Nhà đẹp

Nhà thấm, nứt vỡ vì chọn sai loại gạch xây tường

Tiết kiệm được 20 triệu khi xây nhà, anh Quang (Hà Nội) gặp đủ rắc rối khi khoan tường đóng tủ bếp, treo kệ.

Anh Quang quê ở Nam Định, lên Hà Nội học từ năm 2010. Bố mẹ anh dự tính con sẽ ở lại Hà Nội nên mua sẵn mảnh đất rộng 85 m2 ở quận Hai Bà Trưng. Khi ấy, khu vực này còn là làng xóm, đất của gia đình là hồ cá được lấp nên giá khá rẻ. Tới năm 2017, anh Quang cưới vợ nên quyết định xây nhà để không phải đi thuê. Tuy nhiên, sau 3 năm đi làm, anh không gom góp được nhiều nên chỉ định làm nhà hai tầng đơn giản trên diện tích 50 m2.

Anh Quang định sau này có điều kiện, sẽ lên thêm tầng nữa. Bởi vậy, anh làm móng thật chắc chắn. Vì nền đất yếu, nhiều nước, nên tiền chi cho việc đào móng, đóng cọc đã khá nhiều. Bởi vậy, anh Quang buộc phải thắt chặt việc mua nguyên vật liệu ở các hạng mục khác.

Gạch lỗ có nhiều ưu điểm nhưng không thích hợp xây ở nơi tiếp xúc nhiều nước. Ảnh minh họa: Gachblock.

Khi chọn gạch xây tường, anh Quang đắn đo giữa gạch lỗ và gạch đặc. Gạch lỗ chịu lực kém hơn nhưng giá lại rẻ hơn khá nhiều. Nếu xây hai tầng, tổng số tiền tiết kiệm được có thể lên tới 20 triệu đồng.

Sau 3 tháng xây dựng, ngôi nhà của anh Quang hoàn thiện cơ bản, chuẩn bị làm nội thất. Anh bắt đầu tiến hành việc treo lắp tivi, tủ bếp, khoan chỗ treo tranh trang trí. Lúc này, anh Quang mới bắt đầu thấy rắc rối từ việc lựa toàn bộ gạch lỗ để xây nhà của mình. Khi thợ treo đồ, tường liên tục bị nứt vỡ do khoan vào phần rỗng của gạch. Với những nơi chỉ cần khoan một vài lỗ, thợ phải căn vào các mạch chỉ. Nhưng với tủ bếp, việc treo lắp khá rắc rối, đội thi công phải thay gạch, vá víu lem nhem.

Nhà chị Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng gặp rắc rối vì sử dụng gạch lỗ xây nhà. Chị muốn cơi nới thêm một tầng nữa cho ngôi nhà 2 tầng hiện có. Tuy nhiên, móng nhà yếu nên chị cân nhắc tìm mọi giải pháp để giảm tải lên móng. Gạch lỗ có trọng lượng nhẹ hơn gạch đặc được lựa chọn để xây tầng 3.

Ngoài ra, loại gạch lỗ mà chị Thảo chọn mua có màu đều đẹp. Bởi vậy, chị để một mảng tường gạch mộc trang trí. Tuy nhiên, sau khoảng vài tháng, khi mùa mưa lũ bắt đầu, tường nhà chị Thảo đã có hiện tượng thấm loang lổ. Đặc biệt là khu vực để gạch mộc ở phòng khách, nước chảy thành dòng xuống sàn nhà.

Theo KTS Ngọc Anh, gạch lỗ đang ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn để xây nhà. Đầu tiên, gạch lỗ có giá thành rẻ hơn khoảng 200-300 đồng một viên so với gạch đặc. Nếu tính trên diện tích tường lớn, gia chủ có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ngoài ra, gạch có trọng lượng nhẹ, việc vận chuyển tới công trình và lên tầng dễ dàng. Gạch cũng có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Tuy nhiên, loại gạch này cũng có một số nhược điểm mà các gia chủ cần cân nhắc khi lựa chọn. Gạch có khả năng chịu lực kém, dễ bị vỡ vụn khi khoan, đục đẽo.

Theo KTS Đức Anh, gia đình anh Quang và chị Thảo vẫn có thể sử dụng gạch lỗ nếu gạch chất lượng tốt và đội thợ có kinh nghiệm. Sự cố của nhà chị Thảo có thể do xây tường đơn bằng gạch lỗ, chất lượng gạch chưa đạt, sơn chống thấm kém. Với tường bao ở nơi có mưa nhiều, gia đình nên sử dụng tường đôi. Thợ có kinh nghiệm sẽ biết cách kết hợp các hàng gạch lỗ và gạch đặc để tăng khả năng chống thấm cho tường. Nếu dự định treo đồ vật nặng, gia chủ cần tính toán chính xác để xây gạch đặc ở các vị trí đó.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP