Thế giới

Nhà tù giam giữ tội phạm khét tiếng đẹp như khu nghỉ dưỡng cao cấp

Một nhà tù được xây dựng theo mô hình “nhà tù nhân đạo” sắp được mở cửa tại một vùng tự trị thuộc Đan Mạch đã gây ấn tượng nhờ kiến trúc trông giống những khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Bắc Cực, theo CNN.

Mô phỏng thiết kế của nhà tù Ny Anstalt (Ảnh: Facebook)

Ẩn mình trong phong cảnh Bắc Cực hùng vĩ và tuyệt đẹp với những ngọn núi tuyết hùng vĩ, công trình Ny Anstalt trông giống một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nhưng khu phức hợp nằm ở Nuuk, thủ phủ của Greenland, Đan Mạch, là một nhà tù.

Khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019, công trình này sẽ trở thành nhà tù nhân đạo, một mô hình khá quen thuộc ở Bắc Âu. Những người nghĩ ra mô hình này tin rằng nếu các tù nhân được sống trong một môi trường bình thường, ít khắc nghiệt thì họ sẽ dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng và giảm thiểu khả năng tái phạm tội trong tương lai.

Thành phố Nuuk nằm gần mũi phía Nam của đảo Greenland - một khu vực tự trị thuộc Đan Mạch, gần Bắc Cực. Với 56.000 cư dân, Greenland là khu vực có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới.

Greenland đang vận hành hệ thống nhà tù khá “mở cửa” khi họ cho phép các tù nhân được rời nhà tù để đi làm, đi học, hoặc đi săn và quay về vào buổi tối. Kết quả là cả 6 nhà tù ở Greenland với 154 tù nhân đều khá lỏng lẻo về mặt an ninh.

Nhiều các quốc gia Bắc Âu nổi tiếng với tỉ lệ tội phạm thấp. Theo số liệu của EU, chỉ có 3 vụ giết người xảy ra ở Iceland trong năm 2015. Tuy nhiên, ở Greenland, tỉ lệ tội phạm cao gấp 3 lần các khu vực còn lại của các quốc gia Bắc Âu.

Mô phỏng khu sinh hoạt chung của tù nhân (Ảnh: Facebook)

Cuộc cải tổ ở Greenland diễn ra sau Thế chiến 2 đã khiến tỉ lệ tội phạm ở nước này tăng cao. Rượu và đồ uống có cồn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng số lượng phạm nhân ở khu tự trị này. Do thiếu cơ sở vật chất cần thiết, cũng như hệ thống nhà tù khá yếu về an ninh, Greenland buộc phải gửi những tội phạm khét tiếng nhất sang nhà tù ở Đan Mạch. Tuy nhiên, các tù nhân này chỉ nói tiếng Greenland chứ không phải tiếng Đan Mạch vì vậy họ không thể giao tiếp với cai ngục khiến cho họ trải nghiệm cuộc sống khá khó khăn.

Khi nhà tù Ny Anstalt mở cửa, toàn bộ các phạm nhân từ các nhà tù Greenland đang vận hành và các nhà tù ở Đan Mạch sẽ được chuyển về giam giữ ở cùng 1 nơi. Khoảng 30 tù nhân bị giam giữ ở nước ngoài cũng sẽ có cơ hội được quay về quê hương để thụ án.

Mô hình bên ngoài nhà tù (Ảnh: Facebook)

Năm 2013, nhóm gồm 2 công ty kiến ​​trúc Đan Mạch là Friis & Moltke và Schmidt Hammer Lassen đã vượt qua 5 đối thủ khác để giành hợp đồng thiết kế nhà tù Ny Anstalt. Bản thiết kế của nhà tù đã giành giải kiến trúc thế giới vì nó được thiết kế vận hành như một ngôi làng nhỏ. Tại đây, các tù nhân sinh sống trong các khu nhà ở, nơi làm việc, cơ sở giáo dục, thể thao, thư viện, trung tâm y tế và nhà thờ.

Nhà tù rộng 8.000 m2, có 76 buồng giam, trong đó 40 buồng sẽ được rào kín dành cho các tù nhân phạm tội hình sự nghiêm trọng và 36 buồng còn lại dảnh cho những người phạm tội nhẹ hơn. Một số tù nhân sẽ được phép di chuyển đến Nuuk để làm việc và kiếm được tiền lương trước khi trở về nhà tù vào ban đêm.

Mỗi buồng giam cá nhân rộng 12 m2 với những cửa sổ không có song sắt. Các kiến trúc sư thiết kế cho biết các tù nhân rất khó để vượt qua bức tường cao, nhưng họ có thể phóng tầm mắt ra xa để có được sự tự do trong tâm trí.

Nhà tù được thiết kế để cai ngục có thể kiểm soát luồng người di chuyển qua 3 cấp độ an ninh. Nhờ vậy, khả năng xảy ra bạo lực có giảm đi cũng như các cai ngục không cần sử dụng vũ khí và có thể xây dựng quan hệ tốt hơn với tù nhân.

Các quốc gia vùng Bắc Âu là những quốc gia đi đầu trong mô hình nhà tù nhân đạo vì “xã hội của họ có phúc lợi tốt và mức độ tin cậy cao”.

Năm 2010, nhà tù Halden của Na Uy đã hình thành nên cái gọi là “tiêu chuẩn vàng”. Nơi giam giữ 227 tù nhân này được trang bị phòng tập thể dục, tường đá leo núi, đường chạy bộ, sân bóng đá, thư viện, phòng thu âm, phòng khám nha khoa và khu gia đình, nơi các tù nhân thậm chí có thể ngủ lại qua đêm với vợ, chồng, hay con cái của họ.

Tuy nhiên, chi phí vận hành các nhà tù nhân đạo không hề rẻ. Trung bình, Na Uy phải tốn 150.000 USD cho một tù nhân mỗi năm, trong khi ở Anh và Xứ Wales con số này vào khoảng 50.000 USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là khoản đầu tư thích đáng nhằm cải thiện tình trạng tội phạm từ gốc rễ và ngăn ngừa tái phạm khi hòa nhập trở lại với cộng đồng.

Nhà tù trông giống một khu nghỉ dưỡng cao cấp (Ảnh: Facebook)



Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP