Giải trí

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó" qua đời

Tác giả ca khúc "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó"..., nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vừa qua đời vào lúc 9h07 phút sáng nay, 11/2.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã qua đời sáng nay, vào lúc 9h07 phút, hưởng thọ 87 tuổi".

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ thêm: "Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mắc Covid-19, được đưa sang bên Đông Anh điều trị. Khi khỏi rồi, nhạc sĩ được đưa về nhưng lại bị phổi, phải vào viện cấp cứu. Ông mất vì bệnh phổi..."

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh 15/5/1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thành Chương, tỉnh Nghệ An. Dù không trải qua các trường đào tạo âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là những ca khúc về truyền thống, cách mạng.

Trong đó, tác phẩm "Xa khơi" của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc. Không chỉ "Xa khơi" mà rất nhiều ca khúc khác của ông đã sống mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê từ thời tuổi thơ. Ông mê mẩn với những điệu "ví dặm" những khúc hát "đò đưa" của quê hương. Nửa về nửa lại buồn đây, về thì nhớ mẹ mà ở đây thì nhớ nhà - có lúc ông đã khóc vì những câu hát đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời (Ảnh: ST).


Năm 1955, khi học hết cấp 3, Nguyễn Tài Tuệ ra Hà Nội. Bố ông muốn con trai đi theo con đường văn chương để làm thầy giáo.

Học được một thời gian, Nguyễn Tài Tuệ mới thấy âm nhạc là cái nghiệp của mình chứ không phải văn chương và ông đi theo tiếng gọi của nó.

Bước đầu, Nguyễn Tài Tuệ về làm diễn viên của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương hát với những ca sĩ Quốc Hương, Mai Khanh, Chu Minh, Thương Huyền trong một dàn hợp xướng và cứ thế đi theo con đường sáng tác.

Ðầu năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ lên công tác tại Ðoàn ca múa Lao - Hà Yên. Tại đó ông được tiếp xúc nhiều với dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dáy... và có sáng tác được nhiều ca khúc bất hủ như "Mùa xuân gọi bạn", "Suối Mường Hum còn chảy mãi", hợp xướng "Xuân về trên bản"…

Đầu năm 1959, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ về Hà Nội công tác tại Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện nay.

Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Bài "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó" và "Xa khơi" là những ca khúc giá trị thời đó.

Từ năm 1966 đến năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học sáng tác âm nhạc bậc Đại học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên).

Trở về nước, ông tiếp tục công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.

Ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó" gắn với tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (Ảnh: ST).


Ông viết ca khúc đều đặn và các tác phẩm của ông đều gần gũi với âm hưởng dân gian. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, đặc biệt cho nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, ông còn viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca. Các ca khúc chính như "Lời ca gửi noọng", "Tiếng hát giữa rừng Pác Pó", "Lê Quang Vịnh - người con quang vinh", "Xa khơi", "Xuân về trên bản Nhắng", "Về mỏ", "Xôn xao bến nước"...

Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ "Những cánh chim cao nguyên", "Kỷ niệm quê hương" (cello và piano). Ngoài ra, nhạc sĩ cũng đã xuất bản "Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ" và album riêng tác giả.

Với những cống hiến của mình cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL).

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP