Nhân ái

"Nhà tôi không khác trại tâm thần, ngày nào tôi cũng bị chúng nó đánh"

Đó là lời của bà mẹ già gần 80 tuổi Hồ Thị Sa. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà chưa hề được hưởng một ngày an nhàn vì đàn con điên, cháu dại. Sinh ra 6 người con, 2 người đã mất, 4 người còn lại đều mắc bệnh tâm thần. Bà lo khi mình chết đi thì đàn con điên, dại của bà sẽ đi đâu về đâu.

Bà Sa và đàn con tâm thần, cháu ngớ ngẩn

Mùa này, miền Tây cứ mưa suốt, con đường ngoằn nghèo, bùn đất vào nhà bà Hồ Thị Sa (78 tuổi) xã Mỹ Thiện, huyện Trà ôn, Vĩnh Long lại càng khó đi hơn. Khi chúng tôi vừa tới nhà bà Sa thì cơn mưa càng nặng hạt hơn. Cả nhà bà nhốn nháo lên, những người trạc tầm 50 đến 60 tuổi kêu la inh ỏi.

Nhiều năm nay, người dân ở xã Mỹ Thiện, huyện Trà Ôn này không còn lạ gì với hình ảnh khắc khổ, già nua của bà Hồ Thị Sa nuôi một đàn con tâm thần. Bà Sa đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng chưa có ngày nào được an nhàn. Căn nhà của bà không khác gì một “trại tâm thần thu nhỏ”, người dân nơi đây ví.

Bà là người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ như bao cô gái thôn quê khác, lớn lên và xây dựng gia đình ở quê. Bà hạ sinh 6 người con, hai người đã mất, bốn người còn lại ở cùng với bà đều “lớn mà không có khôn” ngây dại như những đứa trẻ. Cách đây mười mấy năm, chồng bà qua đời để lại mình bà chèo chống nuôi các con ngây dại.

Bà kể: “Sáu đứa lọt lòng đều như bao đứa trẻ bình thường, nhưng càng lớn càng mất khôn. Đứa lớn rồi tới đứa nhỏ phát bệnh, đứa thì lang thang quậy phá, đứa thì thích cười cười, nói nói. Bây giờ, đáng lẽ ra đã làm ông làm bà hết nhưng tất cả chúng đều như trẻ con, buồn quá cô ơi”!

Anh Cao Thành (52 tuổi) bị tật ở chân và bị tâm thần nhẹ

Trong lúc trấn an những đứa con của mình không gây gổ hay lại gần làm phiền chúng tôi, bà Sa kể về những đứa con bất hạnh của bà. Bà chỉ tay vào người con đang đứng ở sau nhà, đó là Phước con trai lớn. Phước bị tâm thần nhẹ nhất trong nhà, trong làng thương nên mai mối cho anh lấy vơ. Vợ của nó cũng không được bình thường, lâu lâu đi làm cỏ thuê kiếm được ít đồng.

"Hôm nay, con dâu tôi đi làm cỏ chưa về, còn thằng Phước thì cứ ở nhà chờ vợ vậy đó". Vừa nói, vừa đưa tay ôm đứa cháu nội duy nhất vào lòng rồi bà Sa kể tiếp: “Hai vợ chồng thằng Phước cưới nhau sinh được một đứa con trai, lúc mới sinh thằng bé trắng trẻo, lanh lợi lắm cô ơi. Tui mừng vì có người sau này chăm lo cho gia đình nên đặt tên cháu là Cao Minh Thiện với mong muốn cháu nó sáng dạ, thông minh. Nhưng không ngờ nỗi đau lại ập đến khi mà cứ lớn lên hơn một chút là biểu hiện ngớ ngẩn, quậy phá".

Trong tất cả các người con của bà Sa thì bà Cao Mỹ Dung bị tâm thần nặng nhất

“Nó đánh bạn không tự chủ nên đi học được lớp 1 là phải nghỉ. Ai hỏi nó tên gì nó nói nó tên “chó”. Lúc không lên cơn nó cứ quấn lấy tôi. Vậy mà lên cơn rồi nó cào cấu, đánh tôi, nhiều hôm dùng gậy đuổi chó đuổi tôi khắp nhà.”- bà Sa nghẹn ngào nói.

Kế Phước là “bé” Mỹ Huy và nay “bé” đã 54 tuổi rồi. Chúng tôi gọi bằng “bé” vì bà Huy không thích gọi bằng bà hay bằng cô. Bà Mỹ Huy hiền lành, không quậy phá nhưng mắc tật ngớ ngẩn.

Bà Huy đã 54 tuổi nhưng thích gọi là bé Huy

Kế “bé” Mỹ Huy là anh Cao Thành (52 tuổi), anh Thành bị tật ở chân và bị tâm thần nhẹ. Hàng ngày anh lang thang ở chợ xin thức ăn thừa. Dạo gần đây, chân anh đau đi lại khó khăn hơn nên suốt ngày chỉ tìm mấy con chó ở gần nhà rồi ngồi chơi chung. Nhiều khi thấy cơ thể anh bốc mùi hôi, bà Sa tính tắm rửa cho con trai nhưng anh Thành chống cự quyết liệt.

Cô con gái út của bà Sa là chị Cao Mỹ Dung (48 tuổi). Khi gặp chúng tôi chị cười khanh khách nhưng khi được khen xinh gái chị lại tỏ ra e thẹn. Bà Sa kể: “Trong số 4 đứa con điên, tôi luôn lo nhất cho con út Dung vì nó hay chửi bới, bày trò ra phá. Chính quyền vận động giúp cho xây nhà để mấy mẹ con có chỗ ở vậy mà nó chiếm hết không cho ai ở. Nó không cho ai vào nhà mà giành để tha những thứ rác rưởi, dơ bẩn về nhà cất”.

Hiện tại, cả gia đình bà Sa sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà nước hơn một triệu đồng, vì thế cái ăn, cái mặc rất thiếu thốn. Mắt bà mờ, tai điếc, đi lại cũng khó khăn. “Nhiều đêm ôm đứa cháu nội mà nước mắt ướt gối. Cứ lo mai này, khi tôi lìa xa cõi đời này thì đàn con điên, cháu dại sẽ sống ra sao”, bà Sa buồn rầu kể.

Cả nhà có anh Phước bị tâm thần nhẹ nhất nên vẫn lấy được vợ nhưng sinh con ra, con anh Phước cũng bị tâm thần

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch xã Thiện Mỹ cho biết: "Hiện nay bà Sa tuổi cao nhưng còn phải chăm lo cho 4 đứa con và cháu nội bị bệnh tâm thần, tàn tật. Chính quyền đã có chính sách hỗ trợ cho gia đình bà, cấp sổ hộ nghèo, xây nhà nhân ái, hỗ trợ cấp cho một số người có chính sách trong gia đình. Nhưng hiện tại gia đình không ai có khả năng lao động. Lúc trước, bà Sa còn làm lụng kiếm thêm nhưng giờ lớn tuổi sức khỏe yếu, không thể làm gì được. Toàn bộ gia đình sống bằng hơn một triệu đồng tiền chính sách và giúp đỡ của bà con.

Trước thực tế khó khăn của gia đình bà, chính quyền mong nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của bạn đọc báo Dân trí và các mạnh thường quân, giúp đỡ được phần nào giúp bà”, ông Phúc hy vọng.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3055: Bà Hồ Thị Sa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

Hoặc gọi nhờ số điện thoại ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ 0987.557.963

Tác giả: Phạm Trang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP