Quốc hội khóa XIV

Nhân sự Đại hội: ‘Đảng đã làm những bước rất thận trọng’

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 12, Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng: Một là thăm dò; Hai là ghi phiếu tín nhiệm.

VOV.VN trò chuyện với GS Hoàng Chí Bảo – ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Xanh – Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.Còn gần 20 ngày nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sẽ diễn ra, công tác nhân sự đang được dư luận hết sức quan tâm. Qua theo dõi việc tổ chức đại hội ở các cấp và các hội nghị Trung ương, các vị khách mời nhận định ra sao về công tác chuẩn bị nội dung, nhân sự của Đại hội lần này?

PGS.TS Phạm Xanh: Tôi kỳ vọng vào sự chuẩn bị của Đảng ở Đại hội lần này. Rút kinh nghiệm của các lần đại hội trước và của các hội nghị, chúng ta làm có thể nói là không chặt chẽ nên rất nhiều người không trong sạch, phẩm chất đạo đức đã đi xuống vẫn có thể vào trong Đảng, vẫn có thể vào ngồi trong BCH Trung ương. Cái đó trở thành những suy nghĩ, ám ảnh đối với người dân khi Đại hội XII sắp họp.

Đại hội Đảng, Đại hội Đảng 12, nhân sự Đại hội Đảng, hội nghị Trung ương 13
PGS.TS Phạm Xanh (trái) và GS Hoàng Chí Bảo (phải)

Tôi cũng theo dõi khá chặt chẽ hội nghị từ dưới trở lên và có sự chuẩn bị đội ngũ một cách hết sức cẩn thận, cùng với đó các BCH ở các tỉnh, đảng bộ cũng tổ chức để bồi dưỡng, đào tạo những người có thể vào được những ghế lãnh đạo. Tôi cho rằng, lần này chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo trong việc lựa chọn những người vào những ghế quan trọng ở trong cấp bộ đảng.

Trong hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề xuất một ý mà tôi cho rằng cực kỳ thú vị là các đại biểu viết bằng tay đề cử những người vào BCH Trung ương hoặc vào 4 chức vụ cao nhất, chủ chốt trong Đảng. Tôi cho rằng đó là sự chuẩn bị đầy trách nhiệm khi chọn người vào ghế lãnh đạo. Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị một cách chu đáo, chúng ta sẽ có được một lớp người lãnh đạo, trẻ trung, đầy sáng tạo và đưa đất nước đi lên từng bước một.

GS Hoàng Chí Bảo: Tôi đồng ý với PGS.TS Phạm Xanh. Tôi xin bổ sung ý này, để chuẩn bị nhân sự cấp cao lần này, BCH Trung ương khóa 11 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo, chúng ta mở rất nhiều lớp đào cán bộ nguồn của Trung ương và đào tạo cho cả các địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy.

Để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ mới, TƯ mở tới 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt. Tất cả ứng viên vào TƯ khóa 12 bắt buộc phải qua những lớp đó. Đó là những điều kiện về mặt nhận thức lý luận vì tình hình phát triển đất nước bây giờ đòi hỏi phải có trí tuệ, anh phải thực sự là tinh hoa trong Đảng và trong dân mới giải quyết được những vấn đề phát triển đất nước hệ trọng như thế này. Chuẩn bị này rất hệ trọng, nghiêm túc.

Ngay trong BCH Trung ương cũng thực hiện một chương trình học tập, nghiên cứu lý luận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe những chuyên đề lý luận mới, cập nhập những kiến thức mới gọi là tầm nhìn tư duy chiến lược.

Chuẩn bị thứ 2 như PGS.TS Phạm Xanh nói là những hội nghị TƯ gần đây, mà gần nhất là hội nghị lần thứ 13 đã bàn thảo rất kỹ lưỡng về quy chế bầu cử. Vì đại hội lần này đông đến hơn 1.500 đại biểu nên quy chế bầu cử trong Đảng phải rất khoa học và chặt chẽ thì ra đại hội mới thực hiện được những điều tốt lành mong muốn mà chúng ta đã dự định về nhân sự.

Hai nữa là chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ ngay trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, để xem xét tiêu chuẩn về tài năng, đức độ, phẩm chất chính trị. Chúng ta nhớ là hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra một tuyên bố, quyết tâm chính trị lớn được lòng dân, làng đảng là “lần này quyết không để những kẻ lắm tiền, nhiều của, giàu có bất minh, bất chính lọt vào được TƯ”. Nhưng điều quan trọng là cơ chế nào, biện pháp nào và những đảm bảo an toàn như thế nào về phương diện con người để thực hiện được điều tốt đẹp đó?

Cuối cùng, chúng ta cơ cấu tới 200 đồng chí trong TƯ gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, làm thế nào để chọn những người đủ phẩm chất năng lực, đủ uy tín để đảm nhận trọng trách đó. Rồi lại kết tinh vào 4 chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội thì lần này, Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng: Một là thăm dò; Hai là ghi phiếu tín nhiệm.

Bộ phận tiểu ban nhân sự phải tổng hợp lại để trình cơ quan thẩm quyền cao nhất để cuối cùng thông qua một lần nữa tại hội nghị TƯ 14 trước khi bước vào đại hội. Tôi cũng như PGS.TS Phạm Xanh có đủ căn cứ để tin cậy, kỳ vọng vào sự lựa chọn sáng suốt của đại hội để chọn những nhà lãnh đạo xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân, đưa dân tộc chúng ta vượt qua những khó khăn, đạt đến sự phát triển ngang tầm thế giới.

PV: Nhân dân luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo đất nước. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, một người dân, PGS.TS Phạm Xanh kỳ vọng như thế nào vào bộ máy lãnh đạo đất nước?

PGS Phạm Xanh: Như tôi đã nói, tôi kỳ vọng vào lần này, Đại hội Đảng lần thứ 12, Quốc hội khóa 14 sẽ lựa chọn những người xứng đáng, đủ tầm vào trong những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, để đất nước chúng ta sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP