Cuộc sống

Nhập viện vì nghiện 'phây'

Đi học về, Nam (14 tuổi, Hà Nội) lại ôm điện thoại, máy tính cắm mặt vào facebook (phây) nhắn tin, chat với bạn. Sợ ảnh hưởng đến việc học của con, bố mẹ đã tịch thu điện thoại, máy tính thì nam sinh này bất ngờ lên cơn co giật.

Thẫn thờ nhớ mạng xã hội

Đây là một trường hợp điển hình của chứng nghiện facebook được ghi nhận tại Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai) trong thời gian vừa qua.

Ảnh có tính chất minh họa

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết: Cậu thiếu niên 14 tuổi được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần, khám gần đây. Theo người nhà, trẻ vào mạng khoảng 10 tiếng/ngày. Hễ đi học về cậu ấy hoặc bật máy tính hoặc vớ điện thoại để lên facebook chat với các bạn. Bố mẹ sợ con bị ảnh hưởng đến việc học nên đã tịch thu hết máy tính, điện thoại. Điều bất ngờ là sau đó trẻ lên cơn co giật.

“Trường hợp của trẻ được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân ly, biểu hiện co giật không phải do vấn đề thực thể. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ chữa cho bệnh nhân hết co giật, đồng thời tư vấn gia đình quản lý việc sử dụng facebook để trẻ có thể phục hồi, đi học bình thường”, BS Phương nói.

Chia sẻ về một trường hợp khác là nạn nhân của facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, Ths Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết: Bệnh nhân là nam, 20 tuổi đang là sinh viên. Bệnh nhân này sử dụng máy tính từ khi học cấp 3, lúc thi đỗ đại học được gia đình sắm cho laptop và điện thoại. Mỗi ngày bệnh nhân vào mạng từ 8 - 10 tiếng đồng hồ đến mức quên hết thực tại, học hành sa sút và nhà trường buộc thôi học. Bệnh nhân về quê, cứ buổi chiều đi sang hàng xóm ngồi thẩn thơ, gia đình sợ mắc chứng trầm cảm cho đi khám mới biết rõ nguyên nhân là do “nhớ” mạng xã hội.

Cách nào điều trị?

“Nghiện facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên facebook, ảnh hưởng đến hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống như: Công việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè thật. Việc sử dụng facebook nhiều nhưng có mục đích rõ ràng thì không phải gọi là nghiện facebook. Bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào cũng có thể rơi vào tình trạng này”, TS Phương nhấn mạnh.

Cũng theo TS Phương cho biết, trên thế giới hiện chưa có mã bệnh về nghiện facebook. Tại Viện cũng chưa có bệnh nhân nào vào vì nghiện facebook đơn thuần… Tuy nhiên, các bác sĩ gặp các bệnh nhân bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, lo âu… có kèm theo nghiện facebook. Khi điều trị xong, bệnh nhân cũng không còn nghiện facebook như trước.

Ths Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết thêm, nghiện facebook dễ dẫn đến người dùng chỉ sống trong thế giới ảo, ít quan tâm đến cuộc sống thực. Công việc, học tập đều giảm sút, thậm chí không quan tâm đến sức khỏe; ăn ngủ không đúng giờ... Từ đó có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đêm vào facebook, ngày ngủ; thậm chí có trường hợp phải ngừng học, bị đuổi học. Tình trạng lệ thuộc này cũng có thể làm phát sinh những rối loạn tâm thần tiềm tàng khi người dùng có biểu hiện ngủ kém, sức khỏe kém.

Nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc nghiện facebook có thể dẫn tới mất ngủ, gây ra trầm cảm hay ngược lại. Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện facebook mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng.

Theo thang đo nghiện facebook của Bergen được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy, nghiện facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên facebook. Điển hình, nó liên quan đến việc sử dụng facebook của 1 người sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như làm việc, trường học hoặc duy trì mối quan hệ với bạn bè trong gia đình và bạn bè "thật".

“Nếu vẫn dùng thì cố gắng khống chế thời gian dùng. Ví dụ, ngày hôm nay bạn vào mạng bao lâu thì có thể ghi chép lại, để theo dõi xem thời gian này tăng hay giảm đi. Nếu có lo âu, trầm cảm, mất ngủ thì có thể can thiệp thêm bằng thuốc”, Ths Hà chia sẻ.

Các dấu hiệu nghiện "phây"

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, dấu hiệu của nghiện facebook gồm: Cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook mà không thành công; bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó; bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng facebook càng ngày càng nhiều; cảm thấy bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook; sử dụng facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc, học tập.

Nếu thấy mình có nguy cơ, bạn nên dừng sử dụng, có thể có sự can thiệp về tâm lý. Khi thấy có các dấu hiệu trên bạn nên ngừng, xóa facebook.

Cần có liệu pháp tâm lý để dừng hoàn toàn. Bạn nên lập kế hoạch thời gian hợp lý, kín lịch và cố gắng tuân thủ thời gian biểu để không có thời gian rảnh vào facebook.

Tác giả: HẢI PHONG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: nghiện facebook , nhập viện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP