Kỳ Anh

Nhận đền bù hàng trăm triệu, dân vẫn như… "ngồi trên lửa"

Trong những ngày giáp Tết, người dân 5 xã ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được UBND tỉnh chi trả hơn 500 tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp thuộc siêu Dự án PORMOSA. Mặc dù, cầm hàng trăm triệu đồng trong tay nhưng hàng ngàn nông dân nghèo nơi đây vẫn chẳng mấy ai vui.


5 xã được tiền đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp đợt một của UBND tỉnh Hà Tĩnh thuộc Dự án PORMOSA (Đài Loan) vào tháng 12/2008 gồm: Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Lợi và Kỳ Thịnh. Số đất nông nghiệp của nông dân bị thu hồi gần 1.200ha, giá đất đền bù 1m2 được 32,5 ngàn đồng (1 sào Trung Bộ 500m2 giá 16 triệu đồng), tương ứng với tổng số tiền đền bù đợt 1 là 503 tỉ đồng.



Đổ xô đi sắm đồ đắt tiền



Trong tổng số 3.401 hộ nhận đền bù vừa qua, có nhiều gia đình nhận số tiền lớn đến hàng trăm triệu như gia đình anh Hoàng Minh Châu (408 triệu), Trần Quốc Vinh (400 triệu), Lê Anh Ngọc (400 triệu)… ở xóm Hồng Hải xã Kỳ Phương. Gia đình ít cũng được nhận khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng.


Do từ trước đến nay phải sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn, nên khi có số tiền lớn như vậy trong tay hầu hết người dân đã đổ xô đi mua sắm các vật dụng đắt tiền cho gia đình.



Tại các đại lý bán xe máy, ti vi, tủ lạnh ở Thị trấn Kỳ Anh, lượng khách đến mua hàng trong mấy ngày qua đông hơn nhiều lần so với trước đây.



Một chủ cửa hàng bán xe máy cho biết: ”Sau khi tỉnh phát tiền đền bù thì lượng khách đến mua hàng tăng lên một cách đột biến. Vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày cửa hàng tôi bán được khoảng 50 chiếc, ngày cao cũng lên đến 100 chiếc. Có hôm, mới buổi sáng đã hết hàng”.



Nhận đền bù hàng trăm triệu, dân vẫn như… ngồi trên lửa

Sau khi nhận được tiền đền bù, nhà nào cũng lo đi sắm đồ. Ảnh: Hà Vy

Đúng như lời chủ cửa hàng này nói, trước phòng nộp thuế của Chi Cục Thuế và phòng đăng ký xe máy của Công an huyện Kỳ Anh, lượng người đến làm thủ tục đông nườm nượp. “Mặc dù, đã bố trí tăng cường lực lượng nhưng chúng tôi vẫn không tài nào làm kịp” – một cán bộ thuế cho biết.



Đi một vòng quanh các xã, thấy nhà nào cũng vừa mới sắm xe máy, ti vi và nhiều vật dụng khác. Nhiều đại lý bán các đồ dùng đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng mọc lên khá nhanh tại các xã như Kỳ Phương, Kỳ Lợi.



Anh Nguyễn Văn Hồng (xã Kỳ Lợi) cho biết: ”Sau khi nhận được gần 80 triệu, tôi mua hai chiếc xe máy, một ti vi và một giàn karaoke hết gần 40 triệu đồng. Đó là ước mơ của cả gia đình suốt bao nhiêu năm bây giờ mới có điều kiện để thực hiện”.



“Tiền núi ăn cũng lở, chúng tôi cần nghề!”



Để nhận được số tiền đền bù này, những người nông dân ở 5 xã nói trên phải trả lại hầu như toàn bộ số đất nông nghiệp của gia đình. Cho nên, dù nhận được số tiền lớn nhưng ai nấy cũng đều lo ngay ngáy vì không biết rồi đây gia đình làm nghề gì để sống.



Nhiều đại lý mới mở ngay tại xã để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Hà VyChị Lê Thị Nguyệt (xã Kỳ Phương) lo lắng: ”Gia đình tôi có 7 khẩu, trước đây làm 3 mẫu ruộng mới đủ ăn và chi tiêu hàng ngày. Vừa rồi, toàn bộ số ruộng ấy đã bị thu hồi nên bây giờ cả 7 lao động trong nhà đều rơi vào cảnh thất nghiệp. Tôi rất lo lắng bởi mấy trăm triệu tiền đền bù này nó không sinh lãi, nên chỉ tiêu khoảng vài năm là hết”.



”Cái người nông dân cần nhất bây giờ là chuyển đổi nghề. Nếu lấy ruộng thì phải kiếm cho chúng tôi một cái nghề nào khác chứ cứ ăn không ngồi rồi như thế này thì tiền núi cũng hết” – anh Hoàng Văn Hường (xã Kỳ Phương) cùng có chung tâm trạng.



Được biết, sau khi UBND tỉnh thu 650,74ha đất sản xuất nông nghiệp của 1.256 hộ ở xã Kỳ Phương trả cho dự án đã khiến hơn 2.500 lao động ở đây rơi vào cảnh thất nghiệp.



Ruộng đã bị thu nên người dân chẳng còn đất canh tácÔng Lê Công Diếu – Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương tỏ ra lo lắng: ”Sau khi mất ruộng, khoảng 500 thanh niên khỏe mạnh ở xã đã vào Nam làm thuê kiếm sống, còn khoảng 2.000 lao động khác chỉ ở nhà chơi và uống rượu”.



“Mặc dù, đã nhiều lần kiến nghị với huyện và tỉnh là cần chuyển đổi nghề và tạo việc làm mới cho dân, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Nếu tình hình này kéo dài chắc chắn dân sẽ đói…”.



Ông Lê Xuân Oanh – Bí thư UBDN xã Kỳ Thịnh thì cho hay: ”Tôi thấy việc UBND tỉnh khi tiến hành thu ruộng chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng nghề cho những người nằm trong độ tuổi lao động là không hợp lý, bởi lao động ở nông thôn có những đặc thù riêng. Bây giờ thu ruộng của số này nhưng lại không có tiền chuyển đổi nghề thì họ biết xoay xở thế nào”.



Tuy nhiên, khác với tâm trạng của các lãnh đạo xã Kỳ Phương, Kỳ Thịnh cũng như người dân, khi trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kim Cự – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiêm Trưởng ban Dự án Khu kinh tế Vũng Áng lại cho rằng:”Việc chuyển đổi và tạo nghề mới cho bà con không phải là chuyện nói là làm ngay được. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành liên hệ với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để tìm cách đào tạo nghề cho bà con”.



“Còn chuyện hỗ trợ nghề cho đối tượng trước và sau tuổi lao động khi thu đất nông nghiệp của họ thì chúng tôi đang nghiên cứu và tìm hướng giải quyết trong thời gian tới” – ông Cự cho biết thêm.


Hà Vy

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP