là những người đầu tiên ở Việt Nam có thể điều khiển hệ thống này.

– Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy được xây dựng tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp của các nước G7. Khi đi vào hoạt động, nhà máy đóng góp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỷ KWh/năm, doanh thu bán điện khoảng 289 triệu USD/năm (tương đương khoảng 4.900 tỷ đồng).

Vân Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP